Nguyễn Văn Minh: Một ngòi bút chiến đấu trẻ trên mặt trận tư tưởng
Đời sống - Ngày đăng : 08:44, 19/06/2019
Bén duyên nghề báo nhờ ham đọc, ham viết
Nhiều năm gần đây, nhắc đến Báo Quân đội nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo bạn đọc đều đánh giá cao một trong những đóng góp nổi bật của báo là đi đầu trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng – lý luận, với những bài chính luận sắc bén. Tại cơ quan báo chí này, đã định hình nhiều ngòi bút chính luận nổi tiếng như Hồ Quang Lợi, Nguyễn Quang Thống, Mạnh Tường, Yên Ba…Trong số những gương mặt trẻ góp tiếng nói vào địa hạt khó này, nhà báo Nguyễn Văn Minh là một ngòi bút ấn tượng.
Trước khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp, Nguyễn Văn Minh là một sĩ quan chính trị. Là một trong 5 học viên tốt nghiệp xuất sắc của khóa học tốt nghiệp Học viện Chính trị - Quân sự năm 1999, anh được giữ ở lại trường công tác. “Công việc ban đầu của tôi là làm Trợ lý Chính trị, Bí thư Đoàn cơ sở ở một đơn vị quản lý hàng trăm học viên người dân tộc thiểu số và mỗi ngày được tiếp xúc với hàng chục đầu báo khác nhau. Đọc báo để tuyên truyền, giáo dục bộ đội nên tôi chợt nghĩ: Báo viết thế này, tại sao mình lại không thể viết bài đăng báo được? Tôi cầm bút tập viết, gửi cho nhiều tòa soạn. Ban đầu chỉ là những mẩu tin, những bài viết ngắn dạng thư bạn đọc”.
Nhà báo quân đội Nguyễn Văn Minh
Bước ngoặt quan trọng đối với anh là vào năm 2002, khi Báo Quân đội nhân dân hằng ngày tăng từ 4 trang lên 8 trang, nhu cầu bài vở rất nhiều. Bất ngờ một ngày, Nguyễn Văn Minh nhận được lá thư từ tòa soạn. Người viết thư là Đại tá Triệu Phương Quế, khi đó là Trưởng phòng Bạn đọc và Cộng tác viên với lời khích lệ: “Cháu có năng khiếu làm báo. Hãy chịu khó cộng tác, viết bài để trở thành nhà báo chuyên nghiệp”. Văn Minh kể rằng bức thư làm anh vui mừng suốt đêm không ngủ được. Từ đó anh nung nấu quyết tâm học làm báo.
Suốt nhiều năm, anh cộng tác với nhiều báo như Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân, Báo Tiền phong, Tạp chí Gia đình, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Công lý…Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng, Tổng Biên tập Báo Công lý từng ấn tượng với cộng tác viên là một sĩ quan trẻ thường cần mẫn đi xe máy từ Bắc Ninh sang Hà Nội gửi bài, anh trở thành một cộng tác viên thân thiết của Báo Công lý. “Gái có công, chồng không phụ”, năm 2007, sau khi được Báo Quân đội nhân dân đề nghị “xin về làm phóng viên”, anh nhận được quyết định điều động của Bộ Quốc phòng.
Trách nhiệm người cầm bút
Trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, nhiệm vụ ban đầu anh được giao công tác tại Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, phụ trách các trang Phóng sự - Ký sự, Chân dung Người lính, Câu lạc bộ chiến sĩ. Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết, anh không quản ngại làm mọi việc được giao, từ tổ chức các trang phóng sự khắt khe đến biên tập từng mẩu chuyện cười, tranh vui.
Họa sĩ Duy Liên, người cộng tác với anh nhiều năm kể: "Anh Minh là người nhiệt tình và cầu toàn trong công việc. Để có bức tranh đẹp, có khi anh mời chúng tôi đi…uống bia để trao đổi cả buổi. Anh hay gợi ý cho tôi về ý tưởng. Nhiều ý tưởng rất hay. Ví dụ như kỷ niệm 50 năm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, chuyện nghiêm túc thế mà anh sưu tầm đủ giai thoại chuyện vui của bộ đội mở đường trên biển, rồi gợi ý cho tôi vẽ cả chùm tranh vui rất độc đáo".
Nhà báo Nguyễn Văn Minh phỏng vấn ông Ama Kông năm 2010
Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường tuần tra biên giới kể: "Trong số những nhà báo đi thực tế đường tuần tra biên giới, Văn Minh và Quang Thái là hai người đi nhiều nhất, sâu nhất, ở lâu nhất với bộ đội nơi rừng xanh núi đỏ. Các anh bám nắm bộ đội, cùng ăn, cùng ở, cùng tâm tình với họ nên khi anh viết loạt phóng sự 7 kỳ mang tên Con đường Nam quốc sơn hà, kể lại nhiều chuyện mà chính tôi cũng không tin là có thật như chuyện những anh lính mở đường đi tắm suối ở Chư Mo Ray bị loài cá lạ cắn chỗ hiểm, hay anh kỹ sư bị côn trùng cắn sốt mê man thoát hiểm nhờ người dân tộc chỉ cho cách gặp cô giáo trẻ giúp đỡ bằng…bầu ngực. Loạt phóng sự ấy về sau đã đoạt giải B giải báo chí quốc gia".
“Sau này, Minh được tòa soạn phân công chuyển công việc khác, theo dõi ngành giáo dục và theo dõi Quốc hội cùng mảng nội chính, anh ít có điều kiện đi cùng chúng tôi. Nhưng điều tôi tâm đắc nhất là sự nhiệt tình trách nhiệm, máu lửa và tận tâm với nghề của nhà báo trẻ. Như đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các cựu chiến binh, có lần hai người lính cấp dưới của Đại tướng Phạm Văn Trà bị thiệt thòi nhiều năm không được công nhận là thương binh. Nhận đơn thư, nhà báo Minh đã điều tra, phản ánh cặn kẽ và về sau họ được công nhận thương binh.
Hay trường hợp mẹ liệt sĩ ở Nghệ An hàng chục năm gửi đơn đề nghị công nhận con là liệt sĩ mà các cơ quan chức năng cứ trả đi trả về. Nguyễn Văn Minh cùng đồng đội đã điều tra tỉ mỉ, viết phóng sự “Lưng mẹ còng như dấu hỏi thời gian” với chi tiết bộ hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ để trong cỗ hậu sự gây ám ảnh người đọc. Sau đó, cơ quan chức năng đã công nhận liệt sĩ đối với con trai của người mẹ nghèo khổ đó” – Thiếu tướng Hoàng Kiền kể.
Là một tờ báo chính trị, nhưng Báo Quân đội nhân dân cũng thực hiện rất tốt công tác bạn đọc với việc tổ chức trang Nhịp cầu bạn đọc và mảng điều tra theo đơn thư. Nguyễn Văn Minh từng được Ban Biên tập tin tưởng giao nhiệm vụ làm Phó trưởng phòng, phụ trách mảng điều tra, chống tiêu cực xã hội nhiều năm. Anh đã giành nhiều công sức xây dựng cơ chế phản hồi, phát huy được hiệu quả các bài báo điều tra gắn với thông tin và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý. Nhờ vậy nhiều vụ việc được giải quyết tốt, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bạn đọc và người dân.
Ngòi bút chiến đấu
Là một cán bộ chính trị, tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành xây dựng Đảng, ngành báo chí và tự học thêm bằng Luật Kinh tế, Nguyễn Văn Minh có kiến thức nền tương đối vững để thực hiện tốt nhiệm vụ của một phóng viên điều tra cũng như tham gia viết mảng đề tài chính luận.
Anh không phải là một cây bút được phân công chuyên viết về mảng đề tài chính luận của Báo Quân đội nhân dân mà tình cờ một lần vào năm 2011, anh được Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân hiện nay, khi đó là Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao gợi ý nên tham gia viết một bài chống Diễn biến Hòa bình vì giọng điệu các bài báo “ có thể viết được”.
“Thế là tôi mày mò viết bài “Họ đã bắn vào quá khứ”, nêu hiện tượng nhiều cán bộ sau khi nghỉ hưu viết hồi ký lại có quan điểm cơ hội xét lại, phản bội lý tưởng cộng sản. Bài viết chỉ chọn một vấn đề nhỏ cùng nhiều dẫn chứng cụ thể nhưng được bạn đọc đánh giá cao. Từ đó, tôi được tin tưởng giao tham gia viết cho chuyên mục “Làm thất bại chiến lược Diễn biến Hòa bình” mỗi khi có đề tài phù hợp’’ – anh tâm sự.
Không chỉ tham gia viết bài, anh còn chủ động tích cực tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên mạng xã hội, thông qua trang Facebook cá nhân. Anh cho biết: “Nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội như tham ô, lãng phí được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng rất nhanh, rất nhiều nhưng những biểu hiện vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, những đối tượng phản động, cơ hội chính trị chống phá đất nước rất nguy hiểm thì lại ít cơ quan báo chí có những bài viết đấu tranh, vạch trần. Chúng ta đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó bảo vệ Tổ quốc phải theo tinh thần mới của Đảng là bảo vệ từ sớm, từ xa, bảo vệ trên mọi lĩnh vực trong đó cả trên lĩnh vực không gian mạng. Thế thì báo chí phải là một trong những binh chủng xung kích và nhà báo không nên đứng ngoài cuộc”.
Vì tham gia viết bài trên lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm này, anh bị xuyên tạc, bôi nhọ, thậm chí bị đe dọa rất nhiều. “Trước năm 2010, mạng xã hội Facebook chưa phát triển, tôi từng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên trang blog của yahoo. Có lần, Đại sứ quán Hoa Kỳ từng gửi giấy mời tôi tham gia hội nghị các blogger nổi tiếng thế giới song tôi đã báo cáo tổ chức và quyết định không tham gia vì qua tìm hiểu được biết, họ tổ chức những hội nghị như vậy nhưng nội dung không khách quan, có nhiều ý đồ xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Sau này hội nghị diễn ra, đúng là có những bài viết xuyên tạc tình hình Việt Nam từ hội nghị này” –anh kể.
Nhiều bài viết của anh thường xuyên bị một số đài báo nước ngoài như trang BBC Tiếng Việt trích dẫn lại và bóp méo. Cá nhân anh nhiều lần bị những trận bão tin nhắn comment xuyên tạc, chửi bới, có cả nhiều tin nhắn, cuộc điện thoại trong đêm cả ở trong nước và nước ngoài gọi về dọa giết. Có lần, họ đưa cả thông tin xuyên tạc với mục tiêu bôi nhọ lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhưng lại cố tình tạo ra facebook mạo danh anh hòng gây ra sự hiểu lầm để hãm hại anh. Nhưng với bản lĩnh của một cán bộ chính trị, anh đã báo cáo kịp thời với cấp ủy Đảng và chỉ huy cấp trên. Các cơ quan đã sớm nhận rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ xấu, anh không bị cấp trên “xử lý” như chúng định dùng mưu hèn kế bẩn. Nhờ sự tin tưởng của cấp trên, anh thêm vững tâm với ngòi bút chiến đấu của mình.
Công việc làm báo rất bận rộn nhưng Nguyễn Văn Minh vẫn tranh thủ thời gian biên soạn và tham gia thực hiện nhiều cuốn sách như: Những người đứng nơi đầu sóng (2009, 2011), Đi lên từ những công trình (2012), Cuộc đời và nhân chứng (2013), Kỷ lục quân sự Việt Nam – bước đầu tìm hiểu (2014), Biển rừng xanh màu áo (2017). Anh cho biết, tới đây sẽ xuất bản cuốn sách tuyển tập các bài viết chính luận với chủ đề chính về cuộc đấu tranh phòng chống “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” mang tên “Chặt cành để cứu cây”.
12 năm cầm bút, Nhà báo Nguyễn Văn Minh đã 4 lần đoạt giải Báo chí Quốc gia (3 giải B, 01 giải A), 2 lần đoạt giải Búa liềm vàng (1 Giải B, một giải A). Tham dự Giải Báo chí quốc gia năm nay, Nguyễn Văn Minh cùng nhóm tác giả Phạm Văn Huấn, Nguyễn Tấn Tuân, Hồ Quang Phương đã đoạt giải B thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận (không có A) với loạt bài “Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”- vấn đề cấp bách hiện nay”. Năm 2017, anh cùng các đồng nghiệp đã đoạt giải A báo chí quốc gia với loạt bài “Phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta”. Năm 2016, anh và các đồng nghiệp đoạt giải B báo chí quốc gia với loạt bài “ Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”: Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt’'. Năm 2012, anh đoạt giải B (không có giải A) Giải Báo chí quốc gia thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra, Ký báo chí, Ghi chép với loạt bài “Con đường Nam quốc sơn hà”. |