Cần có chế tài với sự hiếu kỳ

Đời sống - Ngày đăng : 10:51, 01/02/2020

Không chỉ gây cản trở, khó khăn cho cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường mà đôi khi còn phải trả giá bằng chính tính mạng của người dân vì sự tò mò, hiếu kỳ.

Thời gian qua, thường xuyên xảy ra tình trạng người dân hiếu kỳ, tập trung đông người, chen lấn để xem lực lượng công an điều tra, phá án hoặc xử lý các đối tượng gây rối trật tự công cộng; thậm chí người dân còn tò mò muốn xem lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy làm nhiệm vụ hoặc các đoàn kiểm tra xử lý vi phạm hành chính.

Gần đây nhất là nhiều người dân kéo đến để xem công an truy bắt đối tượng nghi vấn sử dụng súng bắn chết nhiều người đang lẩn trốn ở huyện Củ Chi hoặc một đối tượng khác mang lựu đạn cố thủ tại quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Việc người dân tụ tập để xem công an làm nhiệm vụ gây ảnh hưởng đến công tác truy bắt đối tượng và phá án, đồng thời, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của chính người dân vì đối tượng phạm tội rất manh động, liều lĩnh.

Bên cạnh đó, việc người dân tập trung đông người là cơ hội cho các đối tượng phạm tội lẫn trốn hoặc có thể bị đối tượng phạm tội khống chế, bắt làm con tin để ra điều kiện với lực lượng chức năng hoặc để tẩu thoát.

Hiện nay, nhiều đối tượng phạm tội hình sự đặc biệt nguy hiểm đều mang theo vũ khí nóng như lựu đạn, súng ngắn, súng trường,…để chống trả lực lượng chức năng nếu bị truy bắt. Do đó, việc người dân tập trung đông người không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn cản trở lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ như che khuất tầm nhìn, hạn chế phương tiện chuyên dụng di chuyển; cản trở lực lượng chức năng sử dụng các công cụ, phương tiện hỗ trợ hoặc vũ khí để trấn áp tội phạm.

Mặt khác, khi người dân tập trung đông người có thể làm thay đổi hiện trường vụ án, vô tình xóa các dấu vết, làm mất hoặc thay đổi chứng cứ và cản trở giao thông,…

Thông thường khi công an truy bắt đối tượng phạm tội chỉ cần một lực lượng nhỏ là có thể khống chế đối tượng, tuy nhiên để ngăn chặn sự hiếu kỳ, bảo vệ người dân và duy trì trật tự tại địa điểm điều tra, phá án và truy bắt tội phạm, vì vậy, phải triển khai nhiều lực lượng khác phối hợp như công an xã, dân phòng, cơ động,…dẫn đến sự lãng phí nguồn nhân lực không cần thiết.

Sự tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người dân khi xem công an truy bắt tội phạm bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, cũng như gây cản trở người thi hành công vụ đã và đang diễn ra phổ biến. Mặc dù, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân nhưng không có tính răn đe, giáo dục; ý thức chấp hành của người dân còn hạn chế.

Vì vậy, để ngăn tình trạng người dân tò mò, hiếu kỳ, tập trung đông người để xem lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nói chung và lực lượng công an đang điều tra, phá án và truy bắt tội phạm nói riêng rất cần chế tài xử lý để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân; hạn chế tình trạng cản trở, gây khó khăn cho lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ.

Đỗ Văn Nhân