Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT về “ma trận” báo chí

Đời sống - Ngày đăng : 22:24, 08/11/2019

Có 43 đại biểu đặt câu hỏi, có 12 đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng ngày 8/11, trong đó có những câu hỏi về báo chí rất “nhức nhối” hiện nay.

“Ma trận” báo chí và những “vấn nạn nhức nhối”

Trong phần chất vấn của mình, ĐB Đặng Thị Phương Thảo - Nam Định chất vấn: Thời gian qua còn kéo dài tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, làm gia tăng một số lượng lớn phóng viên, cộng tác viên, gia tăng hiện tượng gây sách nhiễu đối với các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương, cùng nhiều biểu hiện tiêu cực khác. Mặc dù có thanh tra, kiểm tra nhưng tình trạng này vẫn chậm được khắc phục.

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT về “ma trận” báo chí

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân

Trong khi điều mà các tạp chí điện tử đang lúng túng và rất cần vai trò của Bộ, không phải chỉ là nhắc nhở, là chấn chỉnh, mà cần có được các định hướng, giải pháp mang tính đột phá để họ vừa nâng cao chất lượng nội dung, vừa hoạt động được đúng tôn chỉ và mục đích. Vậy làm thể nào để các tạp chí điện tử khắc phục được những bất cập nói trên là điều mà ĐB gửi đến vị Bộ trưởng.

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy - Bến Tre bày tỏ lo lắng khi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cử tri lo lắng với tình trạng chệch hướng thông tin từ “ma trận” của các báo, tạp chí, thậm chí có tình trạng các báo chính thống phản ứng chậm, thụ động, chạy theo giải quyết hậu quả từ các thông tin sai lệch, định hướng dư luận của các báo không chính thống.

Chưa hết,  nhiều cá nhân tự xưng đại diện các tạp chí, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các báo, tạp chí, kiên trì mời chào, đe dọa ngầm, thậm chí ép buộc đăng quảng cáo giới thiệu về cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. 

Nguyên nhân có phải do buông lỏng trong cấp phép, cấp thẻ thanh tra, kiểm tra hay không? Và những giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên như thế nào, ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết.

ĐB Đoàn Thị Hảo - Thái Nguyên nêu một thực tế là hiện nay: Một số cơ quan chủ quản báo chí, chủ yếu ở các cơ quan chủ quản là cơ quan xã hội nghề nghiệp, buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí. Thậm chí còn khoán thu, phó mặc cho các cơ quan báo chí tự bươn chải. Đó là một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, xu hướng "báo hóa" tạp chí.

Rồi tình trạng nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo gây sách nhiễu tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân.

Chung nỗi lo lắng, ĐB Y Nhàn - Kon Tum chất vấn và đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp phòng ngừa khi: “Môi trường truyền thông số có tác dụng to lớn trong quản lý và phát triển báo chí nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thương mại hóa hoạt động trong báo chí, xa rời tôn chỉ mục đích của tờ báo, vi phạm đạo đức người làm báo”.

Còn ĐB Nguyễn Hồng Vân - Phú Yên và nhiều ĐB khác cũng đề nghị chấn chỉnh việc này và cho biết những giải pháp quy hoạch báo chí để khắc phục tình trạng như đã nêu….

Sẽ “siết chặt” hoạt động báo chí

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Báo hóa” tạp chí điện tử là từ dân dã, thực ra đây là hoạt động sai Luật Báo chí. Hiện nay, việc quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích, vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, mà mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.

Thứ hai, trong Luật quy định cơ chế hoạt động của tạp chí khác báo chí ở chỗ tạp chí tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số các tạp chí xa rời tôn chỉ, mục đích này. Họ cũng tiến hành điều tra, phóng sự, đưa tin thời sự, chính trị,…Như vậy là đi vượt quá tôn chỉ, mục đích cũng như quy  định hiện hành về tạp chí. Bộ TT&TT cũng nắm được việc này và mới đây nhất, Bộ đã có một buổi họp với Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội Nhà báo bàn về vấn đề này và đưa ra giải pháp.

Giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra là làm rõ những quy định của pháp luật một cách thật rõ ràng, tường minh, thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ trong hoạt động của báo chí, tạp chí. Vấn đề này rất cần thiết vì hiện nay đang quy hoạch các cơ quan báo chí, khi quy hoạch lại sẽ cấp lại giấy phép và trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích, làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.

Hiện nay, có tình trạng là các báo giống nhau, nhiều báo, tạp chí cũng giống nhau, cùng đưa tin về một việc, một sự kiện. Đáng lẽ ra mỗi một tờ báo trong lĩnh vực của mình phải làm sâu về lĩnh vực của mình để tạo ra một không gian toàn cảnh cho đất nước Việt Nam. Đây là vấn đề liên quan đến tôn chỉ mục đích. Và giải pháp nữa là  phải xử lý nghiêm minh những cơ quan báo chí vi phạm.

Cuối cùng là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản trong quản lý cơ quan báo chí của ngành mình, vừa qua có một số nơi buông lỏng quản lý, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hùng thừa nhận việc ĐB phản ánh chuyện xa rời hoặc buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí là có thật, diễn ra ở các cơ quan báo chí của Hội. Việc “khoán trắng” cho cơ quan báo chí là có, thậm chí Bộ TT&TT còn nhận được cả những khiếu nại là cơ quan báo chí phải nộp tiền cho cơ quan chủ quản. Trong khi đó, Luật quy định là “cơ quan chủ quản phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí”, giống như nộp tô, việc này rất nhức nhối và sai luật một cách nghiêm trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc gây sách nhiễu doanh nghệp của một số nhà báo, phóng viên mà các ĐB phản ánh là có thật, gây nhiều bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2019, Bộ đã phải xử lý các vi phạm hành chính 4 trường hợp liên quan phản ánh nội dung này bằng các hình thức đình bản…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không  biết đến quyền của mình đối với báo chí. Nên mới có tình trạng nhìn thấy báo chí không tiếp, hoặc thấy báo chí là sợ. Theo quy định, báo chí khi đến làm việc với cơ quan, tổ chức, thì phải có giấy giới thiệu, thẻ nhà báo hay không và đặc biệt hoạt động có đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo hay không?... doanh nghiệp cần phải kiểm tra. Bộ TT&TT đã đưa lên mạng cơ sở dữ liệu về nhà báo, về cơ quan báo nên các doanh nghiệp có thể tra cứu có đúng người thật, việc thật hay không?- Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải làm ăn tử tế, đàng hoàng để  không gặp phải những sự cố phải thỏa hiệp- nảy sinh những tiêu cực trong đội ngũ làm báo….

Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị với vai trò là cơ quan quản lý báo chí, Bộ TT&TT cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức, người làm báo. Đồng thời kiểm tra, giám sát, rà soát chặt chẽ các điều kiện cấp phép trong lĩnh vực báo chí và xử lý nghiêm các phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật vi phạm đạo đức nghề nghiệp; Thiết lập và triển khai đường dây nóng phản ánh thông tin về báo chí, chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận,  có giải pháp để hỗ trợ hình thành nền tảng truyền thông xã hội trong nước phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền.

 Tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Báo chí  kế hoạch sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, bảo đảm phát huy yêu cầu mục đích đề ra,  quản lý chặt chẽ hoạt động của các tạp chí điện tử đúng quy định của pháp luật, phân định rõ tính chất chuyên ngành định kỳ của tạp chí không để xảy ra việc báo hoá tạp chí, rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết của các cơ quan báo chí, sớm tổng kết để quy định cụ thể hướng dẫn về liên kết,  về xã hội hoá các chương trình trên phương tiện báo chí trong năm 2020.

Đặc biệt, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của Tổng biên tập trong việc quản lý phóng viên và nội dung thông tin,  bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của báo chí, nhất là bảo đảm tính chính xác của thông tin.  Tăng cường bồi dưỡng kiến thức kỹ năng đạo đức, người làm báo  công việc quản lý phóng viên và nội dung thông tin,  bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của báo chí, nhất là bảo đảm tính chính xác của thông tin, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


 

Mai Thoa