Người dân sống "vật vờ" trong lòng di tích Lam Kinh
Đời sống - Ngày đăng : 08:43, 10/10/2019
Lại một mùa mưa nữa ập đến, 31 hộ dân tại thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) sống trong nhà mà chẳng khác màn trời chiếu đất. Ngôi nhà xuống cấp, dột tứ phía khiến họ chẳng dám trú ngụ vì sợ sập xuống bất cứ lúc nào.
Suốt 17 năm qua họ quay quắt trong nơi ở chỉ lợp mái tôn, proximăng đã xuống cấp nghiêm trọng, xập xệ, ẩm thấp… Dù có dư dả tiền thì người dân cũng không được sửa chữa, cải tạo, xây mới vì nằm trọn trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Những ngôi nhà chờ sập ở thôn Phúc Lâm (Thọ Xuân)
Lách qua con ngõ hẹp nhếch nhác, hôi hám vào trong phòng khách thiếu ánh sáng của ngôi nhà mái bằng đã khá sập xệ, ông Nguyễn Đình Tớn trú tại thôn Phúc Lâm bức xúc: “Khi biết chủ trương di rời ra khu ở mới, chúng tôi vô cùng phấn khởi, sẵn sàng ra đi để trả lại vẻ tôn nghiêm của khu di tích. Nhưng suốt 17 năm qua, người dân bị chính quyền “bỏ quên” mặc dù cuộc họp nào chúng tôi cũng kêu nhưng chẳng thấu. Cán bộ huyện, tỉnh về kiểm tra, ghi nhận ý kiến rồi đâu lại vào đó, dân vẫn phải sống mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng".
Được biết, khoảng cuối năm 1998, mỗi hộ dân được xã Xuân Lam cho thuê hơn 100m2, bám vào mặt Quốc lộ 15A và một bên là chợ Cham, ngay sau lưng lăng mộ vua Lê. Người dân dựng căn nhà tạm vừa lấy chỗ nương thân vừa mưu sinh. Lúc này, di tích Lam Kinh còn chưa được nhà nước quan tâm, trùng tu, nên những người như ông Tớn chưa thể hình dung ra hết cái viễn cảnh bế tắc như hiện tại.
Bà Đỗ Thị Minh đang cố chằng chống ngôi nhà đã sập một phần
Đến khoảng đầu những năm 2000, chính quyền địa phương đã bán đứt toàn bộ diện tích đất mà các hộ đã thuê trước đó. Người dân xác định ở lâu dài nên đầu tư, xây dựng nhà kiên cố. Thật trớ trêu khi vừa an cư mà chưa kịp lạc nghiệp, Di tích Lam Kinh được quy hoạch, mở rộng bao trùm lên toàn bộ các hộ dân.
Tháng 6/2002, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Theo đó, diện tích khu di tích được mở rộng từ 141 ha lên 200 ha (mở rộng thêm 59 ha so với trước). Để thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di chuyển 1 khu chợ và 31 hộ dân sống ở khu vực phía đông khu di tích (thuộc thôn Phúc Lâm) ra khỏi vùng quy hoạch.
Ông Tớn mong ngóng nhà nước sớm di dời ra nơi ở mới để con cháu ổn định cuộc sống
Đến năm 2004, UBND huyện Thọ Xuân cùng các ngành đã kiểm kê tài sản, áp giá đền bù, đồng thời xây dựng mặt bằng tái định cư cách đó khoảng 700m để di chuyển các hộ dân, nhường đất cho khu di tích. Trong quá trình thực hiện kiểm kê, áp giá, ông Tớn cũng như người dân tại đây đều hoàn toàn ủng hộ dự án và luôn trong tâm thế chuẩn bị di dời. Thế nhưng suốt 17 năm đã trôi qua, việc di dời đến nơi ở mới vẫn chỉ nằm trên giấy và cuộc sống của 31 hộ dân thì ngày càng lâm vào khó khăn, bi đát.
Bà Đỗ Thị Minh (62 tuổi) chỉ tay về phía ngôi nhà sập xệ của gia đình nói như mếu: “Chúng tôi nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói trên tivi là không ai phải bỏ lại phía sau. Vậy mà hơn 30 hộ dân Phúc Lâm đã bị lãng quên 17 năm trời. Gia đình tôi ở từ năm 1989 đến nay, có 3 khẩu, căn nhà ngày trước gia đình ở chính giờ đã sập, không thể ở được, cả nhà phải ở chui rúc trong gian quán chật trội, sinh hoạt vô cùng khổ sở”.
Còn bà Lê Thị Thoa xót xa: “Căn nhà là nơi trú nắng mưa, nhưng mỗi lần mưa xuống cả gia đình phải lấy áo mưa mặc trong nhà, chỗ nào cũng dột mặc dù đã sửa đến lần thứ 3. Nguyện vọng của chúng tôi muốn biết là dự án có thực hiện nữa hay không. Bao giờ thì di dời chúng tôi ra khu mới, chứ cứ ở thế này thì khổ quá”.
Không thể chịu đựng thêm được, 1 số gia đình có điều kiện đã tự đi nơi khác ở, số còn lại khó khăn đành chấp nhận ở đợ trong chính ngôi nhà mình. Họ không được xây dựng nhà mới, không được chuyển nhượng đất đai. Nhà bị sập cũng không dám sửa chữa, vì không biết khi nào phải di chuyển. Con cái khôn lớn, lập gia đình cần chỗ ở, cần tách hộ… nhưng cũng phải sống lay lắt chờ đợi.
Phó Ban quản lý khu Di tích Lam Kinh Lê Đình Sĩ cho biết: “Chưa thể di chuyển các hộ dân tại Phúc Lâm khiến đơn vị không thể mở rộng không gian như kế hoạch đã hoạch định trước đó. Ban Quản lý không có sân để tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian, cũng như các khu dịch vụ để thu hút du khách. Việc hàng trăm nhân khẩu đang sống chung với di tích đã phần nào tạo ra sự nhếch nhác, mất mĩ quan cho sự tôn nghiêm vốn phải có của các khu Thái miếu. Đồng thời, vấn đề này còn gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị tiềm năng của cả khu di tích”.
Theo tìm hiểu của PV, UBND huyện Thọ Xuân đã nhiều lần có công văn đề nghị cấp trên khẩn trương bố trí nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện đền bù, di dời 31 hộ dân ra khu ở mới. Thế nhưng đến nay kinh phí chưa được rót về khiến người dân “mắc cạn” trong lòng di tích. Sự chờ đợi của những người dân nơi đây chưa biết đến bao giờ?