Chữ và nghĩa báo chí
Đời sống - Ngày đăng : 13:54, 20/06/2019
Đã từ rất lâu, tôi nhận thấy các phóng viên, biên tập viên và cả các nhà quản lý của các Đài dường như không mấy quan tâm đến vấn đề lạm dụng từ “vâng” khi nói hoặc đọc trên sóng. Thực tế này dẫn đến nguy cơ làm hỏng tiếng Việt, làm cho thế hệ trẻ không phân biệt được đúng sai và sẽ tiếp tục làm cho tiếng Việt trở nên méo mó.
Không khó để nhận ra rằng, hầu như trên tất cả các đài phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến địa phương, các phóng viên, biên tập viên và người dẫn chương trình (mà ta hay nói theo tiếng Anh là MC) đều thường bắt đầu câu nói của mình bằng từ “vâng”. “Vâng! thưa quý vị và các bạn…” chẳng hạn. Thậm chí, không chỉ khi nói mà ngay cả khi viết nhiều bạn cũng bắt đầu bằng từ “vâng”!
Trong tiếng Việt, từ “vâng” được sử dụng khi ta chấp nhận, đồng ý một chỉ định, một sai bảo nào đó của ai đó (trong miền Nam, từ “vâng” được thay thế bằng từ “dạ”). Hoặc khi lên sóng, hai biên tập viên trao đổi với nhau về một điều gì đó, thì người này có thể dùng từ “vâng” khi đồng ý với người kia về vấn đề vừa được đưa ra. Có thể các bạn hay dùng từ “vâng” đầu câu giống như một tiếp đầu ngữ, một cách nói cho thuận miệng. Thậm chí, không loại trừ nhiều bạn thấy người khác nói thế cũng nói theo một cách vô cảm, không suy nghĩ.
***
Cũng trong thời gian gần đây, khi xem Chương trình Thời sự 19 giờ trên VTV, tôi thấy có một bạn nữ giới thiệu: “Chương trình có những nội dung chính…”, trong khi những người khác đều nói: “Chương trình có những nội dung chính sau đây:..”. Nói như bạn nữ trên là không đầy đủ. Bởi nó chưa phải là một câu mà còn bao hàm cả những nội dung nối tiếp sau đó, được thể hiện qua hai từ “sau đây”. Nhưng tại sao bạn nữ này lại không đọc hai từ “sau đây” cho đủ nghĩa như tất cả các bạn khác?
Tôi đồ rằng bạn nữ ấy đã “máy móc” mà đọc như viết, tức là văn bản có thể chỉ có hai dấu chấm mà không có chữ “sau đây” (cũng may mà bạn này không đọc thêm dấu hai chấm, tức là đọc: “Chương trình có những nội dung chính hai chấm”!).
Từ việc này, suy rộng ra, tôi thấy tình trạng “đọc như viết” là khá phổ biến. Rõ nhất là việc nhiều bạn đọc tốc độ của ô tô chẳng hạn: Trong văn bản viết là “Tốc độ 60km/giờ”, thì các bạn đọc là: “Tốc độ 60 ki-lô-mét trên giờ”. (Tức là đọc theo cái gạch chéo trên văn bản. Cũng may là các bạn ấy còn không đọc là “60 ki-lô-mét trên hát” - h là chữ viết tắt của chữ giờ). Trong dân gian, từ xưa đến nay, ông bà ta chẳng ai đọc như thế cả, mà vẫn đọc là: “Tốc độ 60 ki-lô-mét một giờ”.
Lại nghĩ, những cái xưa cũ không phải bao giờ cũng lạc hậu. Chúng ta cần đổi mới, làm cho ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng trong sáng hơn. Nhưng đổi mới không phải là xóa bỏ tất cả những gì đã trở thành niêm luật, đã là cái chung của cả một dân tộc vốn được xây dựng và thừa nhận từ bao đời nay rồi. Đừng làm rối rắm thêm tiếng Việt ta, vốn về cơ bản nó đã trong sáng từ ngàn xưa rồi, các bạn ạ!
***
Ảnh minh họa
Hiện nay, trên các chương trình truyền hình của ta, lời kết thúc chương trình thường là hai câu: “Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi” và “Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn”. Có bạn hỏi tôi: Trong hai cách nói - cách chào ấy thì cách chào nào đúng? Tôi xin trả lời ngay rằng, với văn phong ngôn ngữ của tiếng Việt ta thì cách chào thứ nhất là đúng.
Bởi trong tiếng Việt, chúng ta luôn nói theo “cách chủ động”. Bạn cảm ơn ai, về việc gì? Ví dụ: Ai đó tặng cho bạn một món quà, thì bạn cảm ơn người đó đã tặng quà, chứ không phải là cảm ơn món quà mà người đó tặng bạn. Còn trong cách nói của người phương Tây thì họ lại hay nói theo “cách bị động”. Một so sánh cụ thể nữa: Người Việt nói: Anh A viết cuốn sách này, còn người phương Tây thì nói: Cuốn sách này được viết bởi anh A.
Tôi nhớ cách đây chưa lâu, trên chương trình Thời sự 19 giờ của VTV, nhiều người dẫn chương trình (trong đó có cả một bạn nam thuộc hạng nổi tiếng) vẫn chào theo cách Tây: “Cảm ơn sự quan tâm…”, nhưng gần đây, các bạn đã chào theo lối của người Việt ta: “Cảm ơn quý vị và các bạn…”. Sự thay đổi - nói chính xác là sự trở lại của ngôn ngữ tiếng Việt chuẩn này là rất đáng mừng. Tiếc là hiện nay vẫn còn rất nhiều chương trình của các đài phát thanh và truyền hình trên cả nước cho đến nay vẫn chào hết “theo kiểu Tây”.
Có một cách chào kết nữa mà tôi thấy các đài phát thanh và truyền hình cũng cần lưu ý. Đó là khi hết chương trình, nhiều bạn vẫn nói: “Chương trình xin tạm dừng…”. Chào như thế là không chuẩn. Bởi thực tế là chương trình dừng hẳn, và phải tới ngày hôm sau mới tiếp tục, chứ không phải là “tạm dừng” (rồi một lát sau lại tiếp tục). Vì thế, khi kết thúc chương trình, các bạn nên nói: “Chương trình xin dừng tại đây…” hoặc “Chương trình xin kết thúc tại đây…” thì mới đúng với ngôn ngữ tiếng Việt.
***
Với nhà báo, biên tập viên, cách dùng từ trong tin, bài cũng là cách tạo dấu ấn “cái tôi” của mình. Nhưng dường như nhiều người đã không ý thức được điều đó. Trong nhiều năm qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm cả báo viết, báo nói và báo hình), tôi thấy đều xảy ra một tình trạng chung là bỏ giới từ.
Ví dụ: Hầu như các báo đều viết (và nói): “Ủy ban Pháp luật Quốc hội”, “nâng cao đời sống người dân”… Theo tôi, nếu nói và viết đúng với ngữ pháp tiếng Việt (mà tất cả chúng ta đều được học từ cấp 1) thì phải có giới từ “của”. Nghĩa là phải viết: “Ủy ban Pháp luật của Quốc hội”, “nâng cao đời sống của người dân”…
Có lần, tôi đọc trên một tờ báo lớn, thấy rút tít trên trang nhất: “Đồng bào dân tộc Ninh Thuận”, mới giật mình mà nghĩ rằng báo này vừa mới phát hiện một dân tộc thiểu số mới ở nước ta là… “dân tộc Ninh Thuận”! Bởi viết thế, có khác gì khi chúng ta vẫn viết: Đồng bào dân tộc Kinh, đồng bào dân tộc Mường. Ở đấy, cái sai của người viết là đã bỏ giới từ chỉ địa điểm. Vì thế, cần phải viết là: “Đồng bào dân tộc ở tỉnh Ninh Thuận” thì mới đúng.
Còn rất nhiều ví dụ khác về việc báo chí bỏ giới từ. Cũng cần nhấn mạnh rằng: Ngôn ngữ của bất kì dân tộc nào đều có sự phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Đặc biệt là trong giao tiếp, người ta có xu hướng nói tắt, nói gọn lại. Thế nhưng trên báo chí, những niêm luật đã có của ngôn ngữ tiếng Việt thì không được tùy tiện thêm, bớt. Và nữa, xin được nhắc lại rằng, chúng ta cũng đừng quên một chức năng quan trọng của báo chí là chức năng giáo dục.
Khi báo chí nói và viết không chuẩn thì rất dễ dẫn đến tình trạng người đọc, người nghe (đặc biệt là trẻ em) cũng sẽ nói theo cái sai, dẫn đến nguy cơ làm cho ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng trở nên rối rắm, không còn chuẩn mực và trong sáng nữa.
***
Dùng từ thừa cũng là một lỗi hay gặp trên báo chí hiện nay. Đó là việc dùng tràn lan các từ, cụm từ thừa không cần thiết, hoặc là thay thế những từ đã có mà về mặt ý nghĩa lại chẳng “sáng sủa” thêm một tí nào, ví dụ các từ/cụm từ đang được sử dụng tràn lan hiện nay như: “đến từ”, “trên địa bàn”, “câu chuyện”…
Lâu nay, theo dõi các cuộc tọa đàm, mít tinh hay giao lưu gì đó trên truyền hình (cả trung ương lẫn địa phương), ta vẫn thường nghe người dẫn chương trình (MC) giới thiệu một đại biểu nào đó “đến từ” đâu. Nếu tôi không nhầm thì đây là sự “bắt chước” từ tiếng Anh “from to” và xuất hiện trên VTV kể từ chương trình SV96.
Trớ trêu thay, nhiều sự kiện xảy ra ngay tại Hà Nội, người dẫn chương trình khi giới thiệu một đại biểu nào đó của Hà Nội mà vẫn… “đến từ Hà Nội”. Việc người dẫn chương trình “bắt chước” nhau mà lại dùng hai từ “đến từ” là không nên. Bởi, thứ nhất, hai từ này lặp đi lặp lại trên tất cả các đài dẫn đến nhàm chán. Thứ hai, quan trọng hơn, việc dùng hai từ này khiến cho thông tin không đầy đủ và thiếu rõ ràng.
Ví dụ, giới thiệu: “Anh A đến từ đài B” thì sẽ không hiểu anh ấy có phải là người của Đài B hay không, hay chỉ là đi qua đó rồi đến đây, nghĩa là di chuyển cơ học đơn thuần. Và nữa, nếu ở Đài B thì anh A làm gì, giữ chức vụ gì? Vì thế, nếu câu giới thiệu bỏ đi hai từ “đến từ” và được viết: “Anh A, phóng viên Đài B” thì rõ ràng tất cả những bất cập trên đã được giải quyết.
Tôi có cảm giác dường như các nhà báo, các biên tập viên không thể không dùng cụm từ “trên địa bàn” trong các tin, bài của mình, ví dụ: “Tình trạng mất an toàn giao thông trên địa bàn cả nước…”, hoặc nữa: “Ủy ban nhân dân thành phố A chỉ đạo các quận, huyện trên địa bàn,…’.
Với hai ví dụ trên, rõ ràng ta thấy trong câu không cần dùng đến cụm từ “trên địa bàn” làm gì. Bởi trong ngôn ngữ tiếng Việt ta từ trước đến nay đã có các từ như: ở, tại…, vừa đơn giản lại vừa chuẩn xác rồi.
Thế nhưng, bạn hãy nghe, hãy đọc đài báo hằng ngày, bạn sẽ thấy người ta vẫn sử dụng tràn lan cụm từ “trên địa bàn” này. Tôi có cảm tưởng rằng dường như người viết không quan tâm lắm đến việc sử dụng ngôn ngữ, mà chỉ nặng về việc “bắt chước” người khác. Cần nói rằng, ba từ “trên địa bàn” cũng rất cần thiết, nhưng phải biết sử dụng cho đúng với hoàn cảnh.
Ấy là khi phản ánh hoạt động của các lực lượng vũ trang, các lực lượng này được phân công làm nhiệm vụ trên những phạm vi rộng, nhiều tỉnh, nhiều huyện khác nhau. Thế nên ta mới viết, ví dụ như: “Các đơn vị Quân khu I bảo đảm an ninh trên địa bàn…”. Còn với các địa bàn tỉnh, huyện, xã và cả nước nữa, là những đơn vị hành chính đã được xác định rõ ràng ranh giới rồi, chẳng cần thêm “trên địa bàn” nữa. Từ xa xưa, ông bà ta có nói “trên địa bàn cả nước” hay “trên địa bàn Hà Nội” đâu.
***
Một từ nữa mà các phóng viên, nhà báo, biên tập viên hay mắc phải và lạm dụng đó là “câu chuyện”. Ví dụ như: “Câu chuyện xóa đói giảm nghèo”, rồi ngay trong lĩnh vực thể thao, người ta cũng nhanh chóng “bắt chước” rất nhanh như “câu chuyện trọng tài”…
Nói là gần đây mới xuất hiện tràn lan hai từ “câu chuyện” bởi từ xa xưa trong ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta không dùng hai từ ấy tràn lan đến thế.
Trước đây, chúng ta vẫn thường nói: “Việc (hoặc vấn đề) xóa đói, giảm nghèo”, hoặc: “Vấn đề trọng tài…” mà thôi. Cách dùng từ như vậy, theo tôi là hoàn toàn chính xác, đúng nghĩa. Vậy thì tại sao lại “sáng tạo” ra việc dùng hai từ “câu chuyện” một cách tràn lan mà thiếu chuẩn xác như vậy?
Tôi có cảm tưởng rằng chúng ta đang lặp lại con đường mòn “nói theo” và “bắt chước”. Thấy ai đó nói là “bắt chước” theo một cách máy móc và vô cảm, mà không có sự phân tích, cân nhắc cho chính xác, bỏ quên mất “cái tôi” rất cần thiết của mỗi người cầm bút.