Đà Nẵng phản biện dự án bên sông Hàn: Thành phố cần giữ được môi trường đầu tư
Đời sống - Ngày đăng : 21:01, 07/05/2019
Sáng 7/5, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với hai dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư và dự án Olalani Riverside Tower do Công ty CP Mỹ Phúc làm chủ đầu tư. Cả hai dự án đều nằm ở bờ Đông sông Hàn (thuộc phường Nại Hiện Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Quan điểm trái chiều giữa Hội quy hoạch và chuyên gia thủy lợi
Tại hội nghị phản biện các nhà chuyên môn về thủy lợi đánh giá dự án trên không ảnh hưởng quá nhiều đến dòng chảy sông Hàn. Trong khi đó, đại diện một số hội tại Đà Nẵng lại kiên quyết yêu cầu dừng dự án.
Toàn cảnh hội nghị phản biện
Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng: Cần chú trọng đến lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững. Đây là hai mục tiêu tiên quyết mà Đà Nẵng hướng đến. Vì vậy, đề nghị không tiếp tục triển khai dự án. Theo ông Tiếng, nhìn dưới góc độ mỹ quan đô thị thì vấn đề lấn sông như Đà Nẵng hiện nay là rất khó chấp nhận.
Cùng chung quan điểm với ông Tiếng, KTS Phan Đức Hải – Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị TP phát biểu: “Theo chúng tôi không nên xây dựng các công trình như dự kiến. Tốt nhất nên dừng lại. Dẫu biết sẽ tốn kém thời gian, tiền bạc và uy tín. Nhưng nếu chính quyền thành phố và nhà đầu tư tháo gỡ từng bước dự án, cụ thể hóa bằng những giai đoạn trước mắt và trung hạn, biến khu vực ven sông thành công viên cảnh quan kết hợp du lịch thì cảnh quan sông Hàn trở thành một điểm đến hấp dẫn”.
Trái với những ý kiến của một số hội tại Đà Nẵng nêu trên, các chuyên gia thủy lợi đến từ các trường Đại học TP. HCM, Đại học Thủy lợi Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng... đã phân tích, đánh giá từ nhiều góc độ đồng thời đưa ra hướng xử lý cụ thể trên cơ sở khoa học.
TS Lê Hùng – Giảng viên khoa Xây dựng Thủy Lợi – Thủy Điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng có đánh giá, tình hình lũ tại Đà Nẵng trước và sau khi có dự án bến du thuyền là không có sự thay đổi đột biến về lũ trên sông Hàn. Theo PGS,TS. Lê Song Giang- Trường ĐH Bách Khoa TP HCM: Việc san lấp tại khu vực dự án Marina Complex không làm gia tăng ngập lũ của Đà Nẵng mà ngược lại đã giúp nắn lại dòng chảy làm thoát lũ tốt hơn. Việc san lấp này chỉ gây một tác động bất lợi nhỏ là trong trường hợp có lũ lớn sẽ làm gia tăng vận tốc tại đầu đê khoảng 13-14cm/s. Qua đó, giải pháp đưa ra ở đây là gỡ bỏ đoạn đê còn lại tại chân Hải đăng sẽ giúp nước chảy thẳng vào luồng bên phải đê và làm giảm vận tốc tại đầu đê. Việc gỡ bở đoạn đê ngay chân Hải đăng cũng sẽ làm phân bố vận tốc ở hai bên đê cân bằng hơn.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần phải hiểu được rằng sự phát triển là phải vượt qua cái cũ, cái hiện tồn mới có được một cái mới tốt đẹp. Như vậy phải thừa nhận “phát triển là phải đánh đổi”. Vấn đề chính quyền cần xác định, căn cứ vào đâu, vào gì để đánh đổi. Đặc biệt, không thể dựa vào tâm lý xã hội để đánh giá, phải có tính công khai minh bạch trong các dự án. Không thể quy lũ lụt của Đà Nẵng về dự án này. Ông Thiên kiến nghị thêm, chính quyền cần giữ được môi trường đầu tư bởi đặt ra giả thiết, nếu nhà đầu tư lớn không đầu tư vào Đà Nẵng nữa thì Đà Nẵng sẽ như thế nào?
Chủ đầu tư dự án Marina Complex nói gì?
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc công ty CP Quốc Cường Gia Lai, được mời phát biểu đầu tiên về Dự án Marina Complex mà công ty bà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Như Loan trình bày về dự án Marina Complex
Bà Loan trình bày, dự án Marina Complex đã trải qua 2 lần đánh giá tác động môi trường vào năm 2011 và 2017, đã có ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành cấp Trung ương về tác động của dự án đối với dòng chảy sông Hàn. Các kết quả đánh giá đến thời điểm đó đều khẳng định việc thực hiện dự án Marina Complex không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn và các vấn đề môi trường khác. Do vậy, doanh nghiệp mới được triển khai dự án đến giai đoạn hiện nay.
Theo bà Loan, công ty đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào dự án này, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, phát triển đô thị và cảnh quan TP Đà Nẵng. Ở đây, vấn đề lớn của dự án là hồ sơ pháp lý và tác động môi trường đều đã được chính quyền xem xét giải quyết trước khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Dư luận nhân dân TP Đà Nẵng quan tâm đến 2 vấn đề này cũng đã được TP Đà Nẵng giải quyết công bố công khai vào năm 2016... Là doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án, công ty luôn tuân thủ đúng pháp luật và các quyết định của các sở ban ngành và UBND TP trong các pháp lý phê duyệt cấp chứng nhận đầu tư, duyệt quy hoạch dự án và giấy phép xây dựng.
TS.Lê Hùng- không có sự thay đổi đột biến về lũ trên sông Hàn khi có và không có công trình
“Đến thời điểm này, công ty hoàn toàn không vi phạm bất cứ quyết định nào đã được phê duyệt trên. Tại Điều 47 Luật Đầu tư hoàn toàn không có quy định dừng thực hiện dự án để phản biện như công ty đang bị áp dụng hiện nay. Do đó, việc thực hiện tạm dừng dự án để phản biện là không đúng quy định của Luật Đầu tư, khiến công ty chúng tôi thực sự lo lắng về tính hợp pháp cũng như kết quả cuộc họp phản biện này. Chúng tôi đề nghị, với những ý kiến phản biện muốn chấm dứt hay điều chỉnh dự án, thì quý vị cần quan tâm, đánh giá một cách khách quan, đặc biệt là thiệt hại về kinh tế sẽ xảy ra nếu đề nghị dừng dự án thời gian dài mà công ty đã thực hiện một cách hợp pháp...”, bà Loan nói thêm.
Sau khi nghe trình bày của chủ đầu tư hai dự án cùng ý kiến phản biện của các đại biểu tham dự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, hai dự án Marina Complex và Olalani Riverside Tower đều có trong quy hoạch chung về phát triển KT-XH TP Đà Nẵng, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013. Đồng thời đã được TP Đà Nẵng cập nhật và phù hơp với đồ án quy hoạch phân khu khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và Bán đảo Sơn Trà, do TP phê duyệt năm 2017. Hai dự án này cũng đã hoàn thành các đánh giá tác động môi trường, nghĩa vụ tài chính, các quy hoạch chi tiết và đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên, trước những kiến nghị của người dân, của các nhà khoa học và dư luận, TP Đà Nẵng tạm dừng các dự án này để rà soát, nhằm tìm kiếm giải pháp về mặt quy hoạch không gian, nhằm đáp ứng được nguyện vọng của người dân theo đúng tinh thần của Thông báo số 331 của Thành ủy Đà Nẵng.
Theo ông Đặng Việt Dũng, chính quyền TP Đà Nẵng sẽ cùng với nhà đầu tư dự án nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, nhằm tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn. Đặc biệt, sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể.