Các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 6
Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 10/11/2019
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 04 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Trước tình hình đó, chính quyền và nhân dân các tỉnh Nam Trung bộ không chủ quan, tập trung và chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư và tổ chức ứng trực để kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của bão, mưa lũ gây ra.
Quảng Ngãi: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho biết, tỉnh đã sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 6 và mưa lũ. Hiện đã liên lạc được 100% tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển. Các tàu đã vào neo trú tại các cảng.
Tỉnh đã xây dựng phương án ứng phó, tập trung đảm bảo an toàn và lên phương án di dời người dân vùng xung yếu, nguy cơ ảnh hưởng của bão và mưa lũ đến nơi an toàn.
Xác định 3 vùng trọng điểm ảnh hưởng cũa bão nên đã thành lập 2 Sở Chỉ huy tiền phương tại huyện Lý Sơn và huyện Đức Phổ. Dự kiến khi có tình huống khẩn cấp sẽ tổ chức di dời hơn 3.600 hộ, hơn 13.600 nhân khẩu tại các khu vực nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão như các huyện Lý Sơn, Đức Phổ và các xã ven biển.
Huy động lực lượng giúp dân chèn chống nhà cửa, đốn hạ cây cối để ứng phó với bão tại huyện Đức Phổ
Tùy theo tình hình mưa bão, địa phương triển khai phương án di dời hơn 8.100 hộ, hơn 28.600 nhân khẩu nằm trong các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nước ngập sâu và sạt lở đất sau bão. Huy động thêm lực lượng luôn sẵn sàng ứng cứu, tuyệt đối không để các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Dự kiến đến 14 giờ ngày 10/11, sẽ hoàn thành công tác di dời dân ở vùng nguy hiểm. Địa điểm di dời ưu tiên là xen ghép các nhà dân kiên cố, sau đó là trường học, trụ sở.
Bình Định: Những ngày qua, các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của tỉnh đã có mặt tại các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó bão số 6. Hiện có hơn 6.000 tàu thuyền ngư dân trong tỉnh đã vào nơi tránh trú an toàn.
Tỉnh đã cấm biển đồng thời chỉ đạo lực lượng Biên phòng, CA tỉnh, Cảng vụ Quy Nhơn và ban quản lý các cảng cá bố trí, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, không cho ngư dân ở lại trên tàu và các lồng bè.
Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã xác định và tổ chức di dời 5.000 hộ dân sinh sống ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, bị triều cường đến nơi an toàn trước 12 giờ ngày 10/11.
Bộ đội và nhân viên âu tàu Sinh Tồn giúp ngư dân cố định dây neo tàu cá.
Bên cạnh đó, hỗ trợ và hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, công trình. Riêng đối với trên 100 hộ dân sinh sống gần bờ kè biển dọc thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn sẽ di dời đến trụ sở thôn, nhà văn hóa và các hộ dân khác có nhà ở kiên cố. Các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, rà soát các công trình giao thông, thủy lợi, điện lưới, nước sạch; sửa chữa khắc phục tạm các điểm bị hư hỏng, triển khai phương án phòng chống bão lụt cho các công trình. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều túc trực 24/24 giờ và chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động khi có lệnh.
Phú Yên: Toàn tỉnh Phú Yên sẽ di dời hơn 10.000 hộ với hơn 36.000 người ở vùng xung yếu, trũng thấp, triều cường đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào Phú Yên.
Phú Yên hiện có 7 hồ thủy lợi lớn (trong đó có 3 hồ xả tràn có cửa van), tổng dung tích trữ các hồ hiện khoảng 50% dung tích thiết kế. Riêng hồ thủy điện Sông Hinh đạt 30% dung tích; thủy điện Sông Ba Hạ đạt 20% dung tích. Các hồ thủy điện cam kết thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa, trước khi xả lũ phải gọi điện thoại thông báo đến từng hộ dân trong vùng nguy hiểm.
Cùng với tình hình hồ đập, tại các vùng ven biển của tỉnh hiện có gần 3.000 ha nuôi trồng thủy sản, với trên 130.000 ô lồng bè nuôi các loại cá, tôm hùm. Hiện các lực lượng chức năng và người nuôi trồng đang khẩn trương chằng néo, kéo lồng bè xuống sát đáy biển để đảm bảo an toàn tài sản.
Người dân Phú Yên chằng chống nhà cửa trước khi bão số 6 đổ bộ. (Ảnh: ĐT)
Các địa phương cũng đã yêu cầu sơ tán 162 hộ dân đang nuôi 669 con bò trên các bãi bồi trong lòng sông Ba. Toàn tỉnh có khoảng 4.000 người ở khu vực nguy hiểm cần phải chủ động di dời hoặc cưỡng chế di dời trước 14h ngày 10/11. Nhằm chủ động ứng phó với bão số 6, chiều ngày 8/11,UBND tỉnh Phú Yên đã quyết định ban hành Lệnh cấm biển.
Chiều 9/11, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đi kiểm tra vùng nuôi trồng thủy sản TX.Sông Cầu. Đây là vùng mà tâm bão số 5 đã đổ bộ, gây thiệt hại hơn 100 tỉ đồng. Hiện TX.Sông Cầu có hơn 1.800 bè với 3.700 hộ nuôi trồng thủy sản. Người dân ở vùng này cũng đã cho hạ lồng tôm, chằng néo lồng, bè đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào.
Khánh Hòa: Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, đến 17 giờ ngày 9/11, toàn tỉnh đã di dời 76 hộ dân, với 210 nhân khẩu ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, như: khu vực Đèo Cả (huyện Vạn Ninh), khu vực Thủy Tú, Đất Lành (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) đến nơi an toàn.
Tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản đã vào nơi an toàn tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh
Qua rà soát, toàn tỉnh có 7.916 hộ dân, với 33.698 nhân khẩu sinh sống tại các khu vực xung yếu, nguy hiểm dự kiến phải sơ tán đến nơi an toàn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 174 điểm ngầm, cầu tràn nguy hiểm, các địa phương đã bố trí lực lượng để chốt chặn; các tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng; tỉnh lộ 9 cũng thường xuyên bị sạt lở khi có mưa lũ xảy ra.
Tại TP. Nha Trang, đến chiều 9/11, trong tổng số 1.071 tàu cá, hiện 1.028 tàu đang neo đậu tại bến an toàn, có 43 tàu/302 lao động đang hoạt động trên các vùng biển: Trường Sa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa; tổng số 464 tàu du lịch đã neo đậu, trú bão tại cảng Hòn Rớ an toàn. Về kiểm đếm lồng bè, có 218/5.142 ô lồng với 808 lao động. Hiện nay, toàn bộ số lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, bè dịch vụ đã nhận được thông báo thời điểm rời lồng bè vào nơi an toàn (trước 15 giờ ngày 10-11 cho đến khi hết bão).
Toàn thị xã Ninh Hòa có 985 tàu thuyền, chủ yếu là tàu dưới 20cv đánh bắt gần bờ. Thị xã đã yêu cầu toàn bộ tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch không dược ra khơi kể từ 12 giờ ngày 10-11. Đối với tàu đánh bắt xa bờ, thị xã hiện có 5 tàu, 40 thuyền viên đang đánh bắt trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Các tàu đã tìm nơi tránh trú an toàn.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Miền Trung, tính đến 7h sáng nay (9/11) các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa vẫn đang liên lạc với 225 tàu và 3.600 lao động còn hoạt động trong vùng nguy hiểm biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 6 để chủ động phòng tránh. Các địa phương như Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận đã ban hành lệnh cấm biển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân.
Ngoài phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho các điểm xung yếu, các địa phương từ Bình Định đến Khánh Hòa đã có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão số 6 di chuyển vào đất liền. Các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận đã có kế hoạch sơ tán hơn 24.500 hộ dân.