Vĩnh Phúc: Khai thác thế mạnh về tiềm năng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng
Đời sống - Ngày đăng : 22:20, 03/12/2019
Phát huy lợi thế…
Sau hai năm triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, và Chương trình hành động số 41-CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, du lịch Vĩnh Phúc đã phát huy lợi thế về địa lý, thu được những thành công nhất định, đặc biệt là khai thác thế mạnh và tiềm năng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị, du lịch kết hợp với chơi golfvà du lịch tâm linh.
Loại hình du lịch nghỉ dưỡng ngày càng được ưa thích
Phát huy các lợi thế về địa lý kinh tế như: gần Thủ đô Hà Nội, gần các đô thị lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; lợi thế về tài nguyên du lịch mà thiên nhiên ban tặng như: Vườn Quốc gia Tam Đảo; Khu nghỉ mát Tam Đảo; quần thể danh thắng Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc; hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng; các giá trị văn hóa phi vật thể… được nhân dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy để thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch. Du lịch Vĩnh Phúc từng bước xây dựng được thương hiệu và trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện.
Hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế thu hút một số lượng khách lớn đến với Vĩnh Phúc. Nếu như năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón 1.765.500 lượt khách, trong đó có 24.680 lượt khách quốc tế, thì đến năm 2018, du lịch Vĩnh Phúc đã đón 5,2 triệu lượt khách, tăng 3,05 lần so với năm 2011, trong đó có 40.500 lượt khách quốc tế.
Tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2011 đến hết năm 2018 là 25.214.820 lượt người. Trong đó khách nội địa chiếm hơn 90%, còn lại là khách quốc tế. Số ngày lưu trú bình quân khoảng 1,5 ngày.
Không ngừng tăng trưởng
Trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng du khách đến tham quan và du lịch tại Vĩnh Phúc luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%, đem lại hiệu quả đáng kể về việc tăng nguồn thu ngân sách, mở rộng quan hệ giao lưu, tăng thu nhập cho người lao động trong ngành và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương ở những khu du lịch, điểm du lịch.
Sự gia tăng nhanh về lượng khách du lịch mang đến sự tăng trưởng về doanh thu du lịch, ổn định qua các năm. Trong năm 2018, doanh thu du lịch đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 10,33% so với năm 2017 và tăng đến 92,18% so với thời điểm năm 2011. Đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Vĩnh Phúc trong những năm gần đây.
Cùng với đó, số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trong những năm gần đây cũng tăng lên đáng kể. Năm 2011, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có 172 cơ sở lưu trú với 2.789 buồng, phòng; 05 DN lữ hành. Nhưng sang đến năm 2018, Vĩnh Phúc đã có 366 cơ sở lưu trú với 6.400 phòng phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách; 13 DN lữ hành; 27 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao; 45 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2-3 sao; và 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao. Các cơ sở lưu trú này tập trung nhiều tại Khu du lịch Tam Đảo, Đại Lải, TP Vĩnh Yên và Khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh… Điều này chứng tỏ sự thu hút đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng mạnh mẽ.
Như vậy, việc triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Chất lượng một số ngành dịch vụ ngày một nâng lên, góp phần không nhỏ vào phát triển ngành dịch vụ. Một số công trình trọng điểm của tỉnh được quan tâm chỉ đạo, đầu tư đảm bảo đúng tiến độ, chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan các khu, điểm du lịch sáng, xanh, sạch, đẹp, bố trí các điểm dừng chân ngắm cảnh; xây dựng chợ đêm và các tuyến phố đi bộ ở TP Vĩnh Yên. Bố trí các địa điểm phục vụ nhu cầu du lịch một cách tốt hơn (phố ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí, không gian văn hóa nghệ thuật; tổ chức các tuyến xe điện tham quan nội thành), góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất để tạo điểm nhấn về phát triển dịch vụ, du lịch.