Công đoàn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi của người lao động về BHXH, BHYT, BHTN
Đời sống - Ngày đăng : 09:00, 01/05/2019
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ngày 10/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổ chức công đoàn với vai trò và chức năng của mình đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tham gia quản lý, tham gia kiểm tra, giám sát và tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật người lao động. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng là lực lượng quan trọng, nòng cốt tham gia góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, để người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cũng như thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, các cấp công đoàn thường xuyên cập nhật các tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN để cung cấp cho công đoàn cơ sở và người lao động. Đặc biệt, chỉ đạo các công đoàn cơ sở quan tâm tập hợp, phản ánh các ý kiến của người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế.
Tổng Liên đoàn thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động, quan tâm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nói chung, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, những năm gần đây khi các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN được ban hành khá chi tiết, kịp thời, đồng bộ… thì nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN cho đoàn viên công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nói riêng càng được đẩy mạnh, quan tâm và đạt kết quả tốt.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các đơn vị truyền thông của tổ chức Công đoàn Việt Nam mở các chuyên trang, chuyên mục và đăng tải các tin, ảnh, bài viết, phóng sự tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã biên soạn, in ấn và phát hành hàng trăm nghìn tờ gấp, cẩm nang dành cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, giúp cán bộ công đoàn thuận lợi trong việc nắm bắt các quy định của pháp luật để tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài ra, còn tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, các cuộc tọa đàm, hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách, pháp luật với người lao động, các cuộc tuyên truyền pháp luật lưu động, tổ chức các trò chơi, tiểu phẩm cho công nhân khu nhà trọ... góp phần trang bị kiến thức, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động…
Công đoàn cũng đã chủ động nghiên cứu và tổ chức nhiều hội nghị để tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ công đoàn và người lao động tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật về BHXH
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trước tình hình các doanh nghiệp nợ đọng BHXH ngày càng tăng cao, năm 2014, Tổng Liên đoàn đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, Đoàn giám sát liên ngành cấp Trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 doanh nghiệp thuộc 4 - 6 tỉnh, thành phố.
Thông qua hoạt động giám sát đã giúp các cơ quan chức năng nắm bắt, đánh giá rõ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp; phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý trong thực hiện chính sách.
Cũng theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH. Đơn cử, năm 2017 tại 5 địa phương được Đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới trên 332 tỷ đồng. Có 7/14 doanh nghiệp được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1-3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỷ đồng.
Tại 14 doanh nghiệp được giám sát, có trên 1.200 người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Kết thúc giám sát, Đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của 5 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các doanh nghiệp khắc phục.
Song song với việc thanh tra, kiểm tra, Công đoàn đã triển khai công tác tư vấn pháp luật cho đoàn viên, người lao động về BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến tháng 12/2018, hệ thống Công đoàn đã thành lập 81 trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật, trong đó có 16 trung tâm (chiếm 20,25%), 45 văn phòng (chiếm 56,96%) và 18 tổ (chiếm 22,78%). Đã có 60/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố (chiếm 95,23%), 17/20 Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (chiếm 85%) thành lập trung tâm, văn phòng hoặc tổ tư vấn pháp luật.
Bên cạnh việc tư vấn, Công đoàn đã hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ người lao động tại 694 vụ án, giúp 3.177 người lao động được quay trở lại làm việc (với số tiền bồi thường hơn 65 tỷ đồng), truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 67.692 người lao động, chi trả trợ cấp thôi việc cho 3.514 người lao động. Tổ chức 14.558 cuộc tuyên truyền cho 926.112 lượt người; tổ chức, phối hợp tổ chức 96 lớp cho 6.590 lượt cán bộ công đoàn, người lao động.
Theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, từ ngày 1/1/2016, tổ chức công đoàn được giao quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Để tăng cường sự phối hợp trong việc thực hiện khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp quy định về việc trao đổi, cung cấp thong tin, tài liệu giữa hai cơ quan trong việc khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và tập thể người lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, các cấp công đoàn đã có nhiều nỗ lực trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, tuy nhiên nhiều vụ việc chưa được chính thức thụ lý do quy định của pháp luật hiện nay còn có bất cập. Ngoài ra còn một số lý do khiến việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chưa được như mong muốn. “Từ thực tế này, để bảo vệ quyền lợi người lao động, thời gian tới, Công đoàn Việt Nam tiếp tục phối hợp với Toà án để bàn các giải pháp, trong đó có việc chúng tôi nghiên cứu để kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc trực tiếp với các cơ quan, từ đó đề ra giải pháp để lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhằm giải quyết những vấn đề người lao động đang hết sức mong chờ”, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.