Ông Nguyễn Đức Chung: Sự ủng hộ của người dân giúp làm giảm sự lây nhiễm của dịch bệnh

Đời sống - Ngày đăng : 20:05, 27/03/2020

Chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 TP đã chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ 26 với các quận huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.

Có xét nghiệm dương tính ban đầu phải ngay lập tức xác định rõ F1, F2 và thực hiện cách ly

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung nhắc lại tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới với đặc điểm vô cùng phức tạp. Cho đến giờ phút này vẫn chưa có vắc-xin, thuốc đặc trị cho dịch bệnh. Các nhà khoa học đã nhận dạng được virus nhưng chưa xác định được điểm kết thúc của dịch bệnh. Vì vậy, "rất có khả năng Ban Chỉ đạo sẽ phải làm việc trong thời gian dài"

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP đã mời các chuyên gia nước ngoài mô phỏng 3 kịch bản ứng phó với dịch bệnh: Không làm gì; làm yếu ớt; làm mạnh mẽ các biện pháp ngăn nguồn lây nhiễm, không để phát tán ở nơi đông người.

Với kịch bản làm mạnh mẽ như ở TP Hà Nội hiện nay sẽ có các "đốm cháy" là ổ dịch nhỏ trên địa bàn TP như ở Bạch Mai, Trúc Bạch, Núi Trúc… Nếu người dân chấp hành tốt, sẽ ngăn chặn được. Nếu để thành ổ dịch lớn phát tán khắp nơi sẽ thành "Vũ Hán thứ 2".

Ông Chung nêu rõ bài học kinh nghiệm về xử lý ổ dịch ở Trúc Bạch, bệnh viện Hồng Ngọc… và yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu để áp dụng như kinh nghiệm cách ly một tầng ở tòa nhà, khử khuẩn thang máy, môi trường, đo thân nhiệt thường xuyên; không nhất thiết phải cách ly cả tòa nhà.

Ông Nguyễn Đức Chung: Sự ủng hộ của người dân giúp làm giảm sự lây nhiễm của dịch bệnh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Ông Chung cũng nhắc nhở: “Các đơn vị phải đảm bảo nguyên tắc không chờ quyết định công bố dương tính của Bộ Y tế. TP chủ động nâng cao hơn 1 mức, có xét nghiệm dương tính ban đầu thì phải ngay lập tức xác định rõ F1, F2, tổ chức cách ly ngay. Nếu không phản ứng nhanh, chờ 1, 2 ngày thì con số sẽ nhân lên khó lường”.

Với ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các đơn vị làm rõ vấn đề: người ở ổ dịch bệnh viện Bạch Mai đi ra có coi là vùng dịch không; có cấm đi lại hay không? Ở bệnh viện, bệnh nhân sử dụng chung khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; bãi trông giữ xe hay sinh viện thực tập có phải là các điểm kết nối lây lan dịch bệnh không... để thành phố có biện pháp phòng ngừa.

“1.592 bệnh nhân điều trị ngoại trú của bệnh viện Bạch Mai từ 10-3 và các trường hợp chăm sóc các bệnh nhân này cũng phải cách ly tại nhà. Cần cảnh báo đến cả người trông xe, lái xe taxi, cung ứng thực phẩm, vận chuyển thuốc… Phải làm triệt để, lơ là sẽ dễ xảy ra lây nhiễm”, Chủ tịch UBND TP lưu ý.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nêu các chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch và yêu cầu Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, phường Quảng An rút kinh nghiệm sâu sắc với sự việc để người dân vẫn đổ xô đi lễ tại phủ Tây Hồ vào ngày 24/3 vừa qua.

Yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm; nghiên cứu đề xuất chế độ bồi dưỡng riêng cho các y bác sĩ tham gia chống dịch; lãnh đạo các quận huyện, phường xã không được rời khỏi TP, bật điện thoại 24/24, sẵn sàng khi có yêu cầu; tất cả các trường học nghỉ học đến 15/4.

"Đề nghị nhân dân thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Mỗi người dân là một chiến sĩ. Sự ủng hộ của người dân sẽ giúp làm giảm sự lây nhiễm của dịch bệnh" - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Các ngành hàng không thuộc danh mục phải tạm dừng đến 15/4

Tại cuộc họp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã nêu danh mục ngành hàng được hoạt động trong thời gian thủ đô đóng cửa dịch vụ không thiết yếu, để phòng tránh lây lan dịch bệnh.

Theo đó, danh sách cơ sở kinh doanh được mở cửa, gồm: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.

Theo ông Chung, tất cả các ngành hàng kinh doanh không có trong danh mục trên phải tạm dừng đến 15/4, không có ngoại lệ.

Thành phố khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Khi giao dịch mua bán cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Chủ tịch Hà Nội cho biết, qua phản ánh của người dân, mấy ngày qua một số quán nước vỉa hè, trà chanh, siêu thị điện máy vẫn hoạt động. Lãnh đạo thành phố giao các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để các loại hình kinh doanh không thiết yếu nghiêm túc dừng hoạt động.

Thành phố Hà Nội thông báo sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế tụ tập đông người kể từ 0h ngày 28/3 đến hết ngày 15/4; tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15/4.

Đối với các loại xe taxi và xe hợp đồng: Không dùng điều hòa, hạ kính, bắt buộc đeo khẩu trang đối với lái xe và hành khách, khử khuẩn trước và sau khi đón trả khách.

Các trường học, cơ sở dạy nghề tiếp tục nghỉ học đến 15/4, không tổ chức cho học sinh đến trường dưới mọi hình thức.

 

Gia Anh