Bộ trưởng Giáo dục nhận lỗi về việc sinh viên ra trường thiếu việc làm
Chính trị - Ngày đăng : 14:49, 16/11/2016
Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân đến 2020 liệu có đạt được mục tiêu đề ra hay không và giải pháp trong thời gian tới; giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp đối với sinh viên mới ra trường; hướng đi nào để đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội… là những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/11.
Việc xây dựng các Đề án cần mang tính khả thi
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về việc có hoàn thành được mục tiêu đặt ra của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2020 (Đề án 2020) hay không và giải pháp để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết mục tiêu đã nêu trong Đề án 2020 đã đặt ra trước đây không đạt được vì dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, có tính chất lâu dài. Đây là nhiệm vụ không chỉ được đặt ra trước kia, hiện tại mà còn ở tương lai, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Để đạt được các mục tiêu như Đề án đặt ra cần thời gian, kinh phí lớn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng nay (16/11)
Nhận trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Đề án, Bộ trưởng cho rằng không chỉ riêng Đề án 2020 mà các Đề án khác cần hết sức thiết thực, khả thi, bám sát vào những giải pháp để thực hiện mục tiêu này. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát để điều chỉnh lại cách tiếp cận và mục tiêu. Đề án 2020 không chịu trách nhiệm đào tạo vấn đề ngoại ngữ cho tất cả các nhóm đối tượng chỉ nêu hướng dẫn chung. Cụ thể, chương trình, nội dung phải thống nhất, biên tập, biên soạn theo hệ thống, trong đó có sự hỗ trợ của Quốc tế, tránh tình trạng biên soạn theo năng lực các thầy cô; tập trung đào tạo năng lực giáo viên. Phương thức tổ chức giảng dạy được thực hiện theo phương châm không nhất thiết phải có bằng cấp, mọi người đều có thể tham gia học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế những chương trình học, phương thức đào tạo theo hướng đào tạo từ xa, còn các địa phương, cơ sở giáo dục và người dân phải phát huy; đặc biệt là nhấn mạnh xã hội hóa. Xã hội hóa phải là tâm điểm để tạo ra môi trường, động lực. Với tinh thần ấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh lại Đề án và tới đây sẽ trình Chính phủ về điều chỉnh Đề án này.
Bộ trưởng cho biết: Trong thời gian này, việc thực hiện Đề án có những kết quả nhất định. Đề án nhấn mạnh việc không chỉ tập trung đào tạo, giảng dạy cho sinh viên mà cần phải đào tạo toàn dân, thông qua việc "xóa mù tiếng Anh", để giao tiếp, không quá khó để tạo ra một xã hội học tập. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự điều chỉnh. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, đó là quá trình lâu dài nhưng nếu không có bước đi, lộ trình sẽ khó đạt được mục tiêu và lãng phí nguồn lực.
Khắc phục tình trạng sinh viên ra trường thiếu việc làm
Sinh viên ra trường và nỗi lo thất nghiệp - một vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay, gây bức xúc trong xã hội là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn. Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nêu thực tế: Hiện có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Nhưng ở các địa phương cũng có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, có nên tiếp tục đào tạo như vậy không? Đây cũng là quan tâm của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa),
Khẳng định đây là điều Bộ Giáo dục và Đào tạo đang băn khoăn, trăn trở, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Theo thống kê của Bộ, khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm. Số sinh viên tìm được việc làm ngay rơi vào các trường top trên còn phần lớn sinh viên không tìm được việc làm do tốt nghiệp ở các trường có chất lượng yếu kém, trường mới thành lập. Đây là vấn đề đang đặt ra và Bộ đang cố gắng sửa trong thời gian tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung điều chỉnh mạng lưới các trường đại học; áp dụng chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành những trường mới mở, hỗ trợ theo hướng thành phân hiệu hoặc thành trường thành viên của các trường đại học lớn. Mục tiêu là hướng tới là quy hoạch lại mạng lưới, hình thành nhóm các loại trường chất lượng.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ "siết" chặt đầu ra và đầu vào Đại học, Cao đẳng. Bộ đã chỉ đạo các trường phải báo cáo số lượng sinh viên tốt nghiệp. Nếu trường nào không báo cáo hoặc có số sinh viên không có việc làm cao, Bộ sẽ có giải pháp để hạn chế.
Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận, đề nghị Bộ trưởng làm rõ nội dung quy hoạch đào tạo gắn với nhu cầu thực tế hay chưa? Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với vấn đề này.
Nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố trong và ngoài nhà trường. Với trách nhiệm được giao, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung giải pháp đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu của thị trường; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp để có hình thức đào tạo bổ sung; đẩy mạnh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong triển khai khung hệ thống giáo dục công dân.
Bộ trưởng khẳng định: Cần quy hoạch lại hệ thống các trường để cung - cầu giống nhau; nâng cao chất lượng các trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên, cơ sở tài chính, quản trị. Đồng thời, cần có dự báo về thị trường lao động, bởi căn cứ vào công tác dự báo thị trường lao động căn cứ vào nhu cầu, phụ huynh, học sinh mới có thể lựa chọn được ngành học phù hợp. Tuy nhiên, đây là công việc chưa làm tốt, trong đó có một phần trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian tới, Bộ sẽ nỗ lực làm tốt hơn, đặc biệt là phối hợp tốt với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành khác để quy hoạch để làm tốt công tác dự báo thị trường lao động.
Thi trắc nghiệm là phương án phù hợp nhất hiện nay
Trả lời câu hỏi về việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Rút kinh nghiệm từ năm trước, kì thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 đã có điều chỉnh và được xã hội ghi nhận là có tiến bộ; song, vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục đổi mới. Theo Bộ trưởng, trong lộ trình đổi mới có rất nhiều thang bậc, Bộ Giáo dục và Đào tạo không muốn dồn cho xã hội mà trong quá trình thực hiện, mỗi năm hoàn thiện hoạt động này theo hướng ngày càng tiếp cận hợp lý. Đến năm 2016 có bước chuyển lớn là phương thức thi trắc nghiệm. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới nhưng chủ yếu tập trung vào vấn đề kỹ thuật.
Tranh luận về đào tạo về hình thức thi trắc nghiệm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thực tế: Thi trắc nghiệm có tác dụng đánh giá học sinh công bằng và tránh gian lận trong thi cử nhưng thực tế thể hiện điều ngược lại. Có trường hợp một học sinh giỏi nhất nhắc bài cho cả phòng thi, vì vậy, chỉ cần một bạn làm được bài, tất cả các bạn làm được bài. Liệu thi trắc nghiệm có phải là phương án ưu việt hay không?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định không có chuyện một em làm được bài, cả phòng thi làm được bài, bởi mỗi học sinh có một mã đề thi riêng, tổ hợp bài thi riêng với những câu hỏi đã được kỹ thuật chuẩn hóa. Đây là một trong những vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến tính minh bạch, tính khách quan của kỳ thi.
Bộ trưởng cho biết thêm: Việc quản lý kỳ thi, phương án thi và đổi mới căn bản giáo dục dã có bước đi, lộ trình cụ thể. Mỗi năm đều có sự cải tiến nhưng có sự tính toán chuyên môn, không đường đột. Học sinh "học gì thi nấy", "biến môn thành bài", dần dần tổng hợp các nội dung liên quan, sau đó thực hiện các môn thi tích hợp rất đơn giản. Thực hiện xong chương trình sách giáo khoa xong, khi đó, không phải thực hiện ba môn chập một như hiện nay mà học sinh chỉ thi môn tích hợp, rất nhẹ nhàng. Quá trình đổi mới là quá trình phải thay đổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cố gắng, tính toán kỹ hơn, thông báo cho xã hôi tốt hơn. Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi chung đã đi vào nền nếp, ổn định so với năm trước.
Thi trắc nghiệm không ngược lại với chủ trương tích cực và năng động. Phương pháp tổ chức thi từ thụ động sang phát huy năng lực. Với hàng triệu học sinh thi tốt nghiệp/năm với thời gian ngắn sẽ kiểm tra kiến thức toàn diện chứ không đi vào chuyên môn. Kỳ thi chung bảo đảm toàn diện, khách quan, đúng kiến thức phổ thông. Đã có một thời gian dài, tình trạng ứng thí kéo dài dẫn đến học sinh phải luyện thi đại học dẫn đến kiến thức cơ bản ở phổ thông yếu, kém. Thi trắc nghiệm không cứng nhắc mà là trắc nghiệm khoa học, yêu cầu học sinh không học thuộc một cách máy móc. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất cân nhắc đối với việc đổi mới phương thức thi, bởi đây là việc ảnh hưởng đến hàng triệu người. Không có phương án nào ưu việt tuyệt đối. Thi trắc nghiệm là phương án phù hợp nhất hiện nay. Đây là phương pháp đã được thực hiện ở nhiều nước. Phương pháp thi mang tính ổn định tương đối. Mỗi sự thay đổi linh hoạt cần có sự cân nhắc, tính toàn để giảm thiểu hạn chế, bức xúc cho xã hội...
Làm rõ thêm về hình thức thi này, Bộ trưởng nêu rõ: Số môn thi so với tổng số môn học chưa phải là nhiều. Trước năm 2014, học sinh phải thi 6-7 môn, tạo áp lực lớn cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự tính toán kỹ. Kiến thức thi không trải rộng trong cả 3 năm cấp ba mà chỉ tập trung vào lớp 12. Bên cạnh đó, mặc dù có 3 môn thi trong một bài thi nhưng các câu hỏi thi đã được cân nhắc để mọi học sinh đều có thể tham gia, độ khó của câu hỏi thi là phù hợp với điều kiện hiện nay... Đến nay thực tế cho thấy việc này hoàn toàn có thể áp dụng được. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lưu ý, nghiên cứu các giải pháp để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.