Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”
Đời sống - Ngày đăng : 08:42, 24/07/2019
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan rộng
Hơn 7 thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sỹ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận… Hàng năm, ngân sách nhà nước chi trên 30.000 tỷ đồng tiền chính sách ưu đãi dành cho người có công.
Cùng với đó, hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện. Nhờ đó, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đã từng bước hoàn thiện; chế độ đãi ngộ từng bước được mở rộng, mức thụ hưởng ưu đãi được điều chỉnh hợp lý…
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang Đường 9
Bên cạnh các chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” được phát triển rộng khắp trong cả nước. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của xã hội.
Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Đời sống của người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều thương, bệnh binh có ý chí vươn lên, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật cũng như về những tấm gương người có công với cách mạng tiêu biểu trong các chương trình, chuyên mục như: “Đi tìm đồng đội”, “Trở về từ ký ức”; “Giải đáp chính sách”, “Thông tin liệt sĩ”; “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thông tin về mộ liệt sĩ”... Thông qua các chương trình này, phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” tiếp tục được duy trì, phát huy, có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, đặc biệt là ở những địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh như Điện Biên, Quảng Trị...
Nghĩa cử trên “vùng đất lửa”
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị nổi tiếng là “vùng đất lửa”. Mỗi mét vuông đất, mỗi con người ở đây phải gánh hàng tấn bom đạn. Hiện tính trên toàn tỉnh có tới hơn 140.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, gồm: 20.055 liệt sỹ, 15.191 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.693 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 3.000 bệnh binh, 52.057 người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần, 14.349 người có công giúp đỡ cách mạng…
Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song Quảng Trị cũng đã làm tốt công tác chăm sóc gia đình chính sách, thương, bệnh binh và người có công; chăm lo chu đáo nơi an nghỉ của các liệt sĩ, quan tâm đến vấn đề nhà ở cho các đối tượng có công....
Chỉ tính trong vòng 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã xây mới 45 nhà tình nghĩa, sửa chữa 10 nhà ở cho người có công với kinh phí 2,8 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp nhận và giải quyết 2.423 hồ sơ các loại liên quan đến chính sách người có công. Đến nay, 99% người có công có mức sống bằng và cao hơn đời sống người dân nơi cư trú. Đặc biệt là công tác xã hội hóa chăm sóc người có công, riêng 46 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến hết đời với mức 2,5 triệu đồng/tháng.
Song song với việc thực hiện các chính sách ưu đãi, tỉnh cũng thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với đất nước qua các hoạt động ý nghĩa như: nhận đỡ đầu; hỗ trợ đào tạo nghề; giải quyết việc làm...
Thời gian qua, hàng ngàn gia đình chính sách neo đơn, hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo ở Quảng Trị được hưởng chế độ chính sách ưu đãi trong phát triển kinh tế. Sau khi sản xuất, kinh doanh thành công, thu lại lợi nhuận, các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ đó, tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Để mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chăm sóc, phụng dưỡng, giúp đỡ người có công với cách mạng, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chính sách hậu phương quân đội một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt công tác giáo dục thanh thiếu niên được quan tâm, chú trọng, tạo cho thế hệ trẻ hiểu về truyền thống yêu nước của dân tộc, từ đó thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân
Còn ở Điện Biên, chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm xưa, chính quyền cũng như mỗi người dân đều thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu”… “Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”... Những năm qua, các ban, ngành đoàn thể ở Điện Biên đã luôn nỗ lực, quyết tâm, nhằm chăm lo tốt hơn đời sống cho các gia đình chính sách và người có công trong toàn tỉnh.
Bên cạnh thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng theo quy định của nhà nước, tỉnh Điện Biên còn ban hành những chính sách ưu đãi riêng, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ, ưu đãi cho các đối tượng người có công với cách mạng, như: Hỗ trợ học tập cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, hỗ trợ người có công đi điều dưỡng hàng năm; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, xây mới, sửa chữa nhà bia ghi tên liệt sĩ… Đến nay, cơ bản các hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh đều có mức sống từ trung bình trở lên.
Chăm sóc sức khỏe cho người có công
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, áo lụa tặng quà, áo gấm tặng mẹ liệt sĩ, Bà mẹ Việt nam anh hùng, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực nẩy nở từ thôn, bản, làng, xã, đường phố. Phong trào đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư góp phần ồn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó 3 nghĩa trang quốc gia với 6.646 ngôi mộ liệt sỹ; 5 đài tưởng niệm; 23 nhà bia ghi tên liệt sỹ, tất cả đều được thường xuyên nâng cấp, tu sửa, dọn vệ sinh trở thành các công trình văn hóa lịch sử. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2007 đến nay đã tổ chức 27 đợt, đón nhận 280 hài cốt liệt sỹ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên nước bạn Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên...
Những việc làm thiết thực, cụ thể và ý nghĩa đó cộng với những kết quả trong công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã góp phần tăng thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa - xã hội, tạo động lực phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta” và “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc”. Các chương trình, phong trào đền ơn đáp nghĩa ở Quảng Trị, Điện Biên nói riêng và khắp 63 tỉnh thành nói chung, đã và đang trở thành một hoạt động mang tính xã hội hóa cao. Nhiều chương trình, phong trào được thực hiện thường xuyên, tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa lớn. Đây cũng là nguồn động viên để những người có công với cách mạng tiếp tục sống, cống hiến cho đất nước và mãi là niềm tự hào của người dân cả nước.