Ấm áp nghĩa tình ở Khu điều dưỡng Thương bệnh binh Nghệ An
Đời sống - Ngày đăng : 11:08, 10/12/2019
Tất cả không còn ranh giới, khoảng cách, nơi đây chỉ còn chữ tình mà con người dành cho nhau thành một ngôi nhà chung ấm áp cho mọi người.
Qua tìm hiểu được biết, nơi đây hiện đang có hơn 100 bệnh nhân tâm thần chính sách, bao gồm các thương bệnh binh, các cựu binh bị nhiễm chất độc hóa học, con đẻ của những Người có công với Cách mạng… đang được nuôi dưỡng tập trung. Trong đó phần lớn những thương, bệnh binh đã đi gần hết cả cuộc đời, trải qua các cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc. Họ là những thương, bệnh binh, đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật, di chứng do chiến tranh để lại.
Sự chung tay của xã hội với công tác chăm sóc người có công
Trò chuyện với các thương bệnh binh tại đây, chúng tôi mới thấm thía hết được nỗi đau do chiến tranh để lại. Trong ký ức của họ, những thương, bệnh binh lúc mơ, lúc tỉnh này gần như chỉ có những trận đánh với bom đạn. Đang yên bình nhưng tiếng hét “Xung phong!” có thể vang lên bất cứ lúc nào. Và khi bệnh nhân đã lên cơn thì khu điều dưỡng như náo loạn và đó cũng là thời điểm khó khăn nhất của nhân viên khu điều dưỡng.
Những thương bệnh binh đang sống ở đây chính là những nhân chứng sống cho sự khốc liệt của chiến tranh, cho tinh thần đấu tranh kiên cường của một dân tộc Việt Nam. Chính chất lính trong nhũng con người này đã làm nên non nước ngày nay, và cũng chính chất lính đó giúp họ vượt qua những nỗi đau do di chứng chiến tranh để lại. Tinh thần của những cựu chiến binh là sự lạc quan, đoàn kết và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bác Sỹ Phạm Thành Trụ, Giám đốc đơn vị tâm sự: “Thấm nhuần chất lính của những thương bệnh binh nơi đây đã rèn giũa cho chúng tôi trong những ngày tháng công tác. Chúng tôi là bác sỹ để giúp họ vượt qua nỗi đau thể xác và rồi lại trở thành những người bạn, người tri kỷ để lắng nghe những tâm sự của họ đang chất chứa trong lòng. Chúng tôi đã làm việc bằng cả tấm lòng biết ơn vì sự hy sinh của họ đối với Tổ quốc”.
Cơ sở vật chất của đơn vị ngày càng khang trang, sạch đẹp
Các y tá, y sỹ trung tâm, ngoài công việc của người thầy thuốc còn là những người bạn, người thân của các thương, bệnh binh đặc biệt này. Với nhiệm vụ của Trung tâm là tiếp nhận, quản lý, điều dưỡng, điều trị các đối tượng thương bệnh binh, con liệt sỹ, con của người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và các đối tượng tâm thần thuộc diện chính sách, do bị thương, bị tâm thần, có tỷ lệ thương, bệnh tật đặc biệt nặng của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là các đối tượng bệnh nặng nên trung tâm đã luôn duy trì chế độ trực ca 24/24 để theo dõi, nắm bắt, xử lý kịp thời những diễn biến về bệnh lý. Nâng cao chất lượng công tác quản lý bệnh nhân, không để bệnh nhân bỏ trốn. Tổ chức đón các đối tượng về thăm gia đình để quản lý. Trung tâm luôn duy trì thường xuyên cho bệnh nhân tham gia văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xem thông tin thời sự tại hội trường câu lạc bộ tạo nên sự thoải mái về không gian và tinh thần.
Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều năm qua, đơn vị cũng đã mở rộng quan hệ với các đơn vị, doanh nghiệp khác để làm tốt phong trào xã hội hóa công tác chăm sóc người có công nhằm giúp đỡ tinh thần và vật chất cho thương bệnh binh. Thực sự, nơi đây đã nối vòng tay lớn để cùng nhau có trách nhiệm, cùng chia sẻ và cùng biết ơn những hy sinh của thế hệ đi trước đối với hòa bình của đất nước hôm nay.
Giám đốc Khu điều dưỡng Phạm Thành Trụ chia sẻ thêm: "Sự hy sinh của các thương, bệnh binh là bài học lớn cho chúng tôi, họ đã cống hiến cho Tổ quốc và đang sống với tất cả nghị lực phi thường… Mặc dù còn khó khăn, song cán bộ, nhân viên của Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phục vụ, chăm sóc thương binh, để Trung tâm thực sự trở thành “ngôi nhà thứ hai” của các Bệnh nhân tâm thần chính sách.
Chúng tôi tạm biệt các thương bệnh binh trong khoảng đầu đông, trời đã lạnh, phía trước cán bộ và một số thương bệnh binh đang chuẩn bị chăn ga, đệm mút để cấp phát cho tất cả Bệnh nhân tại Khu điều dưỡng. Hy vọng cái rét mùa đông sẽ được sưởi ấm bằng tình cảm sâu nặng của cán bộ đơn vị với thương bệnh binh.