Cô dâu Việt và viên Trung úy cảnh sát ở Hàn Quốc

Môi trường - Ngày đăng : 14:19, 08/02/2016

Một cô dâu Việt sống ở Hàn Quốc hơn 20 năm nói với tôi: “Lấy chồng Hàn giống như mua tờ vé số, có người trúng, nhưng cũng có người trật!”. Thế nhưng trong hai tuần ở đây, tôi đã gặp được những thân phận được cho là may mắn.

Trên đường đi tham quan một trang trại ở ngoại vi thành phố Yongi trở về, giáo sư Kwan, trường đại học Kang Nam đề nghị cả đoàn dừng chân ăn trưa ở quán Lòng. Ông không cho biết chủ quán này là ai, nhưng khi bước vào quán, nghe chúng tôi nói tiếng Việt, cô chủ quán mặc trang phục Hàn Quốc, đeo tạp dề, nói ngay: “Em cũng là người Việt nè”.

Hôn nhân qua mai mối

Cô tên Dung, quê ở huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, lấy chồng Hàn đã được 9 năm. Cũng như bao cô gái khác, cuộc hôn nhân của Dung cũng qua môi giới. Từ quê cô lên Sài Gòn, theo yêu cầu của những người môi giới, cô phải vào khách sạn cho những người đàn ông Hàn coi mắt và lựa chọn.

Cô dâu Việt và viên Trung úy cảnh sát ở Hàn Quốc

Dung và chồng, người Hàn Quốc đang quản lý quán ăn

Dung nhớ lại: “Hôm ấy, em gặp chồng em hiện nay. Lúc đó trông ổng đẹp trai và sang trọng lắm. Em 38 tuổi, ổng 52 tuổi. Em nói em đã có một đời chồng, đã ly hôn và có đứa con trai hiện đang sống với em. Ổng cũng nói đã có một đời vợ, ba con gái và cũng đã ly hôn. Tất cả những thông tin này, phần em, em viết ra tờ giấy bằng tiếng Việt, rồi có người dịch ra tiếng Hàn, còn ông viết ra tiếng Hàn và đưa người khác dịch ra tiếng Việt cho em xem”. Dung cho biết, có thể do cô thành thật không nói dối điều gì nên cô được cảm tình của ông. Rồi cô được thông báo ông đã đồng ý lấy cô làm vợ. Cô chỉ biết nhắm mắt theo chồng về xứ Hàn.

Đám cưới của Dung diễn ra ở quê nhà và một tuần sau cô đặt chân lên đất Hàn. Lúc này cô mới biết chồng cô là chủ một nhà hàng thuộc loại lớn ở thành phố Busan. Nhà hàng được xây dựng giống như những nhà hàng sinh thái ở Việt Nam, có nhiều phòng ăn và chủ yếu nhận đặt trước. Cô phụ chồng quản lý, chăm sóc khách hàng, dù cực nhọc nhưng cô thấy cuộc sống của mình so với những bạn bè khác cũng không đến nỗi nào. Nhưng chỉ được một năm thôi thì tai họa đã xảy ra.

Đất làm nhà hàng do chồng cô thuê với thời hạn 5 năm, nhưng vì tin tưởng tên chủ đất nên ông không làm hợp đồng. Khi thấy vợ chồng cô làm ăn được, tên chủ quán đòi lại đất. Bao nhiêu tiền bạc chồng cô đã đổ hết vào nhà hàng, giờ coi như mất trắng. Một hôm, tức quá chồng cô quyết ăn thua đủ với tên chủ đất. Ông cầm chai bia đập vỡ đáy chai rồi lao vào định đâm hắn. Thấy thế, Dung nhảy vào ôm ông can ngăn, cả hai vợ chồng ngã sóng soài trên nền đất đầy mảnh chai, may mà không bị cào xướt gì.

Hạnh phúc có vị đắng

Thế là bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào nhà hàng bị mất hết. Rời bỏ Busan, hai vợ chồng dắt díu nhau đi từ thành phố này đến thành phố khác để tìm kế sinh nhai.

Chồng cô tâm sự, cả đời ông chỉ biết làm nhà hàng. Đây là nghề cha mẹ ông để lại. Ông cũng đã truyền nghề này lại cho các cô con gái đời vợ trước của ông. Ông nói với Dung, thương ông thì làm lại từ đầu, bắt đầu từ một cái quán nhỏ đủ trang trải cho cuộc sống hai vợ chồng.

Lúc này, Dung mới bắt đầu thương ông. Sức khỏe ông suy giảm thấy rõ. Những đồng tiền còn lại ông thuê một cái nhà trên một con đường nhỏ ở quận Yongbo, thành phố Yonggin. Quán tên Lòng vì món ăn chính của quán là từ lòng heo (lợn) nhưng chế biến theo kiểu Hàn Quốc. Ngoài ra còn nhiều món khác chủ yếu được chế biến từ thịt heo. Hai vợ chồng chỉ thuê một nhân viên người Hàn, còn thì cả hai vợ chồng đều phải nấu nướng và quản lý. Chồng Dung làm luôn nghề bếp.

Dung kể: Ổng siêng lắm, tối bán đến 12 giờ khuya, xong dọn dẹp, ngã lưng đến 3 giờ sáng, ông lại dậy cưa xương, nấu nước lèo. Sở dĩ ông phải cưa xương là để mua được giá rẻ hơn, còn để người bỏ mối cưa xương thì giá có thể đắt hơn 20%.

Dung tâm sự, các cô con gái của ông rất ít đến thăm ông. Nhưng những lần đến thăm hiếm hoi thì nhìn cô với cặp mắt không thiện cảm lắm. Nhưng vẫn còn may vì vợ chồng Dung sống riêng nên chẳng va chạm gì. Chồng cô nói bây giờ chỉ biết nương tựa vào Dung.

Một hôm, chồng cô bảo cô đi học nấu ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm để được cấp bằng. Dung hỏi để làm gì vì việc nấu nướng đã có ông rồi, bỗng dưng ông rơm rớm nước mắt, nắm tay cô nói:

- Tôi đã 60 tuổi, lại bị tiểu đường rất nặng, nếu chẳng may có mệnh hệ nào thì em còn cái quán này để sinh sống.

Ông giải thích cho Dung biết, ông muốn để cho cô đứng tên cái quán này và vì vậy cô phải đi học để được cấp bằng. Nếu ông có bề gì, cái quán coi như của cô. Dung kể, nghe chồng nói vậy, cô đã ôm ông khóc nức nở!

- Đó có phải là hạnh phúc không? - tôi hỏi.

- Nếu không nghĩ đến tiền thì như vầy là hạnh phúc rồi.

- So với đời chồng trước (người Việt) thì sao?

- Chồng trước cùng quê với em. Anh ta say sưa suốt ngày lại có nhân tình nên em ly hôn. Nếu phải so sánh thì người chồng Hàn Quốc em đang sống, dù đôi lúc ổng nóng nảy, nhưng em thấy hạnh phúc hơn nhiều.

Sau này đến quán Lòng nhiều lần tôi mới biết, dù cực nhọc, nhưng cuộc hôn nhân của Dung với người Hàn được xem là “chẳng có gì nghiêm trọng”.

Trung úy Song Eui Hyun

Dung có một nhóm bạn là cô dâu Việt cùng cảnh ngộ với mình. Đó là Thúy Nga quê ở Hà Nam và Thanh Tuyền quê ở Hải Phòng. Thúy Nga về xứ Hàn làm dâu trên 20 năm. Cả hai đều có một mái ấm mà theo Tuyền là nhiều cô phải ghen tỵ. Chồng Tuyền làm giám đốc một xí nghiệp chế biến gỗ, đi làm cả ngày. Sau khi sinh được đứa con trai, cô được cả nhà chồng yêu quý. Tuyền có một chiếc xe hơi riêng, khi buồn nhớ nhà thì “cả đám hẹn nhau ngồi tán gẫu cho đỡ buồn”. Riêng Nga thì công việc nhiều hơn, do cô nói rất sỏi tiếng Hàn. Nhiều cơ quan pháp luật sở tại đã nhờ cô phiên dịch trong những vụ án có liên quan đến người Việt. Tôi hỏi Nga:

- Người Việt sống ở Hàn Quốc thường phạm tội gì?

- Đánh lộn, trộm cắp, mua bán chất cấm (như cần sa, ma túy), cư trú bất hợp pháp, hôn nhân giả...

- Hôn nhân giả là sao?

- Trai hoặc gái Việt kết hôn giả với người Hàn Quốc, qua Hàn thì chia tay. Giá cho những cuộc hôn nhân giả như vậy thường dao động trong khoảng từ 15.000 đến 20.000 đô. Giá này nghe nói rẻ hơn so với hôn nhân giả đi Mỹ.

Đang ngồi nói chuyện thì Nga có điện thoại. Cô nói một tràng tiếng Hàn rồi quay lại nói với tôi:

- Bên đồn công an quận họ mời em qua chơi, anh đi không?

Tôi đồng ý ngay. Dung nói chồng đưa xe chở chúng tôi, chỉ mất năm, bảy phút đã đến nơi.

Đồn cảnh sát được thiết kế giống như một văn phòng công ty, chẳng thấy súng ống gì. Tiếp chúng tôi là viên trung úy tên EUI HYUN. Hyun cao hơn 1,8 mét có khuôn mặt như một diễn viên điện ảnh mặc thường phục, nói năng nhẹ nhàng, phong nhã. Anh mời tôi cà phê và nói: “Chắc không ngon như cà phê Việt Nam đâu”. Hóa ra anh đã từng đến Việt Nam cách đây hai năm.

Rồi anh giới thiệu anh là đội trưởng đội bảo vệ nhân quyền cho người nước ngoài sống ở Hàn Quốc. Tôi nghĩ cô phiên dịch đã dịch sai nên hỏi lại: “Đội quản lý chứ?”. Nhưng sau khi nghe lời tôi qua phiên dịch, anh nói chính xác là như vậy, vì ngoài việc bảo vệ an ninh trật tự trong quận, anh còn có trách nhiệm giúp đỡ những người nước ngoài, trong đó đa số là người Việt, để sớm hòa nhập với xã hội Hàn Quốc.

Tôi hỏi trên địa bàn anh quản lý có bao nhiêu người Việt. Anh nói chờ anh mở máy vi tính để nói con số cho chính xác. Chỉ trong tích tắc, anh vừa nhìn máy tính vừa nói:

- Toàn quận có khoảng 1.400 lao động Việt Nam và 400 cô dâu Việt.

Tôi hỏi có bao nhiêu người sống bất hợp pháp, anh trả lời khoảng 10%. Tôi hỏi tiếp, anh sẽ trục xuất họ chứ. Anh mỉm cười: “Đó không phải là việc của tôi, mà là việc của cục quản lý xuất nhập cảnh. Việc của tôi là bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn quản lý, còn đối với người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam là giúp đỡ họ hiểu biết về pháp luật Hàn Quốc để đừng làm sai. Quan trọng nhất là ngăn chặn tội phạm, mà muốn ngăn chặn thì không có biện pháp nào tốt hơn là giúp họ hòa nhập được với cộng đồng xã hội”.

Anh nói, trở ngại lớn nhất của các cô dâu Việt là tiếp cận với văn hóa Hàn Quốc. Hầu hết khi qua đây họ đều không biết tiếng Hàn. Tất cả những xung đột đều bắt đầu từ đấy. Tuy nhiên, viên trung úy còn tiết lộ thêm rằng, kể từ khi xuất hiện xuất khẩu lao động Việt qua Hàn thì nguyên nhân của một số vụ tan vỡ hôn nhân lại có yếu tố ngoại tình từ các cô dâu Việt với những người lao động xuất khẩu.

Cô dâu Việt  trong xã hội Hàn

Giáo sư Hwan, giảng dạy tại trường đại học Kang Nam, gặp chúng tôi những ngày đầu vừa đặt chân đến thành phố Yongin, cách Seoul 50 cây số, hỏi ngay: “Hiện có khoảng bao nhiêu cô dâu Việt sống trên đất Hàn?”. Chúng tôi trả lời với con số ước lệ khoảng 55.000 - 60.000 cô dâu và nhìn thấy đôi mắt trố lên một cách ngạc nhiên của giáo sư: “Nhiều thế à?”.

Giáo sư Hwan nói, do xã hội biến động, những người đàn ông Hàn quốc khó kiếm được vợ ngay trên đất nước mình. Một phần do một làn sóng cư dân nông thôn đổ về thành thị, đặc biệt là thanh niên, trong đó giới nữ Hàn chiếm đa số. Những người đàn ông còn lại ở nông thôn đành phải tìm vợ ở nước khác. Nhưng theo giáo sư Hwan thì ngay cả thành thị nhiều người đàn ông cũng khó kiếm vợ do xuất hiện một trào lưu từ phụ nữ Hàn thích sống đơn thân: có con, nhưng không thích lập gia đình vì sợ vướng bận.

Giáo sư Hwan nói, ông có một người bạn sống gần Seoul đã lập gia đình với một cô gái Philippines. Những người có chút tri thức và có tiền thì thích chọn phụ nữ Philippines hơn, với lý do phụ nữ Philippines giỏi tiếng Anh và như vậy có thể dạy cho con cái họ tiếng nước ngoài thông dụng trên thế giới. Nhưng giá phải trả cho việc lấy một cô gái Philippines rất đắt so với phụ nữ nhiều nước khác.

Cũng theo giáo sư Kwan, trong số các cô gái chấp nhận lấy chồng Hàn ở khu vực Đông Nam Á thì phụ nữ Việt là đông nhất. Giải thích chuyện này, giáo sư Hwan nói một cách tế nhị, có thể là phụ nữ Việt Nam đẹp, có đời sống văn hóa gần gũi hơn và... ít tốn kém hơn. Nhưng có một thực tại rằng, những cuộc hôn nhân của người Việt với người Hàn thường xuất phát từ việc các cô dâu muốn có tiền không chỉ cho mình mà cho cả gia đình để đổi đời.

Chính vì thế  họ thường nhắm mắt chấp nhận hôn nhân hơn là lựa chọn. Thúy Nga, người chuyên phiên dịch cho các cơ quan pháp lý ở Hàn trong những vụ án có liên quan đến người Việt cho biết, ngoài nguyên nhân gây đổ vỡ hôn nhân do khác biệt về văn hóa, có cả sự vỡ mộng khi các cô dâu Việt phát hiện ra mình đã lấy một người chồng không giàu như họ tưởng.

Người Việt chúng ta xem cuộc hôn nhân như chuyện góp gạo thổi cơm, nhưng  truyền thống xã hội Hàn, theo giáo sư Hwan thì “Đàn ông xây nhà, đàn bà sắm nội thất”. Sự phân công này khiến cho nhiều đàn ông Hàn gặp khó khăn trong khâu “chuẩn bị” rước nàng về dinh. Vì ở một đất nước có mật độ dân số cao thứ ba thế giới (dân số gần 50 triệu người, diện tích chỉ hơn 100.000 cây số vuông,  70% là đồi núi), muốn có một căn hộ ở đô thị giá thấp nhất đã từ 200 triệu won (tương đương 4 tỷ đồng Việt Nam). Làm sao có thể đáp ứng được?

Trong sự chuyển mình của một đất nước từ nông nghiệp nghèo nàn sang công nghiệp tiên tiến, Hàn Quốc là một quốc gia còn nhiều định kiến khắc nghiệt trong lễ giáo, khuôn phép, đặc biệt ở nông thôn. Trong khi đó ở các đô thị (chiếm phần lớn dân số) đã có một dòng người nước ngoài, đủ sắc tộc định cư, sinh sống tại đây.

Theo giáo sư Hwan, thực trạng trên tạo ra một đời sống văn hóa đa chủng tộc ngay trên đất nước Hàn Quốc,  đặc biệt đã có một thế hệ mới ra đời mang dòng máu Hàn với dòng máu của một nước khác. Vấn đề của Hàn Quốc là phải nhìn thẳng, không né tránh và không để các thế hệ đó làm phai nhạt bản sắc văn hóa Hàn. Vì thế xuất hiện nhiều trung tâm trợ giúp cho những người nước ngoài sớm hòa nhập với cộng đồng xã hội Hàn. Và ngay tại nhiều trường đại học cũng đã có khoa giảng dạy liên quan đến việc điều hành các trung tâm này.

Minh Đức