Bộ trưởng Công thương: Không có lợi ích nhóm ở siêu dự án thép Cà Ná

Chính trị - Ngày đăng : 20:42, 15/11/2016

Vấn đề làm nóng Quốc hội sáng 15/11, khi ĐB Phạm Thị Minh Hiền chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương "Vì sao dự án thép Cà Ná được đưa vào quy hoạch bất chấp phản đối của dư luận? Có hay không vấn đề lợi ích nhóm trong việc này?".

Bộ trưởng Công thương: Không có lợi ích nhóm ở siêu dự án thép Cà Ná

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định không có lợi ích ở dự án thép Cà Ná

Đi ngược lại chủ trương của Chính phủ 

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã đặt nhiều câu hỏi thẳng thắn với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi chất vấn về siêu dự án thép Cà Ná. Theo đại biểu Hiền, Thép Cà Ná là dự án không nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Dự án được đưa vào quy hoạch bất chấp sự phản đối gay gắt của dư luận, bất chấp sự lo lắng, hoang mang của người dân và sự phản biện cảnh báo mạnh mẽ của các chuyên gia kinh tế, môi trường về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển không chỉ ở vùng biển Ninh Thuận mà cả các vùng biển Khánh Hòa, Phú Yên...

"Đề nghị bộ trưởng trả lời thẳng, trả lời thật với cử tri cả nước về các vấn đề sau: Dù chỉ là bổ sung quy hoạch nhưng dự án đã đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là đánh đổi môi trường.

Có hay không xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án? Có hay không việc bộ đã và đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án? Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư?", đại biểu Hiền chất vấn.

Theo đại biểu Hiền, vậy việc bất chấp những phản biện khoa học, tâm huyết của các chuyên gia, để cơ quan chức năng bổ sung vào quy hoạch dự án này có được xem là hành vi dẫn đến tội ác hay không?

Không có lợi ích nhóm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trữ lượng quặng sắt của Việt Nam là 1,5 tỷ tấn nhưng hằng năm Việt Nam cũng phải nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD các sản phẩm sắt thép, dự kiến sẽ tăng lên khoảng 15 tỷ USD vào năm 2020. Hiện sản xuất trong nước mới có thể đáp ứng được sắt thép xây dựng, cũng như sản phẩm sắt thép chuyên ngành, còn về sắt thép cơ bản mới chỉ đảm bảo được thép thô cho cán thép và sản phẩm đầu ra là sắt các loại thì hầu như chưa có. Ngoại trừ một số thương hiệu của Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Thép có sản xuất thép nhưng quy mô còn nhỏ. Trong khi đó, mỏ sắt Thạch Khê có quy mô lớn, nếu có khả năng sản xuất thép thô, cán thép... thì người đứng đầu ngành Công thương khẳng định, mỏ này có thể đóng góp vào tăng trưởng hàng năm 0,3-0,4 % điểm GDP.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, quan điểm của Chính phủ là phát triển bền vững, đặc biệt về công nghiệp thì ưu tiên khai thác nguồn tài nguyên, đảm bảo sự phát triển của các ngành công nghiệp cơ bản, tạo nền tảng cho các ngành kinh tế khác, công nghiệp quốc phòng.

“Tôi khẳng định lại một lần nữa và khẳng định công khai tại diễn đàn là phát triển bền vững. Trong công nghiệp tiếp tục phát triển, ưu tiên khai thác nguồn tài nguyên hiện có. Chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá. Tôi cũng khẳng định một lần nữa không có lợi ích nhóm ở đây”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dự án thép Cà Ná đã được phê duyệt từ lâu và nằm trong quy hoạch thép trước đây, nhưng chủ đầu tư cũ không đảm bảo tài chính nên đã bị loại ra khỏi quy hoạch. Đến cuối năm 2015, Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã xin chủ trương đầu tư và Bộ Công thương căn cứ yêu cầu phát triển và dựa trên các vấn đề thực tế để xem xét dự án.

“Đây mới là điều chỉnh về quy hoạch, chứ không phải dự án đầu tư được phê duyệt. Thủ tướng giao Bộ, ngành xem xét, các vấn đề khác sẽ được thẩm định, phê duyệt. Khi đó dự án mới có hiệu quả về mặt pháp lý. Còn hiện tại, mới là điều chỉnh về quy hoạch, chứ không phải dự án đầu tư đã được phê duyệt. Dự án đã được xem xét cẩn trọng, đầy đủ quy trình và đã được phê duyệt về quy hoạch” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết thêm, trong quá trình xây dựng các dự án thép, không chỉ có dự án thép Cà Ná mà còn có dự án thép Dung Quất, cũng như các dự án thép trong quy hoạch về thép sẽ phải đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật, đặc biệt phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường, dựa trên bài học đã rút ra từ vụ việc Formosa. 

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen đầu tư có công suất 16 triệu tấn một năm, vốn đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD (hơn 230.000 tỷ đồng).

Dự án được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025.

Theo kế hoạch, Tập đoàn Hoa Sen sẽ triển khai dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ.

Khi hoàn thành, dự án có thể tạo công ăn việc làm cho khoảng 45.000 lao động. Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của Dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019. Nếu dự án được triển khai, Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất thép của khu vực với hàng loạt công trình lớn do doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, khi dự án thép Cà Ná đi vào triển khai không những sẽ gây thừa thép, mà quan trọng hơn là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, khó tránh khỏi các vấn đề về chất thải, không khí, tiếng ồn; đồng thời sẽ ngốn một lượng nước, điện năng không nhỏ, dẫn đến phá vỡ quy hoạch ngành điện.

Trọng Bằng