Con đường về của "giang hồ có số" một thời
Môi trường - Ngày đăng : 06:00, 28/11/2015
Lúc chúng tôi tìm gặp anh Lê Xuân Hiệp (SN 1968, trú tại tổ 29 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) thì anh vừa mới đi chợ về và đang loay hoay dọn quán để cho vợ chuẩn bị bán bánh kẹp. Ngồi trong quán của người đàn ông từng là nỗi khiếp sợ của người dân quận Liên Chiểu, anh vui vẻ kể cho chúng tôi nghe cuộc đời thăng trầm của mình.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Hiệp không lo học hành mà chỉ thích tụ tập với nhóm bạn ở Chợ Cồn (TP. Đà Nẵng) lang thang, ăn chơi, trộm cướp rồi đánh nhau. Lợi dụng sự quen biết trong các mối quan hệ, anh mượn xe máy của họ rồi đem cầm cố hoặc đem bán kiếm tiền tiêu.
Vào tù, rồi Hiệp lại ra tù. Khi được trả về địa phương, không có công ăn việc làm, Hiệp tụ tập với đám bạn xấu và tiếp tục phạm tội. Sau khi mãn hạn tù lần thứ hai, tưởng chừng như Hiệp đã từ bỏ được quá khứ của mình, thế nhưng Hiệp vẫn chứng nào tật nấy.
Anh Hiệp ngày ngày phụ vợ bán quán
Năm 2004, sau khi cưới vợ là chị Hòa Thị Kim Ánh (SN 1975) tưởng rằng Hiệp đã hoàn lương, lo làm ăn chăm lo cho gia đình, nhưng rồi với bản tính “nhác làm ham chơi”, lại muốn có nhiều tiền Hiệp đã không chấp nhận cuộc sống hoàn lương.
Ngựa quen đường cũ, suốt ngày Hiệp la cà khắp con phố, ngõ ngách và lừa đảo tài sản của những người nhẹ dạ cả tin. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, năm 2005, Hiệp một lần nữa bị bắt và bị TAND quận tuyên phạt 5 năm tù về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “ Đánh người gây thương tích”, khi đó con của anh chỉ mới vừa tròn một tháng tuổi.
Lần vào tù thứ ba này, Hiệp đã bắt đầu cảm thấy ân hận về quá khứ tội lỗi, đã biết suy nghĩ, dằn vặt về hành động của mình. Nghĩ đến vợ con đang ở nhà phải chịu nhiều tiếng xấu vì có người chồng như mình, Hiệp thấy hối hận vô cùng. Lúc này Hiệp đã biết thương những người thân, thương vợ thương con đang ngày ngày trông chờ Hiệp trở về.
Lần thứ ba trong tù, Hiệp mới thấm thía được hết cuộc đời của một tội phạm. Quyết tâm hoàn lương, Hiệp cố gắng cải tạo thật tốt với mong muốn sớm về đoàn tụ với gia đình. Những gì Hiệp cố gắng đã được đền đáp xứng đáng khi anh được ra tù trước thời hạn một năm.
Trở về chứng kiến cảnh vợ con, gia đình ở nhà cực khổ, thiếu thốn, Hiệp càng nghĩ mình phải làm điều gì đó để bù đắp cho những gì mà người thân phải chịu đựng bởi quá khứ lầm lỗi của mình gây ra.
Người đàn ông 3 lần lầm lỡ Lê Xuân Hiệp
Sau khi ra tù, anh lao vào tìm việc làm, từ vác xi măng thuê cho đến phụ hồ, nghề gì cũng đã qua tay anh. Biết anh chí thú làm ăn, TP. Đà Nẵng đã cho anh vay 4 triệu đồng khởi nghiệp. Cùng với đó vợ anh cũng vay của Hội phụ nữ phường được 15 triệu đồng nên hai vợ chồng quyết định mở một quán buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày.
Với tính tình vui vẻ, anh luôn được các bạn hàng quý mến. Rất nhiều bạn hàng bỏ mối nước giải khát đã giới thiệu việc làm cho anh nhưng sợ vợ ở nhà cực khổ nên anh từ chối. Những lúc không phụ vợ, anh theo người hàng xóm Trần Ngọc Quang dựng rạp cho các đám cưới.
Để lấy lại niềm tin trong gia đình, người thân và cũng để tìm lại ánh mắt thân thiện của bà con hàng xóm, anh đã mạnh dạn xin vào đội dân phòng cơ động của phường. “Lúc đầu khi về địa phương, thấy mọi người ai cũng dè chừng, ngại tiếp xúc với mình, tôi cảm thấy mình không tự tin, mặc cảm với những lỗi lầm gây ra. Nhưng nhờ có các anh em trong đội và sự quan tâm động viên của các đồng chí công an phường tôi đã vượt qua được thử thách”, anh Hiệp chia sẻ.
Tuy một đêm chỉ có 50 ngàn đồng, có hôm đi mật bắt trộm đến 1, 2 giờ sáng mới về nhưng anh Hiệp vẫn không nản lòng. Từ khi tham gia vào lực lượng cơ động của phường, anh Hiệp đã nhiều lần lập được chiến công. Cùng với công an phường, anh đã bắt được nhiều đối tượng trộm cướp, đánh nhau, trong đó có vụ anh đã dũng cảm cùng với đội cơ động bắt 2 đối tượng đi xe máy cướp túi xách của một phụ nữ trên đường Nguyễn Tất Thành.
Cũng từ khi tham gia vào lực lượng cơ động, nhờ sự khuyên bảo của anh, những đàn em của Hiệp trước kia đều đã giác ngộ, ra tự thú.
Đến nay hai vợ chồng anh đã có được với nhau 2 người con ngoan ngoãn và học giỏi. Cuộc sống tuy khó khăn và phải ở nhà mẹ vợ, vì chưa có tiền làm lại nhà, thế nhưng người đàn ông "giang hồ có số má" một thời vẫn vui vẻ sống qua ngày, rời xa những lầm lỗi trước kia, tham gia vào công việc, góp phần mang lại bình yên cho khu phố.