Nỗi bất hạnh của cựu TNXP có 5 người con “chết yểu”
Môi trường - Ngày đăng : 09:17, 10/07/2015
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về thôn Phú Hòa, xã Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), hỏi thăm thì người dân ai nấy đều biết đến “cặp vợ chồng thanh niên xung phong” và chỉ dẫn đến tận nhà bà Thanh.
Trong căn nhà nhỏ, nhìn khắp xung quanh không có thứ gì quý giá, chỉ vỏn vẹn hai chiếc giường đặt cạnh nhau, một chiếc để nằm, một chiếc ngồi uống nước, bên cạnh là bàn thờ cụ ông Tăng Văn Bầm (chồng bà Thanh). Không giấu nổi sự đau buồn, bà Thanh rơm rớm nước mắt: “Ông nhà tôi vừa mất cuối năm ngoái vì bệnh tật quá nặng, giờ chỉ còn mình tôi sống trong căn nhà này thôi”.
Bà Nguyễn Thị Thanh, cựu TNXP chia sẻ với PV
Bà ngồi dựa vào mép giường rồi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy nước mắt của mình. Hồi đi TNXP bà Thanh mới 25 tuổi, vì chưa lập gia đình nên bà hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Không hiểu là do duyên phận hay không, bà Thanh và ông Bầm lại là đồng đội của nhau, cùng nhập ngũ tháng 11/1968 ở đơn vị C218, đội N15, Ban xây dựng 67. Cả hai nhận nhiệm vụ đảm bảo thông suốt cho cung đường 20 Quyết Thắng (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) từ cây số 0 đến km 68. Từ những lần cùng nhau tải thương, thông đường hai người nảy sinh tình cảm và hẹn ước ngày trở về sẽ tổ chức đám cưới.
Đến năm 1972, ông bà cùng xuất ngũ rồi nên duyên vợ chồng. Cuộc sống của cặp vợ chồng son vô cùng túng thiếu khi hai bên gia đình đều khó khăn. Từ chiến trường trở về, sức khỏe ông Bầm không còn khỏe mạnh như trước đây, mọi việc trong gia đình một tay bà gánh vác, còn ông lúc nào cảm thấy khỏe trong người ông mới đi biển đánh cá. Hằng ngày bà chạy chợ rồi tranh thủ làm vài sào ruộng. “Cuộc sống vốn vất vả, khó khăn là vậy nhưng lúc nào hai vợ chồng cũng động viên nhau. Gia đình luôn ấm êm, hạnh phúc là chúng tôi mãn nguyện rồi”, bà Thanh tâm sự.
Năm 1973, ông bà vui mừng đón đứa con trai đầu lòng tên là Tăng Văn Xuân chào đời hoàn toàn khỏe mạnh. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với cặp vợ chồng TNXP, nhưng ai dè cuộc đời ông bà lại gặp bất hạnh. Khi Xuân mới 3 tuổi, ông bà hốt hoảng thấy con bỗng tím tái, khó thở rồi luôn miệng kêu rét. Vào viện được hai ngày thì Xuân qua đời vì liệt não.
Sau cái chết của đứa con đầu lòng, bà Thanh mang thai thêm 5 lần nữa. Cách vài năm lại có một đứa con ra đời nhưng rồi lại cũng rời xa vòng tay yêu thương của ông bà Thanh.
Con trai thứ ba tên là Tăng Văn Trường (SN 1978) và con thứ tư Tăng Văn Tâm (SN 1981) lúc đầu sinh ra khỏe mạnh, nhưng lớn lên đau ốm triền miên rồi lần lượt ra đi khi tuổi đời còn rất nhỏ.
Triệu chứng giống y hệt cậu anh đầu Tăng Văn Xuân, tự dưng kêu rét rồi lịm dần đi vì liệt não. Hai đứa con cuối cùng đều thiếu tháng, mất từ lúc vẫn còn đỏ hỏn trong bụng mẹ. Dù đau đớn lắm nhưng vợ chồng vẫn cố gắng động viên nhau.
Bà Thanh đang sống một mình trong căn nhà đại đoàn kết
Trải qua một thời gian dài đau thương, may mắn nhất trong số 6 anh chị em, con gái thứ hai của bà Thanh tên là Tăng Thị Hồng (SN 1976) lớn lên lành lặn. Nhưng chị Hồng cũng thường xuyên ốm đau, đầu bị sài, quanh năm lở loét. Năm 20 tuổi, chị đi lấy chồng và sinh hạ được ba người con.
Sinh ra những đứa con không khỏe mạnh rồi lần lượt “chết yểu”, ông bà cũng không hiểu nguyên nhân do đâu. Bà Thanh chỉ nhớ hồi còn tham gia kháng chiến, đường 20 Quyết Thắng là trọng điểm trên tuyến Trường Sơn huyền thoại, địch điên cuồng đánh phá, bom dội cả ngày đêm và đã có lần ông Bầm cùng nhiều đồng đội ngất đi do hít phải khí lạ.
Lúc ấy, ông Bầm mới nghĩ đến việc mình bị nhiễm dioxin. Vợ chồng liền đưa nhau đi khám thì mới biết ông bị nhiễm chất độc da cam. Bà Thanh buồn rầu nói: “Cả hai ông bà đều già yếu cả, không còn sức để đi xa và cũng không có tiền để đi giám định chỗ này chỗ nọ”.
Vì ông Bầm mang trong mình nhiều bệnh tật nên sức khỏe ngày càng yếu dần, hằng ngày bà Thanh vừa chăm sóc cho ông từ miếng cơm, đến chuyện tắm rửa, vừa tranh thủ ra đồng rồi đi cấy thuê, dù cực nhọc nhưng bà không bao giờ than vãn với chồng. Mỗi ngày trôi qua, bà Thanh không giấu nổi sự đau đớn, xót xa khi thấy khuôn mặt ông Bầm gầy đến nỗi hai gò má nhô lên, hốc mắt sâu hoắm. Và rồi đến cuối năm 2014, ông Bầm không qua khỏi vì bệnh tình quá nặng.
Từ ngày ông mất đi, bà Thanh quẩn quanh một mình trong căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng đi thăm con cháu, các đồng đội TNXP cùng tham gia chiến trường năm xưa để cho khuây khỏa nỗi lòng.
Bà Thanh rơm rớm nước mắt: “Tôi chỉ mong các cấp chính quyền xem xét cho tôi và con gái có phải bị ảnh hưởng di chứng của chiến tranh không để có sự quan tâm của nhà nước cho tôi đỡ tủi thân và sống nốt phần đời còn lại”.
Ông Đào Xuân Đợi, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Hưng Lộc cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Thanh quả là nghèo khó và éo le. Ông Bầm vừa mất cuối năm 2014, có cô con gái thì cũng đã lập gia đình. Hiện bà Thanh đang được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên cho người cô đơn với số tiền 360.000 đồng/tháng”.