Chuyện nữ TNXP gần 40 năm đi tìm mộ người yêu
Môi trường - Ngày đăng : 07:12, 11/03/2016
Lời hẹn ước bất tử
Vào một ngày cuối tháng 5/1970, ven bờ sông Lam trong xanh, anh bộ đội Đặng Xuân Thọ nắm tay cô TNXP Phùng Thị Huệ (SN 1950, thôn Hội Tiến, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cùng dạo gót bên nhau trong ánh nắng chiều. Họ dừng lại trên triền đê lộng gió, nhìn sâu vào mắt nhau rồi anh thốt lời yêu thương: “Anh về phép rồi đi B. Mình cưới để lỡ anh hi sinh còn có con nối…”. Huệ vội úp bàn tay mềm như lụa lên môi người yêu thổn thức: “Anh cứ yên tâm lên đường, anh làm cách mạng, em cũng làm cánh mạng. Chúng ta lo hoàn thành nhiệm vụ, thắng Mỹ cưới cũng chưa muộn. Em sẽ đợi, đón anh ngày chiến thắng trở về”.
Anh cười hiền từ, khoác ba lô lên đường ra trận, mang theo lời hẹn ước của người yêu. Trên đường hành quân, xen kẽ giữa các trận đánh, từ tháng 6/1970 đến tháng 12/1972, anh gửi chị 21 lá thư. Cuối năm 1972, chị nhận được một lá thư đặc biệt, bên trong là một bông hồng ép khô với vỏn vẹn 2 câu thơ: “Em ơi đợi anh về/Đợi anh hoài em nhé”. Từ đó chị bặt tin anh.
Bà Huệ bên di ảnh ông Thọ
Một chiều đông rét mướt cuối năm 1973, có anh bộ đội tìm đến trao cho chị, một đôi gối cưới thêu hình đôi chim bay giữa mặt trăng. Hai chiếc vòng đeo cổ làm bằng vỏ đạn pháo cối lóng lánh ánh đồng và một vỏ chăn (những lễ vật ngày cưới theo phong tục địa phương). Mắt chị hoa lên, tai ù đặc khi người bộ đội nói: “Trước lúc vào trận đánh, anh Thọ dặn, ai còn sống nhớ mang kỷ vật này về trao tận tay chị”.
Trời tối sầm lại, mặt đất chao nghiêng, chị nấc lên, khuỵu xuống, ngất lịm…
Làm vợ, làm dâu
Năm 1966 vừa học hết lớp 7, mới 16 tuổi nhưng với khí thế hừng hực của lớp thanh niên: “Ta đã lớn bằng hoa thơm quả ngọt/Vừa cởi khăn quàng đã khoác súng lên vai”, Phùng Thị Huệ đi bộ 10 km lên Huyện đoàn Nghi Xuân, xin vào bộ đội. Huyện đoàn không chấp nhận, chị chích máu viết huyết tâm thư. Huyện đoàn chịu thua ý chí cô thôn nữ, nhận vào đội thanh niên xung phong.
Năm 1968, trên đường hành quân đến địa phận Quảng Bình, cơn sốt rét ập đến đúng lúc trận mưa giáng xuống xối xả làm chị ngất lịm. Khi tỉnh dậy, thấy anh bộ đội đang dùng 2 bàn tay hơ lên lửa cho nóng rồi ép vào cơ thể mình, chị nhận ra anh Thọ cùng quê. Tình yêu bùng cháy rồi lớn dần trong khói lửa chiến tranh, trên những cung đường đặc tiếng bom rơi, đạn cày nát đất. Từ đó, mối tình đầu đời khắc sâu vào tim cùng lời hẹn ước để rồi khi nhận giấy báo tử, chị vẫn không thể tin anh đã mất.
Năm 1975, đất nước ca khúc khải hoàn, những người lính bao năm xông pha chiến trận trở về đoàn tụ với gia đình, tiếng hát, tiếng cười râm ran, ríu rít. Nỗi nhớ thương anh càng bùng lên dữ dội. Ước vọng tìm gặp anh khắc khoải con tim. Nỗi ân hận đã không nhận lời làm đám cưới để anh có con nối dõi xé nát tâm can của chị Huệ.
25 tuổi, chị được biết bao trai làng dạm hỏi, nhưng chị đều không nhận lời ai. Mặc bao lần bố giận dữ, chửi bới rồi đánh đập, mặc ông phải xuống nước hứa cho 1 căn nhà gỗ lim nếu lấy chồng, chị vẫn kiên quyết: “Con phải đi tìm hài cốt anh Thọ. Nếu không tìm được, con ở vậy thờ anh”.
Kể từ đó, chị sang nhà người bạn gái ngủ nhờ để tránh gặp mặt những người đến dạm hỏi. Cuối cùng, chị dựng một túp lều bên bờ sông Lam ở riêng, mò cua bắt ốc, chăn nuôi góp nhặt tiền bạc chuẩn bị hành trình đi tìm anh.
Đêm khuya, chị thắp hương tự làm lễ cưới với vong hồn anh, rồi ôm các kỷ vật khóc ngất. Những dòng nước mắt chảy dài, quặn thắt con tim, ướt đẫm đôi gối cưới.
Hàng ngày, chị đạp chiếc xe cọc cạch đến thăm bố mẹ anh Thọ, làm tròn bổn phận cô dâu thảo rồi mới đi làm. Bất cứ công việc buồn vui bên gia đình anh, chị đều quán xuyến đúng vai trò con dâu trưởng. Bố mẹ anh lần lượt qua đời, các em lấy chồng xa, nhà từ đường không ai hương khói, chăm chút nên xuống cấp dần, mưa gió hắt vào tận bàn thờ xối xả.
Xót xa quá, chị rước bố mẹ và anh về nhà mình dành nơi trang trọng nhất lập bàn thờ trọn đời làm vợ, làm dâu những người đã khuất. Một đêm, chị nằm mơ thấy anh gọi: “Huệ ơi dậy mau”. Chị choàng tỉnh thì nước cuồn cuộn đổ về, sông Lam gào thét. Chị chỉ kịp ôm ba bát nhang chạy vào làng đúng lúc lũ cuốn phăng túp lều.
Bố mẹ, anh em thương xót chung tay dựng cho chị 2 gian nhà nhỏ. Đêm đầu tiên ngủ tại nhà mới, chị thấy anh về bảo: “Ngủ dậy đừng thòng chân vào ổ rơm nhé”. Chị bừng tỉnh, nhìn xuống ổ rơm đặt bên giường thấy một con rắn cạp nia khoanh tròn. Ý nguyện tìm anh càng dâng lên mãnh liệt.
Rải tuổi xuân lên đỉnh Trường Sơn
“Liệt sỹ Đặng Xuân thọ, hy sinh ngày 26/1/1973, tại mặt trận phía nam. Thi hài mai táng gần khu vực riêng của đơn vị”. Giấy báo tử chỉ ghi mong manh vậy nhưng không làm chị nhụt chí.
Bắt đầu từ cuối năm 1976, mỗi năm một lần, cứ chắt chiu đủ tiền là chị đi, hết tiền thì về. Đầu tiên, chị tìm ở các nghĩa trang Nghệ An, Hà Tĩnh rồi tiến dần vào Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Nguyên, Đắc Lắc, Nha Trang, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…, không có nghĩa trang nào chị không đến. Bàn chân chị in dấu khắp dãy Trường Sơn, ven đường 9, băng qua các tuyến đường ám mùi khói lửa chiến tranh.
Căn nhà cấp 4 bé nhỏ, xập xệ
Chị đi từ khi gót chân còn đỏ dấu son con gái cho đến lúc bàn chân sần sụi, nứt nẻ, chai thành cục. Mái tóc xanh dài chấm gót rụng dần, rải khắp các vùng đồi núi, thôn quê.
Mặc bao người gọi chị là điên khùng, mặc bao lời can ngăn, khuyên nhủ, chị cứ đi rồi về, ra sức lao động, chăn nuôi, làm đủ nghề, gom góp rồi tiếp tục đi.
Mỗi lần không tìm được mộ chị lại tự nhủ: “Anh ấy thử sự kiên trì của mình đấy’’ rồi thắp hương trước ảnh anh hờn dỗi: “Anh thật bạc tình. Sao đất nước khải hoàn mà anh không giữ lời hứa”.
Đêm về chị lại ôm gối khóc, lại mơ thấy anh mặt buồn rười rượi: “Anh có bạc tình đâu, nhưng gặp nhau em càng thêm đau, đừng tìm nữa”.
Xuân qua hạ tới, thu đến đông tàn, cô Huệ thành bà, tóc bạc da mồi nhưng trong hốc mắt, một ngọn lửa của loài hoa bất tử vẫn rừng rực cháy. Mỗi năm qua đi, bà lại đính thêm 1 tấm vải đen lên chiếc nón đội đầu quyết chở tang chồng đến khi tìm được mộ mới thôi.
Năm 2010, bà tròn 60 tuổi, các chuyến đi trong suốt 35 năm qua đã vắt kiệt gia tài và sức lực của bà. Dù bệnh tim, khớp hành hạ, bà vẫn quyết đi thêm một chuyến cuối đời nhưng đi ngược ra Hải Dương tìm đến nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên.
Kiên trì chờ đến ngày thứ 40, bà được một người hướng dẫn về xã Hậu Mỹ, huyện Cái bè tỉnh Tiền Giang. Tại đây, bà gặp được 3 đồng đội cũ của ông.
Họ giúp bà tìm thấy ông trong một bao ni lông Trung Quốc, nằm sâu dưới một bụi tre, rễ tre đã đâm vào làm mùn hết xương chỉ còn hai xương đầu gối và vỏ đạn AK đồng đội khắc chữ: “Thọ”, trước lúc vội vàng táng ông trong tư thế ngồi. Lúc này, bà mới hiểu vì sao ông bảo “ Gặp nhau càng thêm đau”.
Ngày 22/8/2010, bà đưa ông về. Chính quyền, nhân dân long trọng rước ông vào Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Sau 40 năm xa cách, ông trở về trong vòng tay ôm ấp của bà và mối tình của họ trở thành bất tử.