Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng: Xử lý hiệu quả vấn đề rác thải nhựa
Đời sống - Ngày đăng : 13:20, 11/11/2019
Trong đó, chất thải nhựa và túi ni lông đang chiếm lượng rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về khối lượng rác thải nhựa với mỗi năm khoảng 730.000 tấn trôi ra biển (trong đó 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền) ảnh hưởng trực tiếp đến biển và sinh vật biển.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc tại hội thảo năm 2019, ước tính mỗi năm có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. Theo thống kê, mỗi phút trôi qua lại có hơn 1.000 chiếc túi ni lông được tiêu thụ. Tại một số vùng biển, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá cá thì có 1 phần rác thải nhựa. Ước tính trung bình, mỗi người tiêu thụ các sản phẩm nhựa là 41,3 kg/năm (năm 2018). Thế nhưng, chỉ một phần nhỏ trong số rác thải nhựa nêu trên được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ ở khắp nơi.
Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng vừa phát động chương trình “Nói không với rác thải nhựa” và ký cam kết thực hiện với các đơn vị
Biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi ni lông, rác thải nhựa. Khi xả ra biển, rác thải nhựa phải mất tới hơn 400 năm để có thể phân hủy. Việc hạn chế tiến tới không còn rác thải nhựa đang là biện pháp khẩn thiết để bảo vệ đại dương và cũng chính là bảo vệ tương lai của thế hệ mai sau. Thực tế, hầu như mọi người đều biết đến việc sử dụng sản phẩm nhựa như cốc dùng 1 lần, túi ni lông, ống hút nhựa,... có hại cho môi trường, mất nhiều năm để phân hủy nhưng vẫn dùng và sử dụng ngày càng nhiều.
Tại Hải Phòng, mỗi ngày đêm có gần 2.000 tấn rác thải sinh hoạt được thải ra, trong đó một phần là rác thải nhựa. Việc thu gom lượng rác thải nhựa phát sinh mỗi ngày là rất khó khăn, vì hiện nay trên địa bàn thành phố chưa thực hiện phân loại rác từ đầu nguồn trên diện rộng. Rác thải nhựa thải ra môi trường rất khó phân hủy, sẽ gây ô nhiễm môi trường, cản trở sự phát triển của các loài thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Còn khi đốt, rác thải nhựa sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp công nghệ thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý phù hợp với Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên, phát triển đô thị sạch, đẹp và bền vững là yêu cầu cấp thiết.
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo và cụ thể hóa các hành động nhằm giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa. Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường cho phần lớn khu vực đô thị Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng (Công ty) luôn ý thức trong việc xử lý rác “chôn lấp hoặc đốt rác chỉ là giải pháp cuối cùng, việc thực hiện vòng tuần hoàn rác bao gồm tiết giảm, tái sử dụng, phân loại và tái chế mới là các giải pháp bền vững”.
Từ năm 2016, Công ty đã phối hợp với chuyên gia thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) triển khai chương trình tuyên truyền và thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tại Hải Phòng, Công ty là đơn vị đầu tiên thực hiện việc phân loại rác. Quá trình thực hiện, Công ty đã phân loại được rác hữu cơ để xử lý riêng biệt bằng phương pháp vi sinh, thu hồi mùn hữu cơ để cải tạo đất, tái tạo tài nguyên; phân loại rác cồng kềnh, kích thước lớn và phân loại rác thải nhựa nhằm giảm thiểu lượng nhựa, ni lông chôn lấp vào bãi rác.
Với chiến lược quản lý rác thải tuần hoàn đảm bảo “ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua” Công ty đã xây dựng kế hoạch quản lý dài hạn, triển khai từng giai đoạn nhằm tiết giảm tối đa lượng rác chôn lấp, tăng cường tái tạo tài nguyên. Cụ thể, Công ty đã kết hợp việc tuyên truyền với thực hiện việc phân loại rác hữu cơ tại các vùng hữu cơ cao, có khả năng tích cực phối hợp như chợ, nhà hàng, khách sạn, sau đó mở rộng số lượng đơn vị tham gia và khối lượng rác được phân loại. Việc tuyên truyền được thực hiện ngay với người lao động trong Công ty, rồi đến các khu chợ, nhà hàng, khách sạn và người dân. Bước đầu, việc tuyên truyền phân loại rác tại nguồn đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đạt kết quả tốt, tạo động lực cho Công ty tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Từ năm 2017 đến nay, Công ty tiếp tục triển khai và thực hiện triệt để việc phân loại rác cồng kềnh như: bàn ghế, giường tủ,rác kích thước lớn... mở rộng việc phân loại rác hữu cơ sang các khu vực dân cư cùng với tiêu chí “nơi nào hưởng ứng làm trước, nơi nào chưa hưởng ứng tiếp tục tuyên truyền”. Đồng thời, Công ty bắt đầu triển khai tuyên truyền và phân loại thêm rác nhựa, ni lông. Đến nay, lượng rác được phân loại tại nguồn, tại cơ sở xử lý có kết quả tốt, rác hữu cơ thu hồi được xử lý thành phân mùn vi sinh; rác nhựa, ni lông, kim loại, gỗ… được tái chế.
Trong quá trình thực hiện, Công ty liên tục hoàn thiện các chính sách như giao chỉ tiêu cụ thể về công tác phân loại cho từng đơn vị, xí nghiệp; xây dựng chế độ động viên, khen thưởng kịp thời đối với người lao động; khuyến khích đóng góp sáng kiến, sáng tạo; phân tích, so sánh số liệu qua từng giai đoạn. Công ty đã chủ động phối hợp phía Nhật Bản, một số cơ quan báo chí tổ chức các chương trình đào tạo cho người lao động và tuyên truyền cho người dân tại các khu phố, học sinh các trường học, các khu chợ, nhà hàng...
Công ty đã kết hợp cách làm thực tế giữa người công nhân môi trường với người dân dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, giúp hoạt động phân loại rác tại Hải Phòng ngày càng tốt hơn. Quá trình thực hiện, Công ty liên tục xây dựng các kế hoạch và mục tiêu cụ thể trong kỳ hạn, thực hiện tổng kết đánh giá, tiếp tục cải tiến kế hoạch và đặt mục tiêu cao hơn. Đến nay, các chợ, nhà hàng lớn ở khu vực nội thành đều đã được phân loại rác, các khu dân cư dần hình thành thói quen phân loại rác hữu cơ, vô cơ, rác nhựa. Rác thải đã phân loại được vận chuyển bằng phương tiện riêng biệt, sau đó xử lý và tái chế tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát.
Thời gian tới, Công ty tiếp tục nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện phân loại rác đầu nguồn, đặc biệt quan tâm đến vấn đề rác nhựa, túi ni lông; học tập với các đơn vị môi trường của Hiệp hội trong cả nước, tăng cường công tác hợp tác quốc tế; mở rộng công tác tuyên truyền, cải tiến phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Tuy nhiên, việc Công ty làm chỉ là giải pháp thực hiện ở một khu vực theo chức năng nhiệm vụ được giao, trong khi rác thải nhựa và vấn đề môi trường ô nhiễm cần sự chung tay hành động của các ngành, địa phương và toàn thể xã hội mới xử lý được triệt để.
Với mỗi người dân và gia đình, ngoài duy trì thói quen đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định thì việc phân loại rác tại nguồn là việc đơn giản có thể làm, trước khi mang rác ra nơi tập kết, góp phần bảo vệ môi trường. Việc phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích xã hội, kinh tế như rút ngắn được thời gian xử lý, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, tạo nguồn nguyên liệu và nâng cao hiệu quả trong việc xử lý rác.
Công ty mong muốn tiếp tục có những chính sách quản lý rác thải tổng thể từ chính phủ, chỉ đạo cụ thể của thành phố , công tác phối hợp tuyên truyền của các cơ quan ngôn luận, chính quyền địa phương, sự chung tay của người dân trong việc cùng nhau thay đổi nhận thức, thói quen phân loại rác, xả rác theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh cần chủ động hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần; cam kết tự phân loại rác thải nhựa hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng để phân loại rác thải. Các cơ quan, bệnh viện, trường học, UBND xã, phường... cần đi đầu trong việc tuyên truyền và thực hiện phân loại rác tại nguồn; hạn chế sử dụng và hướng đến loại bỏ túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế khác như túi sinh học tự phân hủy, các sản phẩm sử dụng nhiều lần.
Như vậy, vấn đề ngăn ngừa, xử lý rác thải, trong đó có rác thải nhựa mới được lan tỏa rộng rãi và được cộng đồng quan tâm, chung tay hành động, thực hiện một cách hiệu quả.