Ngày Quốc tế lao động ở Việt Nam xưa và nay
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 01/05/2019
Vậy ngày nguồn gốc của ngày Quốc tế lao động là từ đâu, ở Việt Nam có mốc thời gian nào không và theo thời gian thì ngày lễ này ở nước ta có sự thay đổi như thế nào hẳn là một bài toán mà không phải ai cũng rõ...
Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ năm 1886 tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, nước Mỹ. Do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng; ngày 1/5/1886, công nhân toàn TP. Chicago tiến hành bãi công, 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình khắp thành phố với khẩu hiệu chỉ làm việc 8 giờ/ngày và cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.
Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Tại Việt Nam, sau gần 100 năm đô hộ, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác lần thứ 1 và 2 trên lãnh thổ Việt Nam làm cho giai cấp công nhân có sự lớn mạnh về số lượng. Giai cấp công nhân Việt Nam phải lao động từ 10 đến 12 tiếng trong những điều kiện vô cùng eo hẹp, đồng lương nhận được không đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Từ thực tế và vai trò của giai cấp công nhân, khi xác định con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp đô hộ ở nước ta là cuộc cách mạng vô sản, nòng cốt là giai cấp công nhân.
Ảnh minh họa
Ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 1/5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình.
Cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 – 1931, từ thành thị đến nông thôn trên mọi vùng miền, nhất là vùng Nghệ Tĩnh, công nhân nói riêng và công nhân nói chung đã tổ chức mít tinh, biểu tình thị uy lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội. Tại đây, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới. Các thành phố và các tỉnh như Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Vinh, Nghệ An, Long Xuyên… đã tung bay lá cờ đỏ búa liềm, truyền đơn cách mạng trong làn sóng biểu tình, mít tinh.
Đặc biệt tại các nhà máy xe lửa Tràng Thi, nhà máy cưa, nhà máy diêm Bến Thuỷ, hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế. Máu thợ thuyền đã đổ.
Báo Người Lao Khổ của Khu bộ Vinh - Bến Thuỷ mấy hôm sau, viết rằng: “Lần đầu tiên, anh em lao - nông nắm tay nhau giữa trận tiền”.
Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn.
Sau khi giành độc lập dân tộc năm 1945, tròn một năm sau, ngày 2/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quy định công nhân, lao động được hưởng lương trong ngày nghỉ Quốc tế Lao động 1/5 hàng năm. Cũng từ đó, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.
Mặc dù, tình hình đất nước còn chưa thống nhất Bắc Nam; lại thêm, phải tập trung phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, ngày 1/5 giai đoạn này tại nhiều năm và nhiều nơi vẫn diễn ra những hoạt động khá quy mô và tiến bộ.
Từ năm 1975 đến nay, ngày 1/5 hàng năm luôn được kỷ niệm gắn với ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất hoàn toàn đất nước. Do đó, đại đa số nhân dân Việt Nam ta được nghỉ lễ tối thiểu hai ngày liên tục (30/4 - 1/5) nên rất thuận tiện cho việc đoàn tụ, xum họp gia đình hay cũng có thể là lên kế hoạch cho một dịp du lịch khá phù hợp ngày cuối xuân. Là thời điểm quan trọng và phù hợp cho đông đảo các đối tượng có thể nghỉ ngơi, thư giãn sau quãng thời gian cho công việc đầu năm. Ở góc độ người lao động, dịp lễ này còn là thời điểm khá thích hợp để suy nghĩ về lựa chọn công việc trong năm và lên phương án thay đổi hoặc phát triển công việc.
Không thể không kể đến sự kiện lễ Kỷ niệm 125 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886-1/5/2011), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động “Tháng Công nhân” năm 2011 và trở thành truyền thống của Việt Nam đến ngày nay.
“Tháng Công nhân” diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 31/5 thực sự là ngày hội của công nhân, viên chức, lao động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đồng thời chủ động tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Với bản chất tốt đẹp của mình, ngày Quốc tế Lao động luôn tự khẳng định được giá trị trong mọi thời gian. Đó thực sự là ngày hội, ngày đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong nước và trên toàn thế giới, phấn đấu cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.