Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt của người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc

Môi trường - Ngày đăng : 14:25, 21/04/2016

Ngẩn ngơ một lúc lâu, người mẹ già đã 86 tuổi dường như không thể tin vào mắt mình, đứng trước mặt bà là người con gái út đã mất tích cách đây 22 năm trước.

Vào khoảnh khắc ấy, nước mắt của 2 người phụ nữ bắt đầu tuôn trào và họ ôm chầm lấy nhau sau hơn 2 thập kỷ xa cách…

Chuyến xe định mệnh

Đối với chị Phạm Thị Bậu (SN 1966), có lẽ cái ngày 15/4/1994 (âm lịch) sẽ ám ảnh mãi. Trên chuyến xe đò định mệnh hôm ấy, chị từ huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đi Huế để bỏ mối trái cây cho bạn hàng thì xe bị nổ lốp. Trong lúc chờ sửa xe, chị ngồi bên vệ đường trên đỉnh đèo Hải Vân uống nước thì bị một người phụ nữ đi từ phía sau đến vỗ vai rồi đánh thuốc mê. Kể từ đó, chị Bậu mê man không biết gì nữa. Đến khi trở về với thực tại thì chị đã ở trên một đất nước hoàn toàn xa lạ.

“Khi tỉnh dậy tôi vô cùng hoảng sợ khi biết mình bị bán sang Trung Quốc, còn bằng cách nào qua được đây thì tôi không rõ. Tất cả tiền bạc buôn bán của tôi đã bị mất sạch”, chị Bậu bàng hoàng kể lại.

Chị Bậu cho biết, lúc mới qua, chị được đưa vào một nhà trọ ở Tam Hưng, tỉnh Quảng Tây. Chủ nhà trọ cũng là một người Việt Nam. “Chủ trọ này một người phụ nữ trung niên và nói giọng miền Bắc. Lúc đó, tôi có nhiều lần nài nỉ van xin người đó cho tôi về, vì ở Việt Nam tôi còn 2 con nhỏ và mẹ già nhưng họ không thèm đếm xỉa. Họ nói muốn về thì phải đưa 2.000 nhân dân tệ. Nhưng thời điểm đó trong người tôi đã không còn một xu dính túi”, chị Bậu xót xa kể.

Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt của người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc

Chị Bậu với lá thư trên tay của 2 cậu con trai từ Canada gửi về

Ở nhà trọ được một tuần, chị Bậu được một người đàn ông Trung Quốc sống ở thành phố Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây mua về làm vợ. Biết không còn cách nào khác, chị đành gạt nước mắt theo người chồng xa lạ và phó thác số phận cho trời định. Ngày về nhà chồng, chị được tổ chức “đám cưới” bằng vài mâm cơm cùng với sự có mặt của người thân bên gia đình chồng.

“Tôi hơn anh Trung (tên Việt Nam của chồng chị) 6 tuổi. Thời gian đầu qua đây tất cả đều xa lạ, nhất là bất đồng ngôn ngữ nên mọi thứ rất khó khăn. Thời điểm đó tôi cứ ngỡ cuộc đời mình coi như đã chấm hết khi bơ vơ giữa đất nước xa xôi và lấy một người đàn ông xa lạ làm chồng.

Nhưng may mắn cũng mỉm cười với tôi, khi anh Trung rất tốt và thương yêu vợ. Hàng xóm ở đây cũng rất tốt, mình giúp họ, họ giúp lại mình nên cũng dễ hòa đồng”, chị Bậu vui vẻ nói.

Chị Bậu tâm sự, anh Trung là con út trong gia đình 3 anh em trai, năm 12 tuổi anh đã mồ côi cha mẹ và hiện đang hành nghề chạy xe ôm. Chồng chị do nhà nghèo không có tiền cưới vợ nên phải đi mua vợ với giá rẻ, lớn tuổi hơn. Chính vì nơi ở nghèo khổ nên chị phải quần quật suốt ngoài ruộng đồng mới đủ ăn. Nhưng may mắn hơn những người phụ nữ Việt Nam khác sang đây, là được anh Trung thương yêu và chưa bao giờ bị chồng hành hạ.

Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt của người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc

May mắn hơn những người phụ nữ Việt Nam khác, anh Trung rất thương yêu chị Bậu

Đến năm 1995, chị Bậu nhập quốc tịch Trung Quốc, cũng trong năm đó chị sinh con. Đến nay, vợ chồng đã có với nhau 2 cậu con trai khôi ngô tuấn tú, hiện cả 2 đang làm cho một công ty điện tử viễn thông ở thành phố Nam Ninh. “Tôi đã nhiều lần kể cho các con nghe chuyện của mình. Ở bên đó, tôi nhớ nhà lắm nhưng không biết cách nào để liên lạc. Nhưng bù lại, tôi được chồng con thương yêu, điều đó khiến tôi được an ủi một phần nào nỗi nhớ quê hương và gia đình”, chị Bậu nghẹn ngào nói.

Cuộc trùng phùng sau 22 năm…

Sau khi 2 con đã trưởng thành và biết tự lo cho mình, vợ chồng chị Bậu quyết định gom góp tiền bạc về Hiệp Đức thăm quê hương. Chị đón tàu hỏa từ Trung Quốc về đến Hà Nội. Rồi từ Hà Nội về Đà Nẵng. Khi đến Đà Nẵng 2 vợ chồng tiếp tục đón xe về thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức.

22 năm xa quê hương, khi đặt chân đến thị trấn Tân An, chị Bậu ngẩn ngơ khi mọi thứ đã thay đổi quá nhiều và trở nên xa lạ. Đứng như trời trồng một lúc lâu chị vẫn không biết đường về nhà mình. “May mắn vào lúc đó một số người dân trong chợ còn nhận ra tôi nên đã gọi điện thoại cho người nhà của tôi ra đón”, chị Bậu kể.

Khi chị vừa đặt chân đến cổng nhà cũng là lúc người mẹ già đã 86 tuổi đi từng bước khó nhọc ra đón. Trong giây phút ấy, chị thẫn thờ không nói được lời nào, nước mắt chị bắt đầu tuôn trào, đó là mẹ chị, người mà suốt 22 năm chị luôn thương nhớ, người mà hàng đêm chị ao ước được một ngày trở về nằm trong lòng mẹ.

22 năm xa cách, 22 năm với nỗi nhớ khôn nguôi cứ mãi day dứt trong lòng chị chưa một lần lắng xuống. Phía đối diện, người mẹ già tóc đã bạc phơ nước mắt cũng giàn giụa. Bà không thể tin vào mắt mình khi đứng trước mặt là người con gái út đã mất tích 22 năm về trước mà bà cứ nghĩ là đã chết. Khoảnh khắc ấy, giữa vô vàn câu hỏi còn bỏ ngỏ, 2 người đàn bà ôm chầm lấy nhau sau 22 năm xa cách.

Bà Lê Thị Ngữ (mẹ chị Bậu) cho biết: “Bậu là con gái út trong gia đình 4 anh chị em. Sau cái ngày nó mất tích, cả nhà tôi chia nhau đi tìm suốt 2 tháng ròng nhưng không có kết quả gì. Thời gian ấy nhiều người cứ nghĩ nó đã không may qua đời”.

Năm 1990, chị Bậu nên nghĩa vợ chồng với một người đàn ông ở Quảng Ngãi và họ sống tại đây. Thế nhưng, thời gian ấy thật sự là nỗi ám ảnh đối chị. Người chồng thường xuyên rượu chè, đi trộm cắp và đánh đập vợ. Sau khi sinh người con thứ hai không được bao lâu, chị ôm 2 con rời quê chồng về lại Hiệp Đức sống với mẹ già. Sau này hai vợ chồng cắt đứt liên lạc. Khi chị mất tích ở Huế, lúc đó con lớn mới 2 tuổi, con nhỏ chưa đầy 1 tuổi.

Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt của người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc

Mỗi khi nhớ chị Bậu, bà Ngữ lại mang hình của 2 cháu ngoại ra nhìn

Bà Ngữ kể: “Khi thấy cháu ngoại khát sữa, tôi phải nhờ dì nó cho bú giúp. Nhưng người dì cũng có cuộc sống khó khăn, đang nuôi con nhỏ nên không đủ sữa. Thiếu thốn người mẹ khi còn quá nhỏ, 2 cháu còi cọc, chậm phát triển”, cụ Ngữ buồn rầu nói.

Hơn 2 tháng sau ngày chị Bậu mất tích, cụ Ngữ không đủ sức kham nổi nên đành mang 2 cháu ngoại ra Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Đà Nẵng nhờ cậy. Một tuần sau, có một cặp vợ chồng Canada đến xin làm thủ tục nhận 2 đứa trẻ làm con nuôi và đưa về bên Canada sinh sống.

“Lúc đó buồn lắm, không đành để họ mang mấy đứa đi. Nhưng được mọi người động viên nên yên tâm. Bây giờ vui mừng vì biết 2 cháu có được cuộc sống sung túc, học hành tới chốn bên Canada. Đã vài ba lần, gia đình vợ chồng người Canada dẫn 2 người cháu về thăm lại quê hương. Và mỗi lần như vậy, 2 người con không thôi nhắc về mẹ mình”, bà Ngữ cho biết.

Gạt nước mắt, chị Bậu nghẹn ngào nói: “Ngày trở về tôi cứ ngỡ sẽ được gặp lại 2 con của mình. Đó là máu mủ của tôi, suốt 22 năm qua, chưa bao giờ tôi thôi nhớ về chúng. Cha nó tệ bạc bỏ mặc con bơ vơ đã đành, tôi là mẹ mà lại không có ở bên khi 2 đứa cần tôi nhất. Điều đó thật sự làm tôi rất ân hận và có lẽ trong suốt quãng đời còn lại tôi chẳng thề nào bù đắp được cho chúng…”

Rời xóm Vạn Nghe, chúng tôi ra về với một niềm vui trong ngày trùng phùng của họ. Nhưng đan xen trong đó là một nỗi buồn không thể nói thành lời. Có lẽ chuyến xe năm ấy đã đưa chị sang một trang mới, trên một mảnh đất mới và một gia đình mới nhưng trong chị vẫn còn day dứt về 2 cậu con trai đã 22 năm không gặp…

Sơn Tùng