Trục vớt thành công xe tải gây sập cầu Tân Nghĩa

Đời sống - Ngày đăng : 20:04, 03/06/2019

Sau 4 ngày nằm dưới nước và một lần cứu hộ thất bại làm gãy cần cẩu, xe tải gây sập cầu Tân Nghĩa đã được trục vớt thành công.

Đến chiều 3/6, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức trục vớt thành công xe tải gây ra vụ sập cầu Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), kênh Tháp Mười 2 sẽ sớm thông luồng giao thông đường thủy trên tuyến trở lại.

Được biết, để tiến hành trục vớt xe tải biển số 78C-046.27, Sở GTVT Đồng Tháp đã tổ chức cho các thợ lặn chuyên nghiệp lặn xuống kênh để buộc dây cáp vào xe tải, rồi dùng cần cẩu đưa xe tải lên khỏi mặt nước. Đến 11 giờ 25 phút, chiếc xe gây ra vụ sập cầu Tân Nghĩa đã được đưa lên xà lan của lực lượng cứu hộ an toàn.

Trục vớt thành công xe tải gây sập cầu Tân Nghĩa

Trục với thành công xe tải gây sập cầu Tân Nghĩa

Trước đó, chiều ngày 2/6, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành việc trục vớt nhịp giữa cầu Tân Nghĩa và đưa vào bờ.

Do cầu Tân Nghĩa nằm trên tuyến đường Huyện lộ Tân Nghĩa -Gáo Giồng phục vụ cho hàng ngàn lượt người dân đi lại mỗi này nên cầu bị sập đã khiến cho giao thông trên tuyến đường này bị tê liệt. Trong khi chờ khắc phục sự cố cầu Tân Nghĩa, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức đưa đò phục vụ miễn phí cho người dân đi bộ và xe gắn máy. Ngoài ra, ngành chức năng cũng phải thông báo cho các phương tiện thủy ngưng tham gia giao thông trên tuyến kênh Tháp Mười 2 để trục vớt nhịp cầu và các phương tiện gặp nạn.

Trước câu hỏi, có thông tin đặt nghi vấn cho rằng cầu Tân Nghĩa sập chỉ sau vài tháng hết thu phí BOT, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin: "Cầu Tân Nghĩa khởi công tháng 6/2005, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2007, với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, theo hình thức BOT. Mặc dù thời hạn hợp đồng thu phí vẫn còn, nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tháng 2/2019, UBND tỉnh đã quyết định mua lại và chấm dứt thu phí. Sự cố sập cầu là rất đáng tiếc và ngay khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm. Đồng thời, khẩn trương khắc phục sự cố, cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất để các phương tiện được lưu thông trở lại".

Theo ông Nguyễn Văn Dương, cầu Tân Nghĩa có tải trọng 8 tấn, trong khi đó, xe tải theo đăng kiểm đã là 12 tấn, cùng ước lượng hàng hóa chở trên xe tải khoảng 17 tấn. Với mức tải trọng vượt trên 3 lần (29 tấn) mức cho phép là nguyên nhân chính gây ra sự cố trên. Do tài xế đã bỏ trốn nên cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đang truy nguồn gốc số hàng hóa chở trên xe tải biển số 78C-046.27 để có số liệu chính xác và tiếp tục điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm cụ thể. Dự kiến trong 5 ngày tới sẽ lắp lại nhịp giữa cầu Tân Nghĩa để phục vụ người dân đi lại.

Như đã thông tin, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 31/5, xe tải biển số 78C-046.27 do ông Hồ Thế Hữu (SN 1987, ngụ TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) làm chủ tải trọng 12 tấn và chở thêm hàng hóa hơn 17 tấn khoai mì trên xe, chạy qua cầu Tân Nghĩa có tải trọng 8 tấn gây sập nhịp giữa của cầu. Vụ tai nạn làm 1 xe ba gác đang chạy trên cầu rơi xuống sông cùng với xe tải. Nhịp giữa của cầu Tân Nghĩa sau khi bị sụp xuống kênh Tháp Mười 2 đè lên ghe tải sắt 32 tấn. Tài xế xe tải sau khi gây ra vụ sập cầu Tân Nghĩa đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Trong ngày 1/6, trong nỗ lực cứu hộ xe tải lên bờ, cần cẩu cứu hộ đã bị gãy đổ, khiến xe tải tiếp tục rơi xuống kênh.

Hồng Nam