Nỗi đau Gạc Ma và tài sản vô giá của mẹ
Môi trường - Ngày đăng : 10:21, 14/03/2016
Nhẹ nhàng mở chiếc hộp cũ đã phai màu, mẹ Trương Thị Ngò lấy từng kỷ vật của con trai đã hy sinh mà lòng đau như thắt lại. Nỗi nhớ thương con da diết lại ùa về với người mẹ 89 tuổi, quê xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
28 năm qua, nhiều đêm mẹ thức trắng vì nhớ con, nước mắt của mẹ chảy dài, đôi mắt vẫn còn in hằn những dấu vết của sự chờ đợi, một nỗi nhớ khắc khoải khôn nguôi.
Sổ nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường mẹ Ngò vẫn gìn giữ cẩn thận
Mẹ có 3 người con, người con đầu là Nguyễn Bá Xuân, người con thứ là Nguyễn Bá Hùng, còn cậu con út là Nguyễn Bá Cường đã vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi cùng 63 chiến sĩ anh dũng khác trong trận chiến ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Năm tháng cứ lặng lẽ trôi đi nhưng hình ảnh về út Cường vẫn không thể nào phai mờ trong tâm trí mẹ.
Cầm tấm hình đã ngả màu, những ngón tay nhăn nheo run run chạm vào gương mặt con trai, mẹ nghẹn ngào kể: “Thằng út nó ngoan lắm. Năm 1980, nó thi đậu Đại học tổng hợp Đà Lạt. Học được một năm, nó về xung phong đi bộ đội. Gia đình khuyên nó cứ học hết đã, vì hai anh trai cũng đang phục vụ trong quân ngũ. Nhưng nó cứ đòi đi rồi lén ba má đăng ký nhập ngũ. Hết cách, ba nó chấp nhận để nó đi”.
Vào quân trường được sáu tháng, đơn vị cho về phép, út Cường về thăm nhà và thông báo với mẹ, anh chuẩn bị lên đường ra đảo làm nhiệm vụ. Thấy mẹ lo lắng, anh động viên: “Má đừng lo, con ra đảo công tác xong thì con lại về mà”. Nhưng mẹ đâu ngờ rằng, đó cũng là lần cuối cùng mẹ nhìn thấy anh.
Mẹ Ngò cho hay, năm 1985, út Cường được giao về Lữ đoàn Bộ binh 173 (Quân khu 5), một năm sau thì đi học ở Học viện Hải quân Nha Trang. Cường đã đăng ký đi học lớp hoa tiêu ở Nga, nhưng khi biết được nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, Cường hủy khóa học để lên đường làm nhiệm vụ.
Ngày anh lên đường cũng là ngày mẹ nén nỗi lo và chờ thư của con trai. Tết năm 1988, Cường gửi thư về chúc sức khỏe mọi người và kể rằng anh em ngoài này đông vui lắm nên gia đình đừng lo. Nhưng chỉ vài tháng sau, cả nhà bàng hoàng khi nhận được tin anh hy sinh.
Giấy báo tử trên tay, lễ truy điệu đã được tổ chức nhưng mẹ vẫn không tin rằng đứa con trai ngoan hiền của mình đã nằm lại giữa trùng khơi.
Những kỷ vật về anh là tài sản quý giá nhất cuộc đời của mẹ
28 năm trôi qua, những kỷ vật, từng trang Báo Nhân Dân (năm 1988) có bài viết tuyên dương về những người lính Trường Sa trong đó có Thượng sĩ Nguyễn Bá Cường, sổ đoàn viên, những tấm ảnh thời sinh viên và trong quân trường của anh mẹ vẫn cất giữ cẩn thận.
“Đây là những kỷ vật còn lại của thằng út, đơn vị gửi về cùng giấy báo tử. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn gìn giữ cẩn thận vì đó là tất cả tài sản quý giá nhất của cuộc đời tôi”, mẹ rưng rưng nói.
Nói về anh mẹ khóc, đôi mắt nhăn nheo, mờ đục, nước mắt mẹ đã cạn vì thương nhớ con. Những kỷ vật là tài sản quý giá nhất của cuộc đời của mẹ, mỗi lần nhớ anh mẹ lại mang ra xem.
Tóc mẹ mỗi ngày mỗi bạc, lưng mẹ ngày càng còng rạp, đôi mắt đã mờ và thần trí lúc nhớ lúc quên khi nói về anh. Nhưng Tổ quốc và nhân dân sẽ không bao giờ quên công ơn của anh, người chiến sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng.