Vĩnh Phúc: Đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch
Đời sống - Ngày đăng : 16:19, 15/11/2019
Quy hoạch đi trước
Trước khi có Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch trên địa bàn.
Cụ thể, năm 2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 1335/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” gắn với Chiến lược phát triển du lịch của cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ban hành Quyết định số 2895/QĐ-UBND ngày 27/10/2011 phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020...
Cùng với đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành quy hoạch chi tiết 06 khu du lịch, dịch vụ trọng điểm của tỉnh là: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch Tam Đảo I, khu phía Tây hồ Đại Lải. Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 phát triển du lịch, dịch vụ khu vực chân núi Tam Đảo, khu vực núi Sáng Sơn, khu Bắc hồ Đại Lải.
Flamingo Đại Lải là một trong những điểm du lịch hàng đầu của tỉnh Vĩnh Phúc
Hiện nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500 Khu Trung tâm văn háo lễ hội Tây Thiên, khu hồ Bảo Tháp, khu công viên cây xanh Tây Thiên, khu dịch vụ bãi đỗ xe Tây Thiên.
Ngoài ra, một số huyện, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch cũng xây dựng các đề án phát triển du lịch như: Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo giai đoạn 2017-2020, Đề án phát triển du lịch huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên...
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sự vào cuộc sát sao của các cấp ngành, địa phương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch đã có những kết quả nhất định. Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai quy hoạch cũng được nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học, khách quan để có những đề xuất, điều chỉnh hợp lý.
Hạ tầng tiếp bước theo sau
Phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các ngành chức năng. Vì khi có cơ sở vật chất tốt phục vụ cho du lịch thì mới là chìa khóa quan trọng để “níu” chân du khách. Nhận thức rõ được vấn đề này, không chỉ các cấp ngành, địa phương mà các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đã tích cực đầu tư, nâng cấp các cơ sở lưu trú, điểm du lịch tại Vĩnh Phúc trở nên hấp dẫn, mới lạ, độc đáo hơn trước.
Nếu như năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 172 cơ sở lưu trú với 2.789 buồng phòng, 05 doanh nghiệp lữ hành thì đến năm 2018, Vĩnh Phúc đã có 366 cơ sở lưu trú với 6.400 phòng phục vụ du khách và 13 doanh nghiệp lữ hành. Trong đó, có 27 khách sạn đạt 1 sao, 45 khách sạn đạt 2-3 sao và 5 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao. Các cơ sở lưu trú này tập trung nhiều tại Khu du lịch Tam Đảo, Đại Lải, TP. Vĩnh Yên và Khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh.
Trong năm 2019, hàng loạt các cơ sở lưu trú mới trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức khai trương phục vụ khách du lịch... Điều đó chứng tỏ sự thu hút đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng mạnh mẽ.
Hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế đã thu hút một lượng khách lớn đến Vĩnh Phúc. Năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón 1.765.500 lượt khách, trong đó có 24.680 lượt khách quốc tế. Đến hết năm 2018, du lịch Vĩnh Phúc đã đón được 5,2 triệu lượt khách, tăng 3,05 lần so với năm 2011, trong đó có 40.500 lượt khách quốc tế.
Tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2011 đến hết năm 2018 là hơn 25 triệu lượt người. Trong đó, khách nội địa chiếm 99,12%, khách quốc tế 209.423 lượt người. Số ngày lưu trú bình quân khoảng 1,5 ngày.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng du khách đến tham quan và du lịch tại Vĩnh Phúc luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%, đem lại hiệu quả đáng kể về việc tăng nguồn thu cho ngân sách, mở rộng quan hệ giao lưu, tăng thu nhập cho người lao động trong ngành và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương ở những khu, điểm du lịch.
Cùng với sự gia tăng nhanh về lượng khách du lịch, doanh thu ngành du lịch cũng có sự tăng trưởng ổn định qua các năm. Trong năm 2018, doanh thu du lịch đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 10,33% so với năm 2017 và tăng đến 92,18% so với năm 2011. Đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Vĩnh Phúc trong thời gian qua và cũng là động lực để ngành du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển trong những năm tới.