Quý tử béo phì vì... bà thương cháu đói
Môi trường - Ngày đăng : 19:01, 14/05/2016
Ảnh minh họa
Ai cũng khen mẹ chồng chị chăm cháu tốt. Do ít sữa nên cả ba đứa con của chị đều ăn sữa ngoài từ nhỏ. Sữa mẹ đối với chúng chỉ như nước giải khát, có cũng được, không có cũng chẳng sao.
Hai vợ chồng chị cùng mở cửa hàng tóc, vào vụ rất bận rộn. Vậy nên, ba đứa con, sau khi cai hẳn sữa mẹ, đều được huấn luyện ngủ với ông bà nội.
Mẹ chồng chị là người biết thu vén, sắp xếp công việc gia đình đâu ra đấy nên chị cũng không mấy khi phải động tay động chân vào việc gì. Chị rất yên tâm và thầm cảm ơn số phận đã cho chị may mắn được trở thành con dâu của mẹ.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như cu Bi nhà chị từ ngày học mẫu giáo nhỡ, cân nặng tăng đều đều tới mức… báo động.
Hồi mới sinh người dài ngoằng, lại suốt ngày ốm đau, hết viêm họng lại đến viêm phế quản, cả nhà ai cũng sốt ruột nên ra sức tẩm bổ cho cu cậu. Sữa nội, sữa ngoại, cháo gà, cháo chim bồ câu… đủ loại, ấy thế mà cu Bi cứ teo tóp như con mèo hen.
Đến tuổi đi học mẫu giáo, Bi bớt ốm, ăn được nên da dẻ mỡ màng trông thấy. Cả nhà ai cũng mừng. Anh chị yên tâm dành thời gian nhiều hơn cho cửa hàng.
Bi vào lớp 1. Với kinh nghiệm có được từ cô con gái đầu, anh chị quyết dịnh không cho cháu ăn bán trú mà mang cơm lên cho Bi ăn trưa cho đảm bảo vệ sinh, và cũng là để giám sát khẩu phần ăn của cu cậu.
Mẹ ơi, bạn gọi con là Đồ béo phì! Ảnh minh họa
Số là hồi còn học mẫu giáo, thấy con tăng cân vù vù đến mức khám sức khỏe bị báo động thừa cân, anh chị đã rất ngạc nhiên. Điều này trái hẳn với suy nghĩ khi Bi mới bắt đầu đi lớp, sợ không ăn uống được, ốm đau giống cô chị. Hỏi ra mới biết Bi hay ăn cơm của bạn. Vậy là ngoài việc đe con ăn cơm của bạn là xấu, chị cũng nhờ các cô trên lớp để ý đến Bi hơn.
Đầu lớp 1, Bi 38kg. Và đến giờ, chuẩn bị nghỉ hè, Bi đã 42kg. Bộ quần áo đồng phục may đầu năm chật ních. Bi béo, Sumo, Trạng lợn, Thằng Tây… là những biệt danh mà mấy ông bà hàng xóm hay gọi con chị. Dù biết họ chẳng có ý gì và cũng không hề xỏ xiên cơ thể núng nính thịt của thằng bé, song thực sự chị thấy khó chịu.
Hài nhất là lúc nào chơi đùa với lũ trẻ hàng xóm, nóng quá, người toát mồ hôi, Bi cởi trần ra thì ai nấy nhìn thấy lại cười nghiêng ngả. Ngực cậu to hơn cả cô chị chuẩn bị lên lớp 7 đang tuổi dậy thì, mỗi lần chạy lại rung lên…
Bữa nọ đang bận làm mà anh phải tức tốc về nhà lấy chiếc quần khác mang lên cho Bi thay. Cô giáo gọi điện: “Con đang mang vở lên nộp cho cô thì quần tụt. Cả lớp cười nghiêng ngả. Bi xấu hổ quá khóc tu tu”.
Chiều tan lớp, đón con, chị nghe cô kể, Bi bị hỏng khóa quần lúc đi vệ sinh. Hình như tại quần chật nên kéo mãi chả được.
Con bị bạn chế béo phì, phải làm sao để mẹ chồng hiểu và hợp tác? Ảnh minh họa
Vậy là tối ấy, trong bữa cơm, chị làm công tác tư tưởng cho mẹ chồng. Đây không phải lần đầu anh chị góp ý với bố mẹ chồng về việc cho cháu ăn uống điều độ, vừa phải. Thậm chí, cu Bi cũng nhiều lần bị dọa, bị bạn chế, nhưng chỉ được 2 bữa cậu ăn ít, rồi đâu lại hoàn đấy.
Chị kể gần kể xa, từ ví dụ thực tế đến những câu chuyện trên mạng. Chị bảo giờ xã hội phát triển, không phải cứ ăn no, ăn nhiều mới là tốt, cháu béo là vui… Đang thao thao, bất ngờ bà đặt mạnh bát cơm đang ăn dở xuống, nói dỗi: “Vâng, tôi ít học. Anh chị nhiều chữ. Tôi chỉ biết chăm cháu thế thôi. Từ sau anh chị muốn cho nó ăn gì thì ăn”.
Rồi mẹ chồng chị đi vào buồng nằm khóc. Chị chưng hửng. Anh chị nhìn nhau không nói gì, cắm cúi ăn vội bát cơm cho xong bữa.
Mấy bữa nay chị suy nghĩ nhiều. Con chị độ này hay gãi, kêu ngứa. Da ở nách, bẹn và cổ có dấu hiệu khác lạ. Đi khám da liễu, bác sĩ kết luận thừa cân, nếu không cẩn thận còn bị tiểu đường. Chị phải làm gì khi mà bà không lắng nghe và hiểu ra vấn đề?
Chị hiểu bà thương cháu và những chuyện như thế này không phải hiếm. Bạn chị cũng từng khóc dở mếu dở khi đã cắt hẳn khoản bánh kẹo, sữa, đồ ăn sẵn trữ trong tủ lạnh mà cậu con quý tử cân tăng không hãm nổi. Theo dõi vài bữa, bạn chị phát hiện ra ông bà toàn giấu bố mẹ mua đồ ăn cho cháu ở ngoài mỗi bận cháu kêu đói.
Chị cũng đã thử áp dụng vài chiêu, nhưng cuối cùng không đi đến đâu mà không khí gia đình ngày càng căng thẳng. Gọi điện cho bác sĩ da liễu, ông mắng té tát: “Con chị có bị bệnh ngoài da đâu mà đi khám làm gì”.
Chị nhỏ nhẹ giải thích. Cuối cùng, ông bác sĩ bảo: “Được rồi, cuối tuần đưa cả hai bà cháu tới đây, tôi “kê đơn” cho”…