Cảnh cáo Hạt trưởng, Hạt phó kiểm lâm huyện Bá Thước
Đời sống - Ngày đăng : 09:03, 29/12/2019
Như đã phản ánh, theo thống kê, ở xã Lương Nội (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), vào đầu tháng 10/2019, tại tiểu khu 276, khoảnh 1, rừng sản xuất giao cho gia đình ông Bùi Minh Thế, thôn Đầm quản lý, nhưng để xảy ra việc chặt hạ một số cây gỗ có đường kính 50cm, khối lượng 1,705m3, gỗ đã lấy hết ra khỏi rừng.
Cũng tại tiểu khu 276 thuộc các lô 189, 89, 153, 133 đã giao cho gia đình một số hộ dân quản lý nhưng rừng vẫn bị đốn hạ mất 4 cây gỗ có đường kính 40-45 cm, tổng khối lượng là 4,519 m3. Số gỗ bị chặt trái phép này có 3 cây nằm trong khu vực rừng phòng hộ.
Rừng tại huyện Bá Thước bị đốn hạ không thương tiếc
Còn trên địa bàn xã Điền Hạ, thuộc lô 69, 86, khoảnh 1, tiểu khu 311 (thuộc địa phận thôn Bứng), diện tích rừng tự nhiên được giao cho 11 hộ gia đình, phát hiện có 89 cây gỗ thuộc nhóm 6-7, đường kính từ 16-30 cm, tổng khối lượng 18,908 m3 đã bị chặt hạ trái phép. Toàn bộ số gỗ rừng này đều nằm trên đất quy hoạch và đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp với tổng diện tích 2,06 ha. Cánh rừng này nằm ngay phía sau khu dân cư thôn Bứng và bị chính 11 hộ dân xã Điền Hạ dùng cưa xăng đốn gỗ.
Việc chặt, phá rừng diễn ra nghiêm trọng và phức tạp nhất là ở xã Điền Thượng. Qua kiểm đếm có tới 86 cây gỗ đường kính từ 15-40cm bị khai thác trái pháp luật, với tổng khối lượng lên tới 25,516m3. Trong đó 83 cây bị chặt trong rừng sản xuất thuộc chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và UBND xã Điền Thượng; 3 cây nằm trong khu rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành quản lý.
Khoảng cách từ điểm phá rừng tới trụ sở UBND xã Điền Thượng và Đội bảo vệ rừng không xa nhưng các đơn vị này không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về sự buông lỏng hay tiếp tay của lực lượng chức năng.
Trao đổi với PV, ông Lê Duy Ngợi, Hạt Trưởng kiểm lâm Bá Thước thừa nhận: "Việc chặt, phá rừng trên địa bàn huyện Bá Thước là có. Sau khi nhận được thông tin, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra, rà soát, ngăn chặn. Gỗ bị chặt hạ đều là gỗ tạp thuộc nhóm 7, nhóm 8, phần lớn là đất rừng sản xuất giao cho hộ dân. Hiện cả đơn vị có 17 người mà quản lý hơn 57.000 ha rừng là quá mỏng. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm khi để rừng bị đốn hạ. Hiện đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xác minh các đối tượng tham gia phá rừng. Đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân. Kiểm lâm đã tham mưu cho huyện ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép, phá rừng để chuyển đổi sai mục đích sử dụng".
Sau khi phản ánh, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh làm rõ. Qua kiểm tra cho thấy, tại huyện Bá Thước xảy ra tình trạng lâm tặc ngang nhiên phá rừng với số lượng lớn, kéo dài nhưng lực lượng kiểm lâm chậm phát hiện và xử lý.
Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật, xem xét đưa ra hình thức kỷ luật đối với những cá nhân có liên quan. Căn cứ trên tình hình thực tế, mức độ, vai trò của các cá nhân, Hội đồng kỷ luật quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Hạt trưởng kiểm lâm Bá Thước Lê Duy Ngợi; Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bá Thước (phụ trách tuyến, địa bàn) Đào Đình Huy; Phụ trách Trạm kiểm lâm Điền Lư và phụ trách địa bàn xã Điền Thượng Phạm Văn Dũng. Khiển trách kiểm lâm viên địa bàn xã Điền Hạ Mai Văn Am.
Hiện nay, UBND huyện Bá Thước cũng đang xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra phá rừng trên địa bàn để xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.