Dấu chân Bác in trên xứ Lạng
Đời sống - Ngày đăng : 10:52, 18/05/2019
Trong suốt những năm lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân kháng chiến, dấu chân vạn dặm của Người ít nhất ba lần hằn in trên mảnh đất nằm nơi địa đầu của Tổ quốc này.
Lần thứ nhất Bác đặt chân lên xứ Lạng
Vào giữa năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã có bước phát triển mạnh và giành được nhiều thắng lợi quan trọng, có điều kiện chuyển sang giai đoạn phản công, tiến công giành quyền chủ động trên chiến trường. Tuy nhiên, việc quân Pháp ra sức củng cố phòng tuyến biên giới, mở rộng chiếm đóng ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, tăng cường đánh phá ta trên khắp các chiến trường đã ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến. Việt Bắc, hậu phương chính của kháng chiến lại nghèo và bị bao vây cô lập nên không đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu ngày một tăng của cuộc kháng chiến. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phá âm mưu địch phong tỏa biên giới phía Bắc, mở đường giao lưu giữa nước ta với các anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế.
Trong bối cảnh đó, tháng 6/1950, Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch trên hướng biên giới Đông Bắc thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Đây là một quyết định đúng đắn, chính xác, thể hiện tài thao lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phân tích, nhận định tình hình, chọn hướng và vận dụng thời cơ chiến lược, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến. Xuất phát từ yêu cầu chiến lược và tầm quan trọng của chiến dịch, ngày 27/7/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch để lãnh đạo, điều hành làm công tác chuẩn bị. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch.
Bác Hồ nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn ngày 23/2/1960
Do tính chất quan trọng của Chiến dịch Biên giới, đầu tháng 9/1950, Bác Hồ đã lên đường ra mặt trận để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên các lực lượng tham gia chiến dịch. Ngày 13/9, Bác rời Sở Chỉ huy chiến dịch đến mặt trận Đông Khê, trực tiếp theo dõi diễn biến và chỉ đạo trận mở màn chiến dịch tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê tại đài quan sát chiến dịch (ở đỉnh Ngườm Cuông, núi Báo Đông). Khi trận đánh gặp khó khăn, Người đồng ý với đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch cho các đơn vị lui ra ngoài rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại đội hình, củng cố thêm quyết tâm và chỉ thị: Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục, đánh cho kỳ thắng trận đầu...
Ngày 10/10/1950, khi Thất Khê (Tràng Định, Lạng Sơn) được giải phóng, Bác Hồ đã đi thị sát, nắm tình hình mặt trận ở đây. Sau đó Bác trở lại gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ chiến sĩ tham gia chiến dịch tại một địa điểm gần thị trấn Thất Khê, dưới chân đèo Bông Lau. Đó là lần thứ nhất Bác đến Lạng Sơn.
Đồng bào trong tim Bác
Gần 10 năm sau, vào ngày 23/2/1960, Lạng Sơn vinh dự được đón Bác về thăm. Nói chuyện với hàng ngàn đồng bào các dân tộc tại sân vận động Đông Kinh, Bác biểu dương: “Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã có nhiều cố gắng và thành tích. Đó là những ưu điểm, Trung ương và Chính phủ vui lòng khen ngợi toàn thể cán bộ và đồng bào”. Trong không khí xúc động, đầm ấm và thân thiết, Bác đã ân cần căn dặn đồng bào: “Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm, cơm no, nhà ở tử tế, được học hành. Muốn như vậy thì mọi người phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, hiểu rõ và làm cho đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Biên giới 1950
Cũng trong buổi nói chuyện, Bác cũng nhắc nhở những mặt mà Lạng Sơn làm chưa tốt, như tiểu thủy nông, phân bón, cải tiến nông cụ, bảo vệ trâu bò. Đặc biệt, Bác nhấn mạnh phải chú ý đến đặc điểm của Lạng Sơn là một tỉnh miền núi gồm nhiều dân tộc sinh sống, là tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, vì vậy phải chú ý làm tốt công tác dân vận, động viên đồng bào các dân tộc “phải hiểu thấu, phải nhớ kỹ, phải làm đúng”...
Sau buổi mít tinh, Bác đi thăm Bệnh viện tỉnh, Trường văn hóa quân đội, Trường thiếu nhi rẻo cao… Tới đâu Bác cũng đã đặc biệt chú ý nơi ăn chốn ở, công tác chăm sóc bệnh nhân của các y bác sĩ. Người còn tới tận giường bệnh thăm hỏi động viên bệnh nhân hay thăm các cháu thiếu nhi, hỏi han tình hình tăng gia sản xuất để đảm bảo đời sống của mọi người dân trong vùng…
Tháng 2/1961, trong chuyến công tác Cao Bằng, Bác đã tranh thủ thời gian để thăm hỏi đồng bào huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Nhân dịp năm mới, Bác gửi lời chúc đồng bào mạnh khỏe, công tác, sản xuất thắng lợi, học tập và tiến bộ tốt. Người cũng động viên đồng bào phải xây dựng hợp tác xã lớn hơn nữa như thế có nhiều người mới có đủ sức mạnh để sản xuất tốt, làm ra được nhiều thóc gạo của cải để đời sống ngày càng được nâng cao, cải thiện, đóng góp được nhiều cho xã hội. Bác ân cần căn dặn: “Bác nghe nói ở đây hợp tác xã còn nhỏ, còn ít. Đồng bào phải vào hợp tác xã, đoàn kết các dân tộc, xây dựng hợp tác xã vững mạnh, làm ăn tốt để tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Tiếp đó, Bác hỏi rất kỹ tình hình của huyện, tình hình nhân dân vào hợp tác xã ra sao, trồng màu, sản xuất thế nào. Bác căn dặn cán bộ: “Các chú nhớ là phải vận động, đưa nông dân vào hợp tác xã thật nhiều, cán bộ làm việc phải sâu sát dân, hiểu dân và vận động dân vào hợp tác xã sản xuất tốt mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được”…
Trước khi ra về, Bác căn dặn: “Bác đến chỉ được một chút thôi, Bác chúc đồng bào mạnh khỏe, tích cực sản xuất, công tác và học tập tốt. Bác gửi lời chào đến tất cả đồng bào địa phương”. Đây cũng là lần cuối cùng dấu chân Bác in trên xứ Lạng.
Nhớ mãi lời Bác dạy
Đáp lại tình cảm, sự quan tâm của Bác, những năm qua, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Lạng Sơn luôn đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thách thức, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Lạng Sơn đang ngày càng phát triển
Từ nội lực và tiềm năng sẵn có, những năm qua, Lạng Sơn đã nỗ lực kêu gọi, huy động các bộ ngành, các thành phần kinh tế giúp đỡ, tham gia củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông vốn có như đường hàng không, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cửa khẩu thông thương với nước bạn, tiếp tục mở rộng, nâng cấp thêm các đường tuyến huyện, xã. Nhờ đó mà ngày nay, nhiều con đường nối đồng bằng châu thổ sông Hồng lên tới những danh thắng nổi tiếng của tỉnh đã trở thành những con đường du lịch về văn hóa, lịch sử, thu hút du khách thập phương.
Có thể khẳng định rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã giành được những thành tựu nổi bật quan trọng. Nếu như thời kỳ từ 1986 - 2000, GRDP (tổng sản phẩm nội tỉnh) bình quân hằng năm tăng 7,53% thì đến giai đoạn 2010 - 2015, GRDP tăng bình quân hằng năm 8% trở lên. Tổng sản lượng lương thực từ 206 nghìn tấn năm 2000, tăng lên gần 320 nghìn tấn năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 còn 16,07%… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển vượt bậc, quốc phòng, an ninh được tăng cường củng cố, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; vai trò, hiệu lực lãnh đạo và uy tín của Đảng được nâng cao; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với công cuộc đổi mới được củng cố vững chắc.
Thất Khê, vùng đất khói lửa năm xưa giờ đang dần thay da đổi thịt, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Tràng Định. Phố sá sầm uất, nhà cao tầng mọc lên san sát. Thị trấn có chừng 1.200 hộ thì có đến 1/2 hộ tham gia kinh doanh dịch vụ, số gia đình thuần nông chưa đến 10%. Bên cạnh đó, được sự quan tâm đầu tư của huyện, của tỉnh, lại thụ hưởng dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 4A qua trung tâm, thị trấn đã có gương mặt mới, khang trang, thông thoáng.
Ước tính, đến năm 2020, cơ cấu kinh tế sẽ là thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, đưa thu nhập bình quân đầu người của Thất Khê lên 35 triệu đồng. Kéo giảm tệ nạn xã hội; tăng cường giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xây dựng văn hóa… đưa thị trấn Thất Khê không những là trung tâm chính trị, văn hóa của huyện Tràng Định, mà còn là trung tâm kinh tế, tạo đòn bẩy và sức lan tỏa để các xã trong khu vực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
60-70 năm đã trôi qua, nhưng những lời Bác dạy vẫn còn vang mãi. Lạng Sơn hôm nay đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để hướng tới những thành tựu lớn lao hơn trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh. Đó chính là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất của đồng bào để thực hiện lời dạy của Bác: Đoàn kết một lòng, cùng nhau xây dựng mảnh đất biên cương ngày càng giàu đẹp.