TP.HCM: Đề nghị hơn 322.000 người phải đeo khẩu trang hàng ngày
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 07/02/2020
Sở Công thương TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP về tình hình sản xuất và nhu cầu khẩu trang trên địa bàn TP trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona.
Theo đó, Sở Công thương TP.HCM đã phối hợp với Sở Y tế TP.HCM xác định 5 nhóm đối tượng ưu tiên bắt buộc sử dụng khẩu trang hằng ngày, để làm căn cứ xác định nhu cầu cho mặt hàng này. UBND TP.HCM đang xem xét đề nghị trên của các ngành chức năng.
Cụ thể, theo đề nghị, nhóm được ưu tiên nhất là cán bộ, công chức, nhất là những người làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; nhóm 2 là tiểu thương, nhân viên, người lao động làm việc tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi; nhóm 3 là nhân viên làm việc ở cơ sở lưu trú và khách sạn trên địa bàn; nhóm 4 là nhân viên làm việc ở bến xe, cảng hàng không, đường thủy, taxi, xe buýt; và nhóm 5 là nhân viên các bếp ăn tập thể.
Tổng cộng có 322.126 người ưu tiên bắt buộc sử dụng khẩu trang hằng ngày. Với nhu cầu sử dụng bình quân một người dùng 3 cái/ngày, thì 5 nhóm đối tượng ưu tiên cần hơn 966.000 cái.
Những ngày gần đây, nhiều người dân, khách du lịch duy trì việc đeo khẩu trang ở bất cứ nơi nào, đặc biệt là những nơi công cộng, tập trung đông người. Ảnh minh họa
Theo khảo sát của Sở Công thương TP.HCM, 13 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang ở TP.HCM có năng lực cung cấp hơn 1,6 triệu cái/ngày nên đáp ứng được nhu cầu cho các đối tượng ưu tiên, số còn lại phục vụ người dân.
Trước tình hình khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại tại những nước có nguồn nguyên liệu là vải không dệt như Malaysia, Ấn Độ... để giới thiệu cho các doanh nghiệp nhập nguyên liệu sản xuất.
Sở Công Thương cũng đề nghị Sở Tài chính tham mưu với UBND TP.HCM đưa khẩu trang y tế vào chương trình bình ổn giá thị trường để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), đeo khẩu trang y tế có thể làm hạn chế sự lây lan của một số bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khẩu trang không đảm bảo ngăn chặn việc lây nhiễm; và nên kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp và tránh tiếp xúc gần, giữ khoảng cách ít nhất 1 mét giữa bạn và người khác.
WHO khuyên về việc sử dụng khẩu trang y tế hợp lý, để tránh lãng phí không cần thiết, tạo cảm giác an toàn giả tạo và sử dụng sai khẩu trang. Điều này có nghĩa là chỉ sử dụng khẩu trang nếu bạn có các triệu chứng về hô hấp (ho hoặc hắt hơi), nghi ngờ nhiễm virus corona với các triệu chứng nhẹ hoặc đang chăm sóc cho người nghi ngờ nhiễm virus corona hoặc người nghi ngờ nhiễm virus corona liên quan đến du lịch ở một khu vực tại Trung Quốc - nơi virus corona đã được báo cáo hoặc tiếp xúc gần với một người đi du lịch từ Trung Quốc và có các triệu chứng về hô hấp.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát, đến hết ngày 6/2, TP.HCM có 3 trường hợp được xác định mắc bệnh viêm hô hấp cấp do virus corona (1 trường hợp điều trị khỏi, 2 trường hợp diễn tiến ổn định). Có 17 trường hợp cho kết quả xét nghiệm âm tính. 1 ca nghi ngờ đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Vinmec đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.
Số trường hợp được cách ly y tế do tiếp xúc gần với người mắc bệnh là 34 trường hợp, trong đó có 7 trường hợp tiếp xúc với ca bệnh đầu tiên đã hết thời gian theo dõi. Hiện nay chưa có trường hợp tử vong.
Ngày 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tại Việt Nam. Chính phủ đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là "bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu", lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Các thông tin mới về tình hình dịch bệnh liên tục được cập nhật trên Báo điện tử Congly.vn. Mời độc giả cập nhật TẠI ĐÂY. |