"Sáu chân voi" và gánh nợ gia đình

Môi trường - Ngày đăng : 05:30, 06/11/2014

Cả cuộc đời mang bàn chân khổng lồ khiến cuộc sống đảo lộn, sức khỏe ngày càng giảm sút, nhưng người đàn ông ấy vẫn gắng gượng để sống, làm chỗ dựa cho người mẹ già yếu và em trai mắc bệnh tâm thần.

Về xóm 11 xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) hỏi "Sáu chân voi”, bà con ở đây ai cũng biết. Qua những con ngõ ngoằn nghèo đầy đá sỏi, phóng viên mới đến được nhà anh Lâm Văn Sáu (SN 1969), người đàn ông có bàn chân khổng lồ, đang sống cùng người mẹ già 81 tuổi và một người em mắc bệnh tâm thần.

Phía trong ngôi nhà cấp bốn trống trước, hở sau của mẹ con anh Sáu, chẳng có gì giá trị ngoài chiếc ti vi đen trắng, bộ bàn ghế cũ kỹ. Nằm trên giường là một bà cụ người gầy tong teo, đang nằm co cắp, thỉnh thoảng lại rên lên một tiếng, làm cho không khí ngôi nhà thêm ảo não.

Ngoài góc sân, em trai anh Sáu là Lâm Văn Nghĩa (40 tuổi) đang ngồi hướng đôi mắt mơ hồ vào khoảng không trước mắt, cười man dại. Phía trong, anh Sáu - người đàn ông gầy gò, ốm yếu đang cố gắng lê bàn chân khổng lồ bước ra từ bếp. Anh đang chuẩn bị bữa cơm chiều đạm bạc cho ba mẹ con.

Thấy có người lạ (PV) vào nhà, anh Sáu tỏ ra ngỡ ngàng. Bởi lâu lắm, căn nhà bất hạnh này lại mới có người vào thăm.

Anh "Sáu chân voi" bên người mẹ già yếu. Ảnh Hồ Duy

Họ gọi tui là “Sáu chân voi!”

Vốn là con thứ 2 trong một gia đình nghèo khó có ba anh em, khi mới lọt lòng, anh Lâm Văn Sáu là một người khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Điều duy nhất khiến anh Sáu khác hẳn mọi người là, ở bàn chân trái của anh không có mắt cá chân. Phần vì nghèo khó, thiếu hiểu biết, phần thấy con trai cũng không có các biểu hiện lạ như đau nhức, hay ốm yếu, nên gia đình Sáu chẳng nghi ngờ, lo lắng.

Năm lên 2 tuổi, ở bàn chân trái không có mắt cá của anh mọc lên một cái nhọt to như viên bi. Không thấy Sáu kêu đau, hay có biểu hiện gì bất thường, nên gia đình vẫn ngược xuôi lo kiếm ăn từng bữa. Chỉ đến khi cái nhọt ở chân anh Sáu to bằng quả trứng gà, thì khi đó, cha mẹ anh mới tá hỏa đưa anh đến bệnh viện kiểm tra.

Theo kết quả chuẩn đoán của bác sỹ tuyến huyện, hiện tượng u nhọt tại bàn chân trái của anh Sáu chỉ là khối u lành tính. Sau khi kê đơn thuốc, bác sỹ đã đồng ý cho gia đình đưa anh về nhà điều trị theo yêu cầu. Trước khi Sáu rời khỏi bệnh viện, bác sỹ cũng không quên dặn dò, khi uống hết thuốc, phải đưa bệnh nhân quay trở lại kiểm tra, và sắp xếp thời gian cho việc phẫu thuật, cắt bỏ khối u.

Trở về nhà, mọi lo lắng của gia đình về dấu hiệu bất thường ở chân anh nhanh chóng biến mất, ai nấy đều cho rằng, khối u anh Sáu đang mang chỉ là do...giun sán. Vì tại thời điểm ấy, hầu hết trẻ em ở quê anh đều mắc bệnh giun sán, có đứa thì gầy gò, tong teo, đứa lại mang cái bụng chương phình.

Cũng vì nghèo đói, lo ăn từng bữa một cũng không đủ no, nên ai nấy đều phó mặc theo số phận “trời sinh thì trời dưỡng”. Thế nên, sau khi uống hết mấy ngày thuốc theo đơn bác sỹ, anh Sáu cũng ngưng luôn việc điều trị và hiện tượng lạ của anh cũng bị lãng quên dần.

Mãi đến năm học hết lớp 3, lúc khối u phình lên, lấp hết bàn chân trái, cũng là lúc người anh Sáu bắt đầu gầy guộc, xanh xao. Khối u không đem đến cảm giác đau nhức, nhưng mỗi bước đi của anh Sáu ngày càng trở nên nặng nề hơn. Anh phải bắt đầu cố gắng lê từng bước một, lớp da mỏng ở khối u bám chặt nền đất trở nên rát bỏng. Thời ấy, gia đình anh Sáu nghèo đến nỗi, không ai có tiền mua nổi một đôi dép mà đi, ngay cả những người bạn của anh cũng vậy.

Thấy chân con trai di chuyển khó khăn, thỉnh thoảng không may va phải một vật cứng, nhọn lại ôm chân khóc. Thương con, mẹ anh là bà Hoàng Thị Thìn đã dành dụm mua cho con những đôi dép rộng quá cỡ, nhưng cũng chẳng đôi nào vừa chân con trai mình. Để bớt đau đớn, anh Sáu phải lấy quần áo rách, tìm cách quấn chặt lấy bàn chân. Và cũng từ ngày đó, vì mặc cảm, nên anh không còn đủ tự tin để theo học nữa. Sức khỏe Sáu ngày một yếu đi. Hàng xóm, người thân nhìn anh bằng ánh mắt tội nghiệp, họ cho rằng, những gì anh Sáu ăn vào, chỉ dành để nuôi cái khối u kia.

18 tuổi, anh Sáu gầy gò, ốm yếu. Những lớp da khắp cơ thể anh bắt đầu khô dần, sần sùi rồi lần lượt tróc từng lớp vảy. Khối u quái ác ở bàn chân theo tháng ngày mà to dần lên. Cũng từ đó, vì sự mặc cảm với số phận, tự ti vì bản thân mang một hình hài không giống ai, nên anh bắt đầu sống thu mình, xa lánh với mọi người xung quanh. Ăn rồi chỉ biết quanh quẩn bên ngôi nhà nhỏ, phụ bà mẹ già cuốc cỏ, trồng rau và chăm lo cho đứa em trai út khờ khạo.

Nỗi lòng đứa con bất hạnh

Đến năm 2008, thấy con trai đuối sức và không thể lê bàn chân khổng lồ thêm được nữa, bà Thìn đã bán hết những tài sản được gọi là giá trị trong nhà, cố gắng vay mượn khắp nơi để có được số tiền 12 triệu đồng, đưa Sáu ra Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chữa trị. Nhưng bác sỹ kết luận, anh Sáu mắc bệnh “u xơ thần kinh”. Đây là căn bệnh rất hiếm gặp, nên việc điều trị sẽ rất khó khăn, phức tạp. Nếu để lâu căn bệnh của Sáu sẽ dần di căn, ăn mòn cơ thể và có thể gây tử vong.

 

Anh Sáu với chiếc "chân voi" khổng lồ. Ảnh Hồ Duy

Nhưng để điều trị khỏi bệnh cũng không dễ dàng, phải phẫu thuật rất nhiều lần, mỗi lần như vậy hết 20 triệu đồng. Nhìn lại hoàn cảnh, bố mất sớm, em trai lại khờ dại, ba mẹ con quanh năm chỉ sống nhờ vào một sào ruộng, cùng với số tiền trợ cấp 180.000 đồng/ tháng theo chế độ 202. Cơm cháo chưa ăn bữa trưa, đã phải lo bữa tối, nên Sáu đành an phận, chấp nhận sống chung với căn bệnh quái ác.

Ở cái tuổi 45, trong khi bạn bè cùng trang lứa đều đã yên bề gia thất, con cái đề huề, thì Sáu vẫn thui thủi một mình. Khối u quái ác ở chân đã gặm nhấm dần cơ thể, khiến anh chỉ còn da bọc lấy xương. Dọc cơ thể anh còn hàng trăm khối u lớn, nhỏ mọc chi chít, sần sùi, thô ráp.

Hiện, anh Sáu chỉ nặng khoảng 32kg, nhưng khối u ở bàn chân trái đã chiếm tới 12kg. Thoạt đầu, mới nhìn vào, chắc chắn ai cũng sẽ cảm thấy ghê sợ. Anh đi lại một cách khó khăn, khối u như một tảng đá lớn, níu hết cơ thể gầy gò của anh xuống phía dưới. Mỗi bước đi là cả vấn đề với anh, anh Sáu thường phải dùng hết sức mình, để cố gắng di chuyển bàn chân khổng lồ.

Đi lại khó khăn là thế, việc chọn cho mình một tư thế để ngồi còn khó khăn hơn. Anh chỉ ngồi được ở những tư thế cao như giường, bậc thềm hay bàn ghế. Hàng ngày, việc mà anh cảm thấy vất vả nhất, là mỗi lần lên giường ngủ. Để đưa được bàn chân voi lên giường, việc đầu tiên anh làm là cố gắng rướn tấm thân gầy gò của mình lên trước. Khi đã tìm cho mình một vị trí phù hợp, anh dùng đôi bàn tay yếu ớt nâng bàn chân khổng lồ lên, đặt song song với bàn chân còn lại.

Ngoài ra, căn bệnh quái ác cũng làm cho giấc ngủ của anh luôn chập chờn, phần vì lo lắng mẹ già đang đau ốm, phần phải nằm bất động một chỗ vì khối thịt thừa lớn đang đè nặng. Cực khổ hơn, đến bữa ăn, anh không ngồi được một cách thoải mái, mà phải quỳ xuống, nếu muốn ăn một cách dễ dàng.

Gia đình bà Hoàng Thị Thìn sinh được ba người con, người chị đầu đã yên bề gia thất. Sau anh Sáu còn một người em trai ít hơn anh 5 tuổi nhưng lại mắc bệnh tâm thần. Ăn rồi chỉ biết ở nhà ú ớ, bảo gì làm đấy, chứ không thể chủ động làm bất cứ chuyện gì. Chính vì thế, khi bà Thìn ngã bệnh, một mình anh Sáu phải gánh trọn trọng trách, vừa mang căn bệnh quái ác, vừa chăm sóc cho bà mẹ già yếu, lại phải lo toan cho em trai khờ khạo.

Nghĩ phận mình bất hạnh, mẹ lại ốm đau, nên anh Sáu đã cố gắng nhờ bà con họ hàng, mai mối cho em trai một người vợ để có chỗ nương nhờ. May mắn, cũng có một người đàn bà "quá lứa lỡ thì" ở làng bên cạnh đồng cảm. Anh chưa kịp vui mừng, vì em trai đã yên bề gia thất, hi vọng lớn nhất đã được thực hiện, thì người vợ của em trai đã vội khăn gói ra đi, vì không chịu được khổ cực, vất vả.

“Nhiều lúc, tôi ước ao có một cuộc sống bình dị, với người vợ hiền và những đứa con thơ, nhưng nghĩ lại, cái nghèo, cái khổ đeo đẳng, đành ấp ủ nỗi ước ao đó trong lòng. Nhiều lần xem ti vi, thấy nhiều cảnh đời bất hạnh như mình, mà họ vẫn sống, vẫn vượt qua, là tôi lại lấy đó làm động lực để gắng sống tiếp”, anh Sáu tâm sự.

Hồ Duy