Chuyện "nhặt vợ” giữa Thủ đô của vị Thượng tá già

Môi trường - Ngày đăng : 05:40, 11/12/2014

Đó là câu chuyện tình cảm động giữa đời thường của ông Phạm Ngọc Sơn (83 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định) với bà Chu Thị Mận (75 tuổi, Ninh Giang, Hải Dương). Hiện, ông và người "vợ nhặt" vẫn đang sống trong túp lều 3m2 giữa lòng Thủ đô.

Mảnh ghép hai cuộc đời đau khổ

Tôi gặp ông Phạm Ngọc Sơn trong túp lều nhỏ chật hẹp tại đoạn giao Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, khi ông đang ngồi nghỉ sau ca trực. Thấy có khách đến chơi, ông Sơn khá vui vẻ mời nước, nhưng khi được hỏi đến chuyện gia đình, người đàn ông ở cái tuổi "xưa nay hiếm" lại không giấu được nỗi buồn u uất.

Ông Sơn vốn là con thứ 7 trong gia đình có 11 anh em ở Nam Định. Tháng 1/1952, ông Sơn nhập ngũ vào Trung đoàn 46 của tỉnh đội Nam Định, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, ông chuyển sang công tác tại ngành đường sắt, làm việc trên chuyến tàu Đông Anh – Tuyên Quang.

Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông lại đầu quân về Sư đoàn F304, quân đoàn 2. Năm 1976 ông ra Bắc công tác, đến năm 1986 thì về hưu với quân hàm Thượng tá.

Cả đời binh nghiệp, tưởng rằng đất nước thống nhất một nhà, ông được về sum vầy bên vợ con sống cuộc sống bình yên. Nhưng ngày về cũng là ngày người lính ấy phải chịu đựng nỗi đau gia đình ly tán, khi người vợ đầu ấp tay gối đã phụ tình mà đi theo một người đàn ông khác.

Ngày dứt áo ra đi, ông Sơn gọi 4 người con trai lại và nói: “Kể từ đây, bố và mẹ con không còn tình nghĩa gì, nhưng các con phải có trách nhiệm với mẹ con, vì mẹ đã sinh ra các con”.

Lên Hà Nội, bạn bè, đồng đội tỏ ý giúp đỡ, nhưng ông kiên quyết từ chối, với bản chất người lính cụ Hồ tự lực tự cường đã không cho phép ông dựa dẫm vào người khác để sống. Ông xin làm bảo vệ tại đội 10, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, rồi bằng đồng lương hưu của mình cộng với số tiền lương tháng đầu, ông dựng túp lều cạnh trạm gác chắn Nguyễn Thái Học để ở.

Chuyện

Hơn 16 năm ông Phạm Ngọc Sơn sống cùng bà Chu Thị Mận trong túp lều chỉ 3m2

Ngày ngày đi làm bảo vệ, thấy người đàn bà gầy còm chỉ còn da bọc xương cắp rổ ốc đi bán, ông thấy động lòng. Khi biết thêm mỗi ngày người đàn bà chỉ bán được 30 nghìn tiền cua, ốc, nhưng để tới chợ để bán phải đi xe ôm mất 20 nghìn, ông đã rơi nước mắt.

Cảm thương người đàn bà khổ cực, kiếm miếng ăn qua ngày, ông định gửi bà hàng nước 600 nghìn cho người đàn bà ấy, nhưng ông nghĩ 600 nghìn cũng không đủ để sống giữa đất Hà Nội này, nên ông quyết định đưa người đàn bà ấy về sống cùng để bao bọc cho bà. Người đàn bà ấy là bà Chu Thị Mận, năm nay đã bước sang tuổi 75. Hôm chúng tôi đến, ông Sơn cho biết vừa đưa bà Mận ra xe về quê Hải Dương giỗ bố.

Nói về người “vợ nhặt” với mình, ông Sơn lại trầm giọng tâm sự: Tôi với bà ấy không phải vợ chồng, vì trên danh nghĩa không kết hôn. Thấy bà ấy cơ cực quá, tôi không cầm lòng được. Rồi khi biết hoàn cảnh bà ấy không khác gì hoàn cảnh mình, nên tôi quyết định đưa bà ấy về ở chung. Bà ấy lấy chồng ở quê, có một con gái, rồi tham gia thanh niên xung phong trên Nông trường chè Hoàng Liên Sơn. Khi bà ấy trở về quê thì mới biết người chồng ở nhà lấy vợ khác và đã có 4 đứa con riêng. Ông ấy còn ngang nhiên đưa vợ bé về sống ngay trong ngôi nhà mà bà ấy đổ mồ hôi công sức cất lên. Ông ta còn không cho bà ấy nuôi con nữa. Mất chồng lại thêm đau khổ vì mất con, bà ấy bỏ nhà ra đi, rồi lên đây chạy chợ.

Một túp lều với hai tấm lòng đáng quý

Túp lều vẻn vẻn khoảng 3m2 của ông Sơn kê một chiếc phản nhỏ, phía trên, dưới chất đống chăn, màn, xô đựng nước và mấy bộ quần áo gấp gọn. Dưới chân phản là nồi niêu, chiếc bếp lò cũ kĩ. Câu chuyện với chúng tôi về sau, ông Sơn càng nói nhiều hơn về bà Mận – người “vợ nhặt” chung sống với ông những năm qua.

Chuyện

Cuộc sống hạnh phúc về già của cặp vợ chồng "rổ giá cạp lại"

Bà Mận tuy kém ông gần 10 tuổi, nhưng sức lực thì đã yếu. Trong căn lều chỉ có một chiếc phản nhỏ, nên ông nhường cho bà nằm, chỉ khi mệt lắm ông mới ghé lưng một chút. Những lúc ông nằm thì bà lại ngồi. Chỉ có bữa cơm là hai ông bà mới được quây quần với nhau trên chiếc phản nhỏ, ọp ẹp. Dù thiếu thốn đủ đường về vật chất, nhưng trong túp lều lúc nào cũng tràn ngập hơi ấm tình người - thứ mà cả ông và bà đã thiếu thốn bấy lâu nay.

Ngoài những lúc đi tuần canh gác, ông Sơn lại trở về bên túp lều nhỏ xem “vợ” mình nấu nướng thế nào, sức khỏe ra sao, có thấy đau ở chỗ nào trong người không. Những lúc bà Mận mệt, ông lại tự tay nấu nướng bằng chiếc bếp lò cũ được người tốt bụng tặng.

Hàng ngày khi đi tuần, ông thường hái rau dại cạnh đường tàu mang về cho bà nấu nướng. Đó chỉ là những cây rau bợ, rau rền cơm mọc ven đường. Nhiều người chạy chợ biết được hoàn cảnh của ông bà, tan chợ cũng tạt qua biếu ông bà mớ rau, con cá, khi thì lạng thịt để hai ông bà có "đồ tươi" cải thiện.

Bà Mận từ ngày về với ông tinh thần đã vui vẻ, phấn chấn hơn nhiều. Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng bà có chỗ dựa vững chắc về tinh thần. Cũng là người hiền lành, tốt tính nên bà Mận được mọi người xung quanh yêu quý. Hàng xóm có chai lọ nhựa, bìa cát – ton không dùng là đem sang cho bà bán đồng nát.

Từ ngày ông Sơn bỏ nhà đi, con cháu ông Sơn cũng nhiều lần tìm về, nhưng nhất định ông không về. Ông nói muốn “giải phóng” cho con cháu, không muốn làm gánh nặng cho con, để họ có thời gian cho gia đình riêng và yên tâm công tác. Còn bà Mận, các anh em, con cháu của bà đều thành đạt, có địa vị xã hội, nhưng bà không thấy trong lòng ấm áp, hay được an ủi bên con cháu, nên bà quyết định những ngày tháng cuối đời sẽ sống bên ông Sơn trong túp lều nhỏ này.

Chuyện

Chị Đỗ Thị Ly

Chị Đỗ Thị Ly (làm việc tại trạm gác chắn Nguyễn Thái Học) chia sẻ: “Tôi chưa thấy ai sống tình nghĩa, tốt bụng, tử tế như ông Sơn, bà Mận. Tuy nghèo khó mà cưu mang nhau, no đói có nhau. Tôi chẳng thấy ông bà nhận hết của ai cái gì bao giờ. Ai cho quà bánh gì, thì ông bà cũng san sẻ lại với những người xunh quanh. Còn việc ông Sơn cưu mang bà Mận về chăm sóc như vợ chồng, thì có lẽ trên đời này ít người làm được như ông ấy”.

Việt Văn- Nguyễn Phương