Những phụ nữ trắng tay sau ly hôn
Môi trường - Ngày đăng : 10:19, 23/03/2016
Năm 1990, chị Hải kết duyên cùng anh Hưng, về làm dâu nhà ông Thư bà Hà. Ông, bà có 4 người con, anh Hưng bệnh tật triền miên, chị Hải mang theo đứa con riêng 4 tuổi về nên họ quấn quýt bên nhau. Ông Thư mua 400m2 đất, cất 3 gian nhà cho vợ chồng anh Hưng ở riêng rồi thở phào nhẹ nhỏm vì đứa con quanh năm ốm yếu đã có chỗ dựa.
Chị Hải tần tảo chăm chồng, nuôi con. Hương lửa đang nồng thì anh Hưng qua đời vì bạo bệnh, chị Hải thủ tiết thờ chồng. Năm 1995, chị được cấp bìa đỏ cho mảnh đất. Năm 2001, ông Thư qua đời, đứa con trai đang học lớp 9 chết đuối, chị Hải một thân cô quạnh, tuổi già ập đến, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Chị Hải mảnh đất bán cho ông Đa một nửa được 20 triệu đồng, trích 5 triệu đồng biếu mẹ chồng, số còn lại sửa nhà và được UBND xã chấp nhận.
Vì tin tưởng, vì thiếu hiểu biết pháp luật, những cô dâu đã phải ngậm ngùi rời gia đình nhà chồng với 2 bàn tay trắng. Ảnh minh họa
Đột nhiên, đầu năm 2012, 3 người con thay mặt mẹ là bà Hà phát “đơn khởi kiện đòi chia thừa kế”. Toà án huyện tuyên: “Đây là tài sản chung của anh Hưng và chị Hải. Công nhận hợp đồng chuyển nhượng của chị Hải và ông Đa. Số đất còn lại 200m2 được tuyên chia đều cho các đồng thừa kế”. Cả nguyên đơn và bị đơn kháng cáo, TAND tỉnh huỷ án sơ thẩm, đình chỉ vụ án.
Quyết chia cho được mảnh đất mặt tiền, các con bà Hà lại chuyển qua: “Khởi kiện đòi lại tài sản”. Tòa chấp nhận, tuyên “buộc chị Hải trả lại một nửa mảnh đất, huỷ hợp đồng chuyển nhượng đất với ông Đa. Buộc chị Hải trả lại 20 triệu cho ông Đa”. Số đất 200m2 chị Hải được chia, đã bán cho ông Đa lấy tiền làm nhà, còn ngôi nhà làm trên 200m2 đất kia thì bị chia cho nguyên đơn. Vậy là sau 20 năm ở trên mảnh đất được cấp bìa đỏ hợp pháp, người goá phụ không con này bị đẩy ra đường với 2 bàn tay trắng.
Một câu chuyện khác, năm 1995, anh Hoàng kết duyên cùng chị Thu, giáo viên cấp 1, hai bé gái lần lượt ra đời. Năm 1999, bố chồng chia đôi khuôn viên 1.000m2 của mình cho vợ chồng Hoàng một nửa ra ở riêng. Hoàng buộc vợ nghỉ việc bán hàng. Mảnh đất được chia sát quốc lộ, họ xây 2 gian nho nhỏ buôn bán nên cuộc sống dần khấm khá, liền vay mượn làm thêm ngôi nhà 3 gian. Lúc này Hoàng mới đặt vấn đề “cần có thằng cu chống gậy”. Chị không chịu, các anh chị em nội ngoại vào cuộc, ra sức vận động, o ép. Cực chẳng đã, Thu sinh đứa thứ 3 và vẫn …vịt giời.
Tình thế đổi hẳn, gia đình nội ghẻ lạnh, Hoàng làm đơn ly dị. Toà án thụ lý, lúc này, chị Thu mới ngã ngửa là từ trước đến nay vẫn “ở nhờ” đất bố mẹ chồng. Ông cho miệng không văn bản, tên chủ sở hữu vẫn là ông. Toà tuyên: Tài sản trên đất của 2 vợ chồng trị giá 40 triệu đồng, nợ chung phải trả 22 triệu đồng, số còn lại chia mỗi người 9 triệu đồng. Con lớn ở với Hoàng, 2 con nhỏ ở với Thu. Khi đòi tiền được chia, anh chồng bảo: “Hôm cưới, bên nội mừng cho 2 chỉ vàng nên trừ đi 4.740.000 đồng, còn 4.260.000 đồng bán được nhà sẽ trả”. Thêm một cô dâu sau 14 năm, dắt dìu 2 con trở về nhà mẹ già với 2 bàn tay trắng.
Chị Nga lại rơi vào một tình cảnh khác. Nhờ lấy được con một gia đình giàu có nên vừa cưới hôm trước, hôm sau vợ chồng đã dắt nhau ra ở riêng trong một ngôi nhà gỗ lim 3 gian, toạ trên 300m2 đất mà bố mẹ chồng làm sẵn.
Họ có với nhau một con thì phong trào xuất khẩu lao động ập đến như cơn lốc. Vốn có mộng làm giàu, anh vay mượn tiền cho chị xuất ngoại. Suy thoái kinh tế ập đến, nợ trả chưa hết chị đã phải quay về. Cơm không lành, canh không ngọt bắt đầu từ đó, hầu như không có ngày nào họ không cãi nhau. Anh cho rằng vì chị mà gia đình mình bị đẩy vào cùng quẫn.
Không chịu nổi sự căng thẳng túc trực thường nhật, họ kéo nhau ra toà. Lúc này, chị mới chết lặng khi biết 10 năm qua mình vẫn ở nhờ trong nhà đất mang tên bố mẹ chồng, tài sản chung không có gì ngoài bức tường bao, chị gửi tiền về cho anh xây được định giá 4 triệu đồng. Chị ngậm ngùi rời ‘tổ ấm” của mình với vỏn vẹn 2 triệu đồng. Đứa con trai cũng bỏ chị, về ở với bố.
Đây chỉ là 3 trong rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra trong xã hội, cuộc sống gia đình. Chính vì sự đơn giản trong suy nghĩ, xuề xoà trong giao kèo, bỏ qua các thủ tục về pháp luật vì tin tưởng vào nghĩa tình, huyết thống chính là nguyên nhân dẫn đến những câu chuyện oái oăm như vậy.