Cần hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chính trị - Ngày đăng : 09:23, 23/11/2016
Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (Luật DNVVN), đa số các ĐB đều đồng tình với quan điểm này.
Tạo 33% nguồn thu ngân sách
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của dự án luật này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyên Chí Dũng cho rằng, tại Báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XII cũng đã khẳng định việc cần thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Qua thảo luận, các ĐB đánh giá, thời gian qua, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 97% tổng số DN cả nước đã có đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế xã hội với khoảng 50% GDP, 33% thu ngân sách Nhà nước, tạo ra 62% việc làm cho người lao động. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển có ý nghĩa rất quan trọng.
Mục tiêu của chúng ta đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, hằng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Do vậy, cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh, cũng cần quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để có thể tăng mạnh số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, hoạt động kinh doanh hiệu quả.
ĐBQH Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) phát biểu
Theo ĐBQH Đỗ Văn Bình (Hải Phòng), để việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả, cần phải nghiên cứu phân tích kỹ những đặc thù, khó khăn, vướng mắc, những vấn đề doanh nghiệp cần để xây dựng các nội dung hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Hiện nay, đối với DNVVN, những vấn đề như khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do thiếu tài sản đảm bảo, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới còn thấp... là những vấn đề cần được tập trung quan tâm, luật hóa những nội dung, giải pháp đạt hiệu quả.
Đề cập đến một góc độ khác trong hỗ trợ DN, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, vấn đề rất được cộng đồng DN quan tâm đó là biện pháp bảo vệ DNNVV khỏi những hậu quả do tổ chức thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo. Đây là vấn đề được nhấn mạnh trong Nghị quyết 35 của Chính phủ nhưng chưa được đề cập đến trong dự thảo luật này. Nếu vào trang kiến nghị của VCCI thấy rằng đây là một trong những kiến nghị được đề cập đến nhiều nhất của các DN và Hiệp hội DNNVV các tỉnh và cũng là vấn đề ít được phản hồi nhất.
ĐB Hiền nhấn mạnh, chúng ta không phủ nhận sự cần thiết của các hoạt động này nhưng bản chất các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là cắt ngang hoạt động bình thường của DN, ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức sản xuất kinh doanh cũng như uy tín, hình ảnh của DN, có thể dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi, đình trệ sản xuất. Vì vậy đề nghị cần luật hóa những giải pháp đã được ghi nhận trong Nghị quyết 35 như: Về tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra; lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.. Phải coi đây như một chính sách hỗ trợ, bảo vệ DN và phải được quy định ngay trong luật, bà Hiền nêu quan điểm.
Không thể chậm trễ hơn
Trước đó, báo chí cũng đã đề cập đến việc trong buổi tiếp xúc các DN tại một số địa phương như Bắc Giang, lãnh đạo các DN phản ánh: Mỗi năm đơn vị phải đón tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Có những cuộc thanh tra, kiểm tra kéo dài hơn một tháng, có nội dung kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm vừa xong lại có đoàn tới tìm hiểu về an toàn lao động, rồi lại phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, thuế… Thanh tra, kiểm tra đã nhiều lại có những nội dung chồng chéo khiến DN như bị… “hành”. Trong cơ chế thị trường, DN muốn tồn tại, phát triển phải căng mình lo sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đầu ra, việc quan tâm hỗ trợ của các cơ quan quản lý của nhà nước là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, lạm dụng hay chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ lại làm cản trở đối với hoạt động của DN.
Giải trình thêm về dự án luật, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta đều nói rằng khu vực DNNVV là xương sống cho nền kinh tế. Để phát triển nhanh và bền vững, cần lấy DN là động lực cho phát triển và lấy khu vực tư nhân là quan trọng cho việc giảm huy động nguồn lực Nhà nước đến 2020. Qua rà soát cũng cho thấy, hầu hết các nước có luật riêng cho DNNVV, như Mỹ, Nhật Bản ban hành luật này từ những năm 1960. Hiện chỉ có Việt Nam và Campuchia là chưa ban hành luật để hỗ trợ loại hình doanh nghiệp này nên chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa. Việc thiết kế dự án luật này là dựa trên lợi ích tổng thể của toàn bộ nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ ba.
Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư với danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, trừ các ngành, nghề kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017 và giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh các ngành, nghề này.
Cũng trong chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.