Truy nguyên nhân vụ sụt cầu khiến 5 người thương vong
Đời sống - Ngày đăng : 16:08, 06/07/2019
Ghi nhận tại hiện trường, sự cố sụt cầu Yên Hòa, trên tỉnh lộ 513 – tuyến đường huyết mạch nối khu kinh tế Nghi Sơn với bên ngoài bị đổ xuống lòng sông. Hàng trăm khối bê tông, đất đá và nhựa đường vẫn còn nằm ngổn ngang.
Phía dưới chân mố cầu phía Đông, dòng sông Yên Hòa lồng lộn, khoét sâu vào chân cầu, kéo theo nhiều mảng đất đá trôi tụt vào lòng sông. Trên mặt cầu, nhiều cung nứt lớn, chạy dài xuất hiện.
Hiện trường nơi xảy ra vụ sụt cầu Yên Hòa
Nhận được tin báo cơ quan chức năng đã có mặt cứu hộ, cứu nạn, xử lý sự cố. Hiện nhà chức trách đã làm tạm một phần đường phía hạ lưu sông để cho các phương tiện qua lại. Còn một phần được căng dây cảnh báo không cho người và phương tiện qua khu vực này.
Theo tìm hiểu của PV, hợp phần 1 của cầu Yên Hòa được thi công từ năm 2000, do Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Đến năm 2014, hợp phần 2 cầu Yên Hòa được thi công theo như thiết kế của nguyên đơn 1 và mở rộng đường về phía hạ lưu.
Chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp. Đơn vị thi công đã thảm thêm mặt đường cũ vuốt nối cầu Yên Hòa với đường ven biển. Sự cố xảy ra thuộc hợp phần 1 của cầu Yên Hòa, được xây dựng cách đây 19 năm.
Phía dưới chân cầu, nơi xảy ra sự cố
Câu hỏi đặt ra, khi thi công hợp phần 2 của cây cầu, đơn vị thi công có làm ảnh hương tới kết cấu cầu? Bởi quá trình làm móng, ép cọc cầu rất phức tạp, phải dùng máy móc, thiết bị có độ rung, lắc cao. Hợp phần 2 thi công sau tới 14 năm lại không có phương án nâng cấp, tu bổ cho 2 hợp phần đồng bộ nhau. Tuyến đường 513 nối đường ven biển sang Hoàng Mai (Nghệ An) thường xuyên có lưu lượng lớn xe qua lại về các khu cảng ở Nghi Sơn.
Theo báo cáo sơ bộ của nhà chức trách, do ảnh hưởng của bão số 2, mưa lớn trên diện rộng lượng mưa bình quân 320ml, cục bộ tại xã Mai Lâm và xã Hải Thượng là 440ml, khiến một số tuyến đường trên địa bàn huyện bị ngập lụt, nhất là tuyến đường 513, đoạn qua khu vực cổng số 1 và cổng số 2 Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (ngập từ 50 cm đến 70 cm), các phương tiện không thể di chuyển. Đoạn cầu Yên Hòa nối liền xã Hải Thượng với xã Hải Hà bị sụt lún 20m.
Cơ quan chức năng khắc phục 1 bên cầu cho phương tiện qua lại
Được biết, cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu thập hồ sơ, tài liệu để có xác định nguyên nhân xảy ra sự việc sụt cầu Yên Hòa. Trong trường hợp kết luận vụ sụt cầu do chất lượng công trình không đảm bảo thì đơn vị thi công phải có trách nhiệm bồi thường cho những gia đình người bị thương vong. Còn nếu nguyên nhân do mưa lũ là lý do bất khả kháng.
Hiện chính quyền địa phương đã có hỗ trợ ban đầu cho những gia đình có người tử vong và người bị thương. Trong 3 người bị thương có 1 người chỉ bị xây xát nhẹ, 2 người chuyển đi Hà Nội. Theo thông tin mới nhất sức khỏe của 2 người này đang được phục hồi, sẽ sớm được xuất viện.
Bạn bè, hàng xóm tới chia buồn với người đã mất
Như đã đưa tin, vào lúc 3h10’ sáng 4/7, đã xảy ra một vụ sạt lở mặt đường 513 tại đầu cầu phía nam cầu Yên Hòa khiến 2 người chết, 3 người bị thương.
3 nạn nhân bị thương được xác định gồm: Ông Đặng Bá Hậu (SN 1966, ngụ ở xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, bị thương nhẹ đã xuất viện trong ngày 4/7; Ông Nguyễn Bá Khải (SN 1966) và bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1970) đều ngụ ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia người bị thương nặng phải chuyển ra Hà Nội điều trị.
Anh Nguyễn Như Thắng (SN 1973) chở phía sau vợ là chị Nguyễn Thị Tâm (1973) cùng trú tại thôn Cao Bắc, xã Hải Thượng, Tĩnh Gia, do trời tối, lại mất điện nên lao xuống do nước chảy xiết và bị đất đá đè lên người nên đã tử vong.
Vợ chồng anh Thắng tử vong từ lúc 3h sáng nhưng đến chiều vẫn chưa được phát tang bởi 4 người con đều đi làm ăn xa, chưa về kịp.
Theo người thân, vợ chồng anh Thắng rất khó khăn. Mới năm ngoái anh chị dành dụm được ít tiền, cộng với vay mượn ngân hàng hơn 100 triệu đồng xây ngôi nhà mái bằng thay thế căn nhà lụp xụp ông cha để lại, chưa ở được bao lâu thì gặp nạn. Giờ không biết số nợ trên sẽ như thế nào.
Thường ngày 2 vợ chồng đi từ 3 giờ sáng, chạy vào đến Nghệ An, mua hải sản rồi chạy về Thanh Hóa bán cho các nhà hàng, hoặc bán ở chợ. Trước đây họ mua hải sản từ các tàu thuyền ở Thanh Hóa rồi mang ra chợ bán. Khi nguồn hàng ngày càng khó khăn, vợ chồng anh phải sang tận Nghệ An thu mua, ngày nào cũng phải dậy đi từ 2-3h sáng.
Thời điểm gặp nạn, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trời mưa rất to, mất điện nên hai vợ chồng đã lao xe máy xuống hố sụt ở chân cầu Yên Hòa, dẫn đến tử vong.