Nghệ An: Nhiều tàu cá “nằm bờ” vì đánh bắt không hiệu quả
Đời sống - Ngày đăng : 17:45, 17/11/2019
Về xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu đi dọc theo Lạch Vạn, không khó bắt gặp cảnh hai bên bờ với hàng chục tàu cá đang nằm bờ la liệt, điều mà mấy năm trước ở đây chưa từng có như thế này.
Diễn Bích là một trong những xã số lượng tàu cá công suất lớn nhiều nhất ở huyện Diễn Châu. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều tàu cá trong tình trạng phải “trùm mền” vì đánh bắt không hiệu quả, chuyến lỗ nhiều hơn được, thêm vào đó là do giá dầu tăng khiến kinh phí cho mỗi chuyến ra khơi hết sức tốn kém.
Nhiều tàu cá phải nằm bờ vì đánh bắt không hiệu quả.
Ông Đặng Xuân Ân (trú xã Diễn Bích) người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề sông nước cho biết: “Năm 2012, tôi đầu tư con tàu trị giá 500 triệu đồng từ tiền vay mượn. Nếu như trước đây, ngư trường đánh bắt rộng, trữ lượng hải sản ở biển còn nhiều, tàu thuyền đánh bắt còn ít nên mỗi chuyến vươn khơi đều “trúng quả”. Thế nhưng mấy năm gần đây, việc đánh bắt hết sức khó khăn, có khi đi biển chuyến nào là lỗ vốn chuyến ấy, nên nhiều người không còn mặn mà với nghề mà có hướng chuyến nghề mới, có người thì phải bán tàu”.
Cũng theo lời ông Ân, mỗi chuyến ra khơi kéo dài cả tuần như tàu của ông với công suất 60CV thì tiêu tốn khoảng 40 triệu tiền dầu, chưa kể các chi phí khác như ăn uống, tiền đá lạnh...Ngoài ra trên thuyền cũng phải thuê khoảng 3-4 công nhân cùng làm, mỗi tháng tiền công khoảng 7- 8 triệu đồng/người. Nên nhiều chuyến đi coi như không có lãi, thậm chí thua lỗ là điều rất dễ xảy ra.
Không phải chỉ những con tàu có công suất vừa và nhỏ mới chịu cảnh “nằm bờ” như vậy, mà thực trạng trên còn khiến cho những con tàu lớn hàng trăm CV với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng cũng phải neo đậu 1 chỗ vì sản lượng đánh bắt xa bờ ngày càng không đạt hiệu quả. Thậm chí đi chuyến nào lỗ chuyến đó, khiến ngư dân thêm phần chán nản.
Ông Đặng Xuân Ân, người có hơn 20 năm hành nghề đi biển cho biết, chưa khi nào nghề đi biển lại khó khăn như lúc này.
Ông Nguyễn Văn Liên – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, cho biết, hiện nay toàn xã có 230 tàu cá đánh bắt xa bờ, với khoảng 3.000 lao động, nuôi sống 70% cư dân trong xã. Vậy nhưng, trong 2 năm qua, nghề đi biển thua lỗ đã khiến không ít gia đình ở đây rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Đại diện UBND xã Diễn Bích nói rằng, sản lượng đánh bắt thủy hải sản của địa phương 2 năm nay giảm mạnh. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2019, toàn xã mới chỉ đạt 62% so với mục tiêu đặt ra.
Cũng theo đại diện chính quyền, do thay đổi phương thức đánh bắt theo quy định mới, chi phí xăng dầu tăng… nên ngư dân buộc phải đầu tư nhiều. Thế nhưng, số tiền ngư dân thu lại không thể bù lỗ chi phí bỏ ra nên nợ nần chồng chất khiến nhiều tàu thuyền không dám bám biển dài ngày…
Có những chiếc tàu vẫn ra khơi bám biển nhưng thua lỗ nhiều hơn là “trúng quả” khiến người dân không mấy mặn mà với nghề.
Một người dân địa phương cho hay: “Riêng hai năm nay số lượng tàu đóng mới không có chiếc nào, thậm chí nhiều tàu cá phải rao bán vì thua lỗ. Nghề đóng tàu thì gần như “đóng băng”. Nghề đi biển chưa khi nào mà khó khăn như lúc này”.
Về xã Diễn Bích khoảng 2-3 năm về trước, mọi người sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí nhộn nhịp, tất bật của những chuyến tàu ra vào cửa lạch, mang về đầy ắp hải sản tươi ngon, cùng với đó là dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được dịp phát triển theo. Những người thợ đóng mới, hay sửa chữa tàu chẳng khi nào ngơi tay. Thế nhưng giờ đây không khí ấy trở nên ảm đạm đi nhiều, nghề cá đang dần được thay thế bằng nhiều nghề khác nhau hay đi xuất khẩu lao động nước ngoài.