Cần chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa

Đời sống - Ngày đăng : 13:20, 19/08/2019

Rác thải nhựa đang hiện hữu khắp nơi, gia tăng hàng năm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người và là chủ đề nóng tại nhiều diễn đàn, hội nghị gần đây.

Hiện nay, các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon mang lại nhiều thuận lợi trong sinh hoạt, nên việc sản xuất và nhu cầu sử dụng những sản phẩm này rất lớn. Vì vậy, việc sản xuất, cung cấp và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Tại các địa điểm du lịch, chợ, nơi có dịch vụ ăn uống… thường phát sinh lượng lớn rác thải nhựa như chai lọ, ống hút, túi nilon, màng bọc, hộp đựng thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Theo tổ chức Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm, Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho 13 triệu tấn rác thải nhựa thải ra đại dương mỗi năm. Ước tính, mỗi người dân tiêu thu, sử sụng 30-40kg nhựa mỗi năm. Hàng năm, ở một số thành phố lớn của Việt Nam, nơi có dân số đông, công nghiệp và du lịch phát triển, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường rất lớn, trong đó có thành phố Hải Phòng.

Cần chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa

Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng phân loại rác thải nhựa để xử lý, bảo đảm tối ưu và hiệu quả

Tuy nhiên, mỗi sản phẩm nhựa phải cần từ 20 đến 1000 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Điều đáng nói, trong khi chờ nhựa phân hủy, với thực trạng rác thải nhựa bị vứt bỏ tràn lan, khó kiểm soát như hiện nay thì cộng đồng và những thể hệ mai sau vẫn hàng ngày phải sống chung với rác thải nhựa, hứng chịu những tác hại từ môi trường bị ô nhiễm.

Theo các nhà nghiên cứu và quản lý về môi trường, sản phẩm nhựa làm vật dụng hàng ngày, từ chai nước đến bao bì sẽ sản sinh ra khí metan, etylen… gây hiệu ứng nhà kính khi phân hủy trong tự nhiên. Đây là thủ phạm làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây ra hiện tượng trái đất ấm lên và mực nước biển dâng cao, đe dọa đến nhiều cộng đồng sinh sống ven biển.

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng do khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường đất và nước, cản trở sự phát triển của loài thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Còn khi đốt, chất thải nhựa sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Đây chính là gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Như vậy, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối, có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của từng vùng, địa phương. Việc ngăn chặn rác thải nhựa, giải quyết ô nhiễm từ đó đang là chủ đề nóng tại nhiều diễn đàn, hội nghị gần đây và trở thành vấn đề vô cùng cấp bách.

Để giảm thiểu rác thải nhựa, cơ quan quản lý cần có các quy định chặt chẽ về việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần và có giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tối đa các sản phẩm này. Đồng thời, đẩy mạnh chính sách khuyến khích hỗ trợ sản phẩm tự tiêu hủy, thân thiện với môi trường. Không chỉ có các ngành chức năng vào cuộc mà toàn thể xã hội phải chung tay hành động vì một môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững.

Vũ Ba - Lê Khang