Thái Nguyên: Tưng bừng ngày hội xuống đồng và Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày

Đời sống - Ngày đăng : 21:49, 27/01/2020

Ngày 27/1 (mùng 3 Tết Canh Tý), tại Thị xã Phổ Yên- Thái Nguyên người dân nô nức tham gia lễ hội xuống đồng với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa.

Thái Nguyên: Tưng bừng ngày hội xuống đồng và Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày 

Lễ hội xuống đồng truyền thống người dân Trung Thành- Phổ Yên- Thái Nguyên

Trong tiết trời se lạnh, phảng phất hơi thở của mùa xuân về trên những chồi lá xanh non khoe sắc, dòng người tấp nập đổ về xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành tham dự Lễ hội xuống đồng - Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh xuân Canh Tý.

Lễ hội xuống đồng của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Nơi tổ chức tại những ruộng tốt nhất, to nhất.

Lễ hội truyền thống của nhân dân thôn Thanh Hoa, xã Trung Thành- Thị xã Phổ Yên được tổ chức vào đầu năm mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất và xây dựng nông thôn mới trong nhân dân và được nâng cấp tổ chức thành quy mô cấp thị xã.

Thái Nguyên: Tưng bừng ngày hội xuống đồng và Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày

Thi cày tại lễ hội. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Thông qua việc tổ chức lễ hội góp phần cổ vũ động viên bà con nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, giống cây trồng mới vào sản xuất, thâm canh trên đồng ruộng nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế trên một hát ta canh tác, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sau lễ hội xuống đồng của thị xã Phổ Yên, hàng năm tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều lễ hội truyền thống lớn trên địa bàn tỉnh như, lễ hội Đền Đuổm ở huyện Phú Lương, lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối ở huyện Phú Bình, lễ hội Núi Văn - Núi Võ ở huyện Đại Từ, lễ hội Lồng Tồng ở ATK Định Hóa... đều diễn ra trong và ngay sau Tết Nguyên đán thu hút đông đảo khách thập phương trong cả nước tụ họp về. Các lễ hội phần lớn thể hiện giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc, mang màu sắc đồng bào các dân tộc Việt Bắc.

Thái Nguyên: Tưng bừng ngày hội xuống đồng và Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên phát động Tết trồng cây "Đời đời nhơ ơn Bác Hồ"

Nói đến Ngày hội xuống đồng không thể không kể đến Lễ hội Lồng Tồng của người Tày- ATK Định Hoá, đây là điểm mới là được đón nhận Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Lễ hội  thường được tổ chức hai ngày 9,10/ tháng Giêng âm lịch hàng năm tại sân Lễ hội Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hoá.

Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng, là một lễ hội của dân tộc Tày và cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc...

Năm 2002, UBND tỉnh Thái Nguyên và Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) đã quyết định tổ chức Lễ hội Lồng Tồng tại Tỉn Keo, xã Phú Ðình, huyện Ðịnh Hóa với ý tưởng khôi phục lễ hội truyền thống. Ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm, nhân dân 8 dân tộc anh em (Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa, Kinh và Mông) sinh sống tại Thủ đô kháng chiến ATK Định Hóa lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Lồng Tồng tại xã Phú Đình.

Thái Nguyên: Tưng bừng ngày hội xuống đồng và Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày

Lễ hội lồng tồng (lễ hội xuống đồng) nét đặc sắc văn hóa lễ hội của người Tày  

Lễ hội Lồng Tồng là hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, góp phần giới thiệu du khách thập phương đến giá trị văn hóa, lịch sử di tích ATK nơi có Đảng, Bác Hồ xây dựng chiến khu cách mạng lịch sử vẻ vang năm xưa, đồng thời thể hiện giá trị văn hóa ngàn năm đồng bào các dân tộc Việt Bắc.

Việc duy trì tổ chức Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa hàng năm, không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy một lễ hội mang bản sắc của địa phương, mà còn là nỗ lực trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc, tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Liên - Dương Thịnh