Nhà báo phải biết vượt lên cám dỗ
Đời sống - Ngày đăng : 12:34, 20/06/2019
Đa số các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường hay những phóng viên mới "nhập cuộc" đều nghĩ rằng: Báo chí là một nghề thú vị, được đi đây đó, được tiếp xúc và làm quen với nhiều người, với những môi trường mới, là thứ gì đó thú vị và bay bổng. Đúng! Nghề báo thực sự là có những thứ hay ho như vậy, nhưng không phải là tất cả.
Tôi vượt qua những lần trèo đèo lội suốt, quăng quật trên những dốc cao chon von, đẩy xe máy trên những con đường đất đỏ đặc quánh, nhớp nháp sau cơn mưa rừng tầm tã, quần áo lấm lem bụi đường. Rồi những bữa cơm trưa trên vùng cao, biên giới vật vờ trong rượu... Đó là những trải nghiệm vô cùng khó quên nhưng cũng rất tuyệt vời. Nhiều người vẫn nghĩ, đó là những khó khăn, vất vả, gian truân nhất của nghề báo, tuy nhiên, đó mới chỉ là một sự khởi đầu vô cùng nhẹ nhàng.
Tôi nhớ hồi đầu tháng 9 năm ngoái, khi cơn đại hồng thủy quét qua những bản làng liêu xiêu ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa), người dân được sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng cánh phóng viên chúng tôi lại lao vào. Không ai ép song chúng tôi bắt buộc phải vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, bởi ở đó người dân đang cần chúng tôi.
Ngày ấy, nhiều phóng viên phải đu dây vượt con suối dữ, ngón chân rớm máu vì phải bấm xuống đường trơn trượt, hoặc nhiều phen hú hồn khi chạy thoát khỏi những đoạn đường sạt lở... Nhưng có chúng tôi, người dân cả nước mới có thể tường tận tầm mức của thiên tai, nơi những căn nhà đổ sập, những bản làng ảm đạm, tang tóc, những tiếng gào khóc đau thương trên vùng biên viễn... Thế rồi, qua những bài báo ấy, những chuyến hàng cứu trợ, những tấm lòng thơm thảo đã kịp thời, mau lẹ đến với vùng lũ, giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt. Cùng với đó là những chính sách đúng đắn để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Đó là một niềm cổ vũ, động viên, khích lệ chúng tôi tiếp tục vững bước, quên đi những đói khổ, hiểm nguy trên những chuyến tác nghiệp.
Phóng viên tác nghiệp
Nguy hiểm nhất với nghề báo có lẽ là những lần tiếp cận, điều tra các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Hẳn là những anh em trong nghề chẳng còn lạ lẫm gì với những tin nhắn mang tính chất đe dọa, chửi bới, những cuộc điện thoại dọa dẫm và gần nhất là bị chính những cá nhân, tổ chức thuê người đánh trực tiếp. Nhiều người hỏi chúng tôi có sợ không? Có người lại hỏi, tại sao phải liều mình làm những việc như vậy, làm vậy thì có được nhiều tiền hay những gì khác không?
Sợ ư? Đương nhiên là chúng tôi sợ! Chúng tôi sợ không chỉ cho chính bản thân mình mà còn sợ cho cả an toàn của người thân, gia đình mình khi những kẻ đe dọa có tính chất côn đồ thực sự. Chúng sẵn sàng ra tay bất cứ lúc nào khi chúng tôi không đáp ứng theo yêu cầu của chúng. Và, mọi cám dỗ có thể cũng bắt nguồn từ đây...
Vậy, chúng tôi được gì sau những bài báo có tính chất vạch trần tội phạm, vạch trần những hành vi phạm pháp? 150.000 đồng hay 300.000 đồng... là mức nhuận bút trung bình của một bài báo. Với nhiều tòa soạn ưu tiên thể loại điều tra, bài vụ việc thì những bài báo ấy có thể được trả 1 triệu đồng/bài. Nhưng, để hoàn thành một bài báo ấy, phóng viên phải tốn khá nhiều thời gian, có bài viết phải ròng rã vài tháng trời tìm hiểu, điều tra. Không ít các anh/chị trong nghề đã từng nhận được câu hỏi: Làm báo chắc là giàu lắm nhỉ?
Ảnh kỷ niệm một chuyến đi lên miền núi của tác giả với PV Thanh Phương
Thực sự với cái mức nhuận bút ít ỏi cộng với tiền lương cơ bản mỗi tháng, hầu hết phóng viên đều đang phải chật vật với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Đấy cũng là ngọn nguồn của sự “chấp nhận cám dỗ”.
Trong thời gian qua, đã có không ít đối tượng giả danh nhà báo đe dọa, cưỡng đoạt tiền của các doanh nghiệp; hoặc nhà báo tống tiền doanh nghiệp bị cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ. Đây là bài học cảnh tỉnh và cũng là một nỗi đau, nỗi khắc khoải đối với bất cứ một đồng nghiệp nào trong nghề báo.
Đôi khi, gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè nặng lên trên bản lĩnh và lý trí. Đặc biệt là đối với những sinh viên mới ra trường, chân ướt chân ráo vào nghề, chưa thể lường hết những hậu quả, hệ lụy khắc nghiệt mà từ hành vi bột phát có thể mang đến. Những cám dỗ vật chất cộng với các mánh khóe từ doanh nghiệp có hành vi trái pháp luật là một miếng mồi nhử, là đường dẫn đến cánh cửa căn phòng lao lý...
Đó chỉ là một phần của khó khăn, cám dỗ, nhưng vượt lên trên tất cả, hầu hết phóng viên, nhà báo, người làm báo chân chính vẫn yêu và nhiệt huyết với nghề, xem nghề báo như một phần huyết mạch chảy trong tim mình. Bởi với họ, khi đã cầm cây bút lên là phải thực sự hết mình, phải xứng đáng với danh xưng, xứng đáng với niềm tin tưởng của nhân dân đối với người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.