Mơ phù hoa, sơn nữ suýt “vùi thân” nơi đất khách
Đời sống - Ngày đăng : 06:17, 24/10/2019
Ngã rẽ sai lầm
15 tuổi, P rời bản xuống thị trấn Kim Sơn (Quế Phong, Nghệ An) học cắt tóc, gội đầu, trang điểm cô dâu. Tuy gọi là học việc, nhưng suốt những tháng đầu, P được chủ quán ngoài nuôi ăn ở còn trả cho từ 1-1,5 triệu đồng tiền công. Số tiền đó tuy không phải là lớn, song cũng đủ cho P tiêu vặt và thỉnh thoảng gửi về đỡ đần cho mẹ ít nhiều.
Vừa học vừa làm được chừng 6 tháng, P bắt đầu có nhiều khách quen. Trong những người khách đó, P có cảm tình với Lò Văn Tếnh. Và cũng chỉ vài lần gặp gỡ sau đó, P hoàn toàn bị vẻ bề ngoài và tài ăn nói của Tếnh chinh phục. Đến ngay cả khi đã “trao thân gửi phận” cho Tếnh, P cũng chỉ biết mỗi cái tên và số điện thoại của người yêu.
Biết hoàn cảnh của P, Tếnh tỏ ra thông cảm và hứa rằng sẽ tìm cho cô một công việc tốt, có thu nhập cao để giúp đỡ gia đình. P tin Tếnh như tin lời thầy cúng. Vào khoảng giữa tháng 4/2014, Tếnh quay lại tìm P và nói dối rằng có người thân cần thuê 2 nhân viên bán quần áo dưới thành phố Vinh, lương 4-5 triệu đồng một tháng, ăn ở tại cửa hàng.
Nghe Tếnh nói vậy, P mừng lắm. Cô định hỏi ý kiến bố mẹ nhưng Tếnh gạt đi: “Bố mẹ sẽ nhớ em mà không cho đi đâu. Em cứ đi làm vài tháng rồi gửi tiền về, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi!”. P nghĩ thấy cũng đúng, sáng sau cô ôm quần áo ra chỗ hẹn gặp Tếnh. Khi ra đến bến xe, Tếnh bảo P: “Sắp tới em đi làm, bọn mình sẽ ít được gặp nhau, vì chưa chắc chủ cửa hàng đã cho nghỉ. Hay là bọn mình đi ra Hà Nội chơi vài ngày rồi quay về làm cũng được? Nhân tiện xem Hà Nội có cái gì hay hay thì anh sẽ mua cho em”. P đồng ý. Sau đó, Tếnh và P bắt xe ra Hà Nội.
Bản thân P không biết chữ, vốn tiếng phổ thông ít ỏi, cô như người bị bịt mắt đưa đi, Tếnh bảo gì thì biết đấy. Sau khi ra đến Hà Nội, Tếnh đưa P vào một vài cửa hàng xem và thử quần áo. Viện cớ là ở đây giá quá cao, Tếnh lại rủ P lên TP. Lào Cai mua cho rẻ, “vì ở đó là mua tận gốc”. P gật đầu. Cả hai liền ra bến xe Mỹ Đình bắt xe đi Lào Cai. Trên đường đi, Tếnh vài lần gọi điện thoại. P hỏi thì Tếnh nói gọi người quen, nhờ ra đón và dẫn về nhà họ chơi.
Khoảng 4 giờ sáng đến TP. Lào Cai, Tếnh và P xuống xe thì đã người đàn ông đi xe máy đợi sẵn. P trèo lên xe và không hề mảy may biết rằng mình đang rơi vào cái bẫy của bọn buôn người đã giăng ra. Đến khi trời sáng hẳn thì cả ba người dừng lại tại một căn nhà nhỏ, chủ nhà cũng là một người đàn bà Mông. Bà ta đon đả mời P một ly nước ngọt. Uống xong ly nước ấy, P thấy cơn buồn ngủ ập đến, cô nhắm mắt thiếp đi. Khi tỉnh dậy, P thấy mình bị nhốt cùng 3 cô gái khác. Đến lúc bấy giờ, P mới biết mình đã bị Tếnh lừa bán vào động mại dâm. Chủ quán là một người đàn bà Trung Quốc, chừng 40-45 tuổi, tên là Thậm. Từ đó, P bắt đầu tháng ngày ê chề, tủi nhục nơi đất khách.
Chuỗi ngày tủi nhục
Mỗi buổi sáng, Thậm thường cho P và các cô gái khác ăn sáng rồi chở “đi làm”. Chỗ làm là một “tổ hợp” kinh doanh nhà nghỉ - mại dâm, cách nhà trọ chừng vài cây số. Ở đó, lúc nào cũng túc trực từ 20 – 25 “đào”, các cô phải uốn éo, phô diễn cơ thể để tranh giành nhau khách. Trung bình, mỗi lần “vui vẻ”, khách phải trả từ 80 đến 100 nhân dân tệ, số tiền này Thậm cầm hết, gọi là “thu hồi vốn”.
Ngày nào cũng vậy, Thậm đều bắt các tiếp viên “hoạt động hết công suất”, từ sáng đến chiều, rồi từ chiều đến đêm khuya. Do có chút nhan sắc, lại là thiếu nữ người miền núi, sức khỏe dẻo dai nên gần như P lúc nào cũng đông khách nhất. Trung bình mỗi ngày cô phải tiếp từ 10-12 lượt khách, có ngày cao điểm lên đến hai chục lượt.
“Những ngày đầu, em không chịu tiếp khách. Chúng lột áo quần em ra, trói tay chân lại, dán băng kính vào miệng rồi đánh. Thế nhưng, đánh em cũng không sợ bằng việc phải tiếp khách. Phần lớn khách làng chơi đều như thú dữ. Có đêm em bị ép tiếp tới 9-10 tên. Sáng ra, toàn thân rã rời, chân đi không vững. Sợ nhất là gặp phải khách say rượu hoặc mắc chứng nghiện tình dục. Chỉ sau khi chúng ra về, em mới chắc rằng mình còn sống”, P kể.
Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, P suýt chút nữa phải “vùi thân” nơi đất khách
Không chỉ P, mà tất cả các “đào” trong “động” của Thậm đều sợ nhất những ngày cuối tháng, bởi khi đó, đám công nhân của nông trường gần đó được nhận lương. Có tiền, họ thường rủ nhau đi uống rượu và đến quán tìm “đào” giải khuây. Có tốp đi đến mười mấy gã, toàn vai u thịt bắp, người ngợm hôi rình, hơi thở nồng nặc mùi men. Từ sáng cho đến tối, rồi từ tối cho đến khuya, P và những “đồng nghiệp” của mình phải “làm việc” cật lực, gần như chỉ được nghỉ ngơi một hai tiếng để ăn và uống. Có cô không chịu nổi, ngất ngay bên người khách.
Trong khi khách với các “đào” của mình “hành sự”, Thậm cùng đám đàn em ở ngoài làm nhiệm vụ cảnh giới. Chỉ cần “đào” nào chểnh mảng hay bị phát hiện có ý định bỏ trốn, họ sẽ bị Thậm cùng đám đệ tử tra tấn bằng đủ những hình thức tàn độc và dã man nhất như: dùng dao rạch vào “vùng kín” hoặc bị ép… uống thuốc vô sinh. Đánh chán, chúng nhốt các cô vào hầm và bỏ đói nhiều ngày.
Nếu cô nào vẫn tiếp tục có thái độ chống đối, chúng đem bán lại cho những ông chủ khác trong khu “chợ thịt người”, hoặc gả cho những người đàn ông ở sâu trong nội địa. Ở “chợ”, các cô còn bị đối xử tàn ác hơn rất nhiều lần và phải tiếp khách không ngơi nghỉ. Cũng vì không chịu nổi “cường độ lao động” ở “chợ thịt người”, có cô gái đã từng nhảy từ lầu tự tử.
“Bọn em được bố trí ở tập trung nhưng không được nói chuyện, trao đổi với nhau bởi luôn luôn có hai người đàn ông to cao, mặt dữ tợn kèm sát. Nếu ai có ý định bỏ trốn hay từ chối đi khách, ngay lập tức sẽ được nhận những trận đòn thừa sống thiếu chết của 2 người này”, P kể.
May mắn trở về
Suốt gần 2 năm đằng đẵng như thế, P đã nghĩ đến viễn cảnh sẽ không bao giờ được gặp lại bố mẹ, người thân, không bao giờ trở về quê được nữa. Thế nhưng, P chưa bao giờ buông bỏ ý định phải bỏ trốn cho bằng được. Vào khoảng giữa tháng 3/2016, lợi dụng lúc Thậm đi vắng và bọn đàn em ăn uống, nhậu nhẹt, P đã liều mình nhảy qua tường lúc đi vệ sinh rồi chạy.
Một góc Nậm Giải, quê P
Suốt cả ngày hôm đó, cô chỉ biết chạy và chạy, không cần biết mình đang đi về đâu, miễn càng xa bọn buôn người càng tốt. Trên đường chạy trốn, P gặp một số người dân địa phương tốt bụng, họ cho ăn, uống và chỉ đường đi về Việt Nam.
Đã gần 3 năm kể từ ngày trốn thoát, đến giờ, tuy đã có chồng, có con và được một xưởng mây tre đan nhận vào làm việc để ổn định cuộc sống nhưng mỗi khi nghĩ lại chuỗi ngày sống kiếp nô lệ tình dục nơi xứ người, P vẫn còn hoảng loạn. P bảo, suốt nhiều đêm liền sau khi trốn thoát, cô không tài nào chợp mắt được bởi những hình ảnh, ký ức hãi hùng vẫn lởn vởn đeo bám trong đầu.
Câu chuyện của Lô Thị P cũng phản ánh một thực trạng đã và đang tồn tại một số xa, huyện ở vùng cao biên giới Việt Nam, đó là tình trạng lừa bán phụ nữ và trẻ em qua phía bên kia biên giới. Trong mấy năm gần đây, hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tập trung ở địa bàn các tuyến biên giới đường bộ, đặc biệt phức tạp tại các tỉnh biên giới. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ quá lứa lỡ thì, văn hoá thấp… mà học sinh, sinh viên, trẻ em nam, con em gia đình khá giả cũng bị lừa bán.
Ngày “thoát ly” quê hương, các nạn nhân của lũ buôn bán người đều ngập tràn hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng đến khi bị bán đi và lưu lạc nơi xứ người, ước mơ cũng chính là mục đích sống duy nhất của họ là có thể trở về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Hành trình trốn chạy khỏi “động quỷ” của chị em đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí phải trả giá bằng máu.