Vĩnh Phúc: Những “quả ngọt” sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
Đời sống - Ngày đăng : 13:00, 30/09/2019
Vĩnh Phúc bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp. Trong tổng số 112 xã, bình quân mới đạt 6,7 tiêu chí/xã; cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới hầu như chưa có, nhiều địa phương trong giai đoạn đầu triển khai còn lúng túng. Nhưng sau 10 năm tích cực triển khai thực hiện, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Với nguồn vốn huy động hơn 12.800 tỷ đồng, tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp hơn 528 km đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 724 km đường trục thôn, ngõ xóm, 716 km đường trục chính nội đồng; 100% kênh loại I, II và 97% kênh loại III được kiên cố hóa, trên 300 công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập được đầu tư cải tạo, nâng; xây mới thêm 1.096 phòng học kiên cố.
Đến hết tháng 9/2019, có 98,2% Trung tâm văn hóa xã và 99,2% nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,11%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/người/năm; 89,3% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đến nay, toàn tỉnh có 109/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2019 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc; chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như những cách làm hay của địa phương trong tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của chương trình nông thôn mới
Đồng thời, thống nhất cao với các mục tiêu, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Phấn đấu đến năm 2020, có 9/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 26 thôn dân cư đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu. Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Khẳng định sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đó mới chỉ là bước đầu, nhất là khi có một số nội dung mới chạm ngưỡng, rất dễ rơi chuẩn nếu không được tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo, tập trung thực hiện quyết liệt.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn tới, các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chung sức, đồng lòng, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, chung tay góp sức, tiếp tục tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, ôngNguyễn Văn Trì trao Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh cho tập thể có thành tích xuất sắc.
Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện các nội dung, yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định, hướng dẫn để cấp cơ sở dễ thực hiện và những cơ chế, chính sách thực hiện xây dựng nông thôn mới đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Song song với huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và thế giới. Quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng; chú trọng nâng cao các nội dung về văn hóa, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự khu vực nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Trì đề nghị ngay sau hội nghị, các cấp, ngành, đoàn thể cần xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện chương trình, tùy điều kiện có thể áp dụng những kinh nghiệm, cách làm hay của các để phương để thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã được đề ra trong giai đoạn tới.
Tại buổi tổng kết, có 5 tập thể được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; 47 tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh.