Tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 15:28, 21/12/2016
Phiên họp đã thảo luận, đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu dự kiến chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về quy chế quy định trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội...
Những vấn đề mới về giám sát
Sáng 20/12, UBTVQH đã cho ý kiến về Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đó, Quy chế gồm 7 chương, 54 điều với nhiều quy định cụ thể như: Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH; chất vấn và xem xét trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH; điều hòa hoạt động các đoàn giám sát chuyên đề và hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội; xem xét việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị về kết quả giám sát; hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; công tác bảo đảm về hoạt động giám sát…
Trên cơ sở quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, phù hợp với thẩm quyền của UBTVQH, Quy chế quy định một số nội dung cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tổ chức hoạt động chất vấn, tổ chức các đoàn giám sát và hậu giám sát như: Tiêu chí, cách thức lựa chọn, nguồn thông tin để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, thời gian tổ chức chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp UBTVQH; việc trả lời chất vấn bằng văn bản. Việc tổ chức chất vấn tại kỳ họp Quốc hội theo hướng lấy nhóm vấn đề chất vấn làm trọng tâm, những cá nhân liên quan tham gia trả lời chất vấn nhằm đưa ra giải pháp giải quyết triệt để vấn đề chất vấn...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Về xem xét kiến nghị giám sát của các cơ quan, đây là hoạt động mới so với trước, Ban soạn thảo xây dựng các quy định theo hướng các kiến nghị được tổng hợp lại và xem xét làm 2 đợt trong năm (vào tháng 4 và tháng 9 hàng năm). Những kiến nghị có tính cấp bách cần xem xét ngay, các cơ quan sẽ trình UBTVQH đưa vào chương trình phiên họp gần nhất. Kiến nghị giám sát của các cơ quan được UBTVQH xem xét và xử lý trước thông qua việc ra nghị quyết tại phiên họp; chỉ những kiến nghị phức tạp mới trình ra Quốc hội xem xét. Đồng thời, việc xem xét gắn với chế tài xử lý các cơ quan thực hiện không nghiêm các kiến nghị để nâng cao tính hiệu lực của hoạt động giám sát.
Quy chế quy định rõ hơn về trách nhiệm báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; việc ban hành kế hoạch, đề cương báo cáo để tạo sự thống nhất và đáp ứng yêu cầu của cơ quan giám sát; trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trong việc thẩm tra, tổng hợp các báo cáo thẩm tra.
Do thành phần tham dự cuộc họp (một số Bộ, ngành liên quan chủ yếu đến hoạt động giám sát) vắng mặt nên UBTVQH nhất trí chưa thông qua quy chế này mà chờ đến phiên họp sau.
Trước đó, UBTVQH cũng đã thảo luận, đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu dự kiến chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Theo đánh giá, kỳ họp thứ 2 vừa qua tuy là kỳ họp cuối năm nhưng Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Các dự án Luật và Nghị quyết được thông qua nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tiếp tục cụ thể các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tăng cường công tác quản lý tài sản Nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh…
Cùng với công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời thảo luận các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình trước mắt cũng như định hướng sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo. Những vấn đề bức xúc, lo lắng mà nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực, tạo không khí sôi nổi, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội.
Đồng ý tăng thời gian chất vấn
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội cho phép từ kỳ họp thứ 3 trở đi bố trí 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Các ý kiến thảo luận đồng tình về nhận định này cũng như đánh giá kết quả kỳ họp. Hoạt động của Quốc hội đã thể hiện dấu ấn mạnh mẽ có sự đổi mới và có sức lan tỏa. Công tác điều hành phiên chất vấn đã kịp thời làm rõ nội dung chất vấn, định hướng thành viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội đi vào đúng trọng tâm vấn đề chất vấn; đánh giá khách quan, có sức thuyết phục, được dư luận cử tri đánh giá cao. Đại biểu cũng cho rằng, cử tri mong muốn, Quốc hội dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động chất vấn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, đây là nội dung cử tri và người dân rất quan tâm. Qua tiếp xúc cử tri vừa qua, có nhiều ý kiến mong muốn sự điều chỉnh này. Vì qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thúc đẩy giải quyết các vấn đề Thủ tướng và các thành viên Chính phủ hứa và Quốc hội giám sát.
Liên quan đến hoạt động chất vấn, Báo cáo đánh giá kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng khẳng định, sự tranh luận sôi nổi giữa đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ đã làm rõ vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, giúp các trưởng ngành phải nhìn nhận đầy đủ về trách nhiệm của mình. Đây là bước đổi mới để chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận. Thông qua chất vấn, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của từng ngành, từng lĩnh vực được đánh giá toàn diện; Quốc hội, Chính phủ cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để từ đó đề xuất các giải pháp phát huy lợi thế, hạn chế những bất cập.
Đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, tuy nhiệm kỳ này nhiều ĐBQH mới nhưng các đại biểu vào cuộc rất nhanh và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cử tri cũng đánh giá cao việc đổi mới của kỳ họp này đó là các đại biểu thực hiện quyền giơ biển tranh luận, tạo được không khí hoạt động dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Bà Nga cũng đề nghị nên cần thêm thời gian cho hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý tăng thời gian chất vấn lên 3 ngày từ kỳ họp thứ 3 và nhấn mạnh, tất cả lời hứa trả lời bằng văn bản của các thành viên Chính phủ thì việc giám sát phải nhắc nhở để có báo cáo sớm và công khai. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu hình thức biểu quyết theo hướng thể hiện công khai, minh bạch quan điểm của từng đại biểu để cử tri biết và đánh giá đại biểu của mình.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV dự kiến Quốc hội sẽ làm việc 22,5 ngày, trong đó 14,5 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, 7 ngày cho xem xét thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội. Qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 đến 3,5 ngày để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.