Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em
Đời sống - Ngày đăng : 12:06, 25/09/2019
Tham gia đoàn giám sát có đại diện các Ủy ban của Quốc hội gồm: Tư pháp; Các vấn đề xã hội; Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Khoa học, Công nghệ và Môi trường; lãnh đạo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và một số bộ, ngành liên quan.
Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với UBND huyện Lục Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
Là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Nam có số lượng trẻ em khá cao với gần 60.000 trẻ, chiếm hơn 25% dân số; có 39 em đang độ tuổi đi học nhưng không được đến trường; không có trường hợp nào phải tham gia lao động trái pháp luật; 701 trẻ có cha, mẹ ly hôn; 323 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Toàn huyện có 11 trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác nhau, trong đó 1 trường hợp bị bạo lực, 9 trường hợp bị xâm hại tình dục, 1 trường hợp bị cưỡng đoạt tài sản.
Cũng tại đây, đại diện Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân huyện thông tin thêm tình hình tội XHTE, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục diễn ra ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại thường có mối quan hệ quen biết ở cùng địa phương hoặc thông qua mạng xã hội. Nạn nhân mà các đối tượng hướng đến thường là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Nguyên nhân do sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, một bộ phận giới trẻ có lối sống buông thả... Bên cạnh đó, nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa ảnh hưởng để việc chăm sóc con cái, nguy cơ bị xâm hại.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một trong những giải pháp cơ bản để phòng ngừa đó là đẩy mạnh, đổi mới hình thức tuyên truyền
Các thành viên đoàn giám sát cho rằng, so với nhiều địa phương khác trên cả nước, số vụ việc về xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Lục Nam không phải là cao. Tuy nhiên trong đa số các vụ việc phát hiện và xử lý đều cho thấy nhận thức pháp luật của cả đối tượng xâm hại và trẻ bị xâm hại đều rất hạn chế. Từ đó, các thành viên đoàn giám sát đặt vấn đề về công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật tại địa bàn, đặc biệt là vùng nôn thôn, miền núi.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Uông Chu Lưu ghi nhận sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống XHTE. Tuy vậy, đồng chí lưu ý số liệu theo báo cáo chỉ là phần nổi, địa phương không được chủ quan trong công tác đấu tranh phòng ngừa, rà soát thật kỹ ở cơ sở để phản ánh chính xác thực trạng. Nghiên cứu các văn bản pháp luật và tình hình thực tế để đề ra các giải pháp ngăn ngừa hiệu quả; bố trí ngân sách và các nguồn kinh phí khác cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một trong những giải pháp cơ bản để phòng ngừa đó là đẩy mạnh, đổi mới hình thức tuyên truyền, không đi theo phong trào mà cần thực chất, hướng đến những trường hợp có nguy cơ XHTE; xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em. Đặc biệt, huy động tối đa sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể trong công tác phòng, chống XHTE, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em.