Khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
Chính trị - Ngày đăng : 17:01, 15/12/2016
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam luôn tâm huyết coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Ảnh: VGP
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước hào hùng và nền văn hiến đặc sắc do bao thế hệ cha anh trao truyền lại bằng trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương. Đây chính là cội nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua rất nhiều chặng đường khó khăn, đầy gian lao, thử thách, thiên tai, địch họa và luôn luôn nuôi dưỡng khát vọng “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” – như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Phó Thủ tướng, những năm qua, cùng với những nỗ lực phấn đấu của người dân Việt Nam, thì sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà khoa học đã góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành tựu toàn diện về kinh tế-xã hội. Những nghiên cứu, đánh giá, khuyến nghị của các nhà khoa học, trong đó có các nhà Việt Nam học đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển đất nước; đồng thời mỗi nhà khoa học và từng sự kiện như Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần này còn là nhịp cầu nối rất quan trọng giữa Việt Nam với thế giới, làm cho thế giới nhìn nhận, đánh giá Việt Nam tường tận, chính xác hơn.
Trao đổi với các nhà khoa học, Phó Thủ tướng cho biết, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập và nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa thêm một mức trong thực hiện mục tiêu phát triển Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân là làm sao dân tộc được độc lập và mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc.
Khẳng định mục tiêu phát triển của Việt Nam phù hợp với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 tiêu chí cụ thể của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, thách thức đặt ra đối với Việt Nam là phải phát triển với tốc độ nhanh nhất có thể nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước nhưng quan trọng hơn là phải bền vững. Phát triển đáp ứng được những yêu cầu ngày hôm nay nhưng không để các thế hệ mai sau vất vả giải quyết những hậu quả tiêu cực do chính sách phát triển không bền vững của hôm nay gây ra. Muốn thực hiện được điều đó, rất cần đến những luận cứ khoa học, các đánh giá, các khuyến nghị có tính khoa học của các nhà khoa học để giải quyết những vấn đề có tính cốt lõi, nền tảng cũng như những vấn đề mang tính thời sự, chiến lược như tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ tập trung đầu tư vào con người, phát huy cá nhân sáng tạo, đổi mới hệ thống sáng tạo của đất nước, tận dụng được những lợi thế của khoa học công nghệ, giao lưu văn hóa, biến đổi khí hậu...
Tin tưởng Hội thảo lần này với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị rất hữu ích, thiết thực cho công tác hoạch định, và tổ chức chính sách của Việt Nam, Phó Thủ tướng mong muốn Cộng đồng Việt Nam học trong nước và quốc tế tiếp tục là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam với thế giới không chỉ về khoa học mà còn giữa người Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Bên cạnh các công trình khoa học, các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế sẽ giữ vai trò hạt nhân, giúp đỡ để cho các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức ở Việt Nam đem văn hóa, hình ảnh Việt Nam, hoạt động nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.
Ngay sau phiên khai mạc, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã thảo luận về 6 nhóm lĩnh vực: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế và sinh kế; biến đổi khí hậu. Phiên bế mạc hội thảo sẽ được tổ chức vào chiều 16/12. Kết quả của hội thảo sẽ được bàn giao cho các bộ, ban, ngành có liên quan, đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển quốc gia.