Người lính già và ký ức về những trận đánh mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh
Đời sống - Ngày đăng : 11:37, 29/04/2019
Những ngày cuối tháng 4 nắng cháy, chúng tôi có dịp tới thăm cựu chiến binh Nguyễn Công Hộ (70 tuổi) trú ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông Hộ chính là một trong những người lính năm nào tham gia vào các trận đánh, mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn năm nào.
Cũng như bao thế hệ thanh niên lúc bấy giờ, theo tiếng gọi của non sông đất nước, tháng 6/1968, ông Hộ lên đường nhập ngũ. Sau thời gian ngắn huấn luyện tân binh, ông Hộ cùng các đồng đội tiến quân vào Sài Gòn, lúc bấy giờ ông thuộc C5A2V102 (thuộc Quân đoàn 4 Bộ chỉ huy quân miền Đông).
Nhớ lại những trận chiến năm nào, ông Hộ hồi hộp nói: “Đã ra trận chiến thì trận đánh nào cũng ác liệt và hiểm nguy cả. Dù biết là vậy nhưng tinh thần của các chiến sỹ và quân dân ta lúc nào cũng sục sôi muốn cầm súng chiến đấu”.
Ở chiến trường miền Nam là những trận đánh ác liệt giữa quân ta và địch, mở màn cho những trận chiến có tính chất quyết định lúc đó là Chiến dịch Phước Long.
Tỉnh Phước Long có địa bàn rừng núi, tiếp giáp với cực Nam Trung bộ và vùng giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp; là cửa ngõ, bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía Bắc; là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh - nơi tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương rất lớn đối với chiến trường Nam Bộ. Từ những nét đặc thù về vị trí địa lý khẳng định Phước Long là một địa bàn chiến lược quan trọng về quân sự.
Bộ Tư lệnh chủ lực miền Nam tiến công giải phóng Cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát ngụy ở Phước Long (ảnh tư liệu)
Nhận định đúng tình hình cũng như đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc bấy giờ. Sau quãng thời gian dài chuẩn bị cho chiến trường, quân ta mở đợt tấn công ở huyện Bù Đốp, tiêu diệt chi khu “Bù Đốp lưu vong”. Ta vừa chiếm giữ trận địa vừa truy quét địch xung quanh, vừa nghi binh kéo địch để tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tập trung vào các hướng tiến công chủ yếu.
Đến ngày 14/12/1974, ở hướng Bù Đăng - đường 14, các đơn vị chủ lực cùng với lực lượng địa phương tiến công giải phóng khu quân sự Đức Phong. Những ngày kế tiếp đó, ta tiếp tục giải phóng đoạn đường 14 từ Đức Phong đến yếu khu Bù Na, tiến công uy hiếp Đồng Xoài, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam.
Rạng ngày 31/12/1974 mở đầu trận quyết chiến giải phóng tỉnh Phước Long, pháo binh ta dồn dập bắn vào chi khu quân sự Phước Bình, sân bay Phước Bình. Cuộc chiến giằng co quyết liệt giữa ta và địch diễn ra suốt ngày. Đến tối ngày 31/12, lực lượng ta liên tục tiến công, siết chặt vòng vây các mục tiêu còn lại của địch ở Phước Long.
Trở về công tác ở địa phương, nay ông Hộ làm Chủ tịch Hội người cao tuổi. Ngoài ra vợ chồng ông còn chăm sóc bố đẻ là ông Nguyễn Công Nhẫn (95 tuổi) - Cán bộ Tiền khởi nghĩa.
Cũng trong những trận giao tranh ác liệt này, ông Hộ đã bị thương do trúng pháo kích của địch bắn vào vị trí đơn vị chiến đấu. Ông Hộ cho biết: “Lúc này pháo kích địch nã liên tục vào quân ta nên nhiều đồng đội thương vong, tôi may mắn chỉ bị thương ở bên hông và đầu. Sau khi được băng bó, tôi lại tiếp tục cầm súng chiến đấu”.
Sáng ngày 6/1, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên tất cả các hướng. Trước sự tấn công mãnh liệt của bộ đội ta, cuối cùng tất cả các mục tiêu trong thị xã đều bị tiêu diệt. Đến 19 giờ ngày 6/1/1975, thị xã Phước Long hoàn toàn được giải phóng.
Nhớ lại Chiến dịch Phước Long, ông Hộ cho biết: “Khu vực Phước Long lúc đó vốn là rừng núi, nên việc vận chuyển lương thực, đạn pháo, đi lại hết sức khó khăn. Thế nhưng lúc bấy giờ quân địch đã dần nhụt chí, trong khi đó quân ta lại tiếp tục dâng cao nên toàn quân, toàn dân khí thế chiến đấu hừng hực”.
Sau trận chiến Phước Long là Chiến dịch giải phóng Lâm Đồng. Một ngày cuối tháng 3/1975, Quân đoàn 4 nhận được lệnh tham gia trận đánh quan trọng vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc.
Vì Xuân Lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, để phòng giữ cửa ngõ phía đông của Sài Gòn, ngụy quân xác định “phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Chính vì thế họ đã biến Xuân Lộc thành nơi “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn.
Với những đóng góp của mình cho Tổ quốc, ông Hộ đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều Huân chương, Giấy khen, Bằng khen các loại.
Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt hơn bao giờ hết, cuối cùng rạng sáng 21/4, lực lượng còn lại của quân đội Mỹ ngụy tháo chạy, Xuân Lộc được giải phóng. Cánh cửa thép Xuân Lộc đã bị phá tan cho đại quân ta tiến vào mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nhớ lại thời khắc lịch sử đó, ông Hộ không giấu nổi sự xúc động, tự hào: “Sau khi Xuân Lộc bị thất thủ, tinh thần địch rệu rạo cả rồi, còn quân ta thì đang thắng nên hừng hực khí thế tiến quân về Sài Gòn. Lúc này hai bên đường quân ngụy đã bỏ hết vũ khí, mặc mỗi quần đùi áo lót đi dọc hai bên đường…”
Đến năm 1980, sau khi sang chiến đấu ở nước bạn Campuchia, ông Hộ trở về nhà ở xã Nhân Thành và kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương như Chủ tịch xã, Bí thư xã, Phó Chủ tịch Hội đồng xã… Đến tháng 4/2004, ông Hộ nghỉ hưu và nay làm Chủ tịch Hội người cao tuổi xã. Dù ở cương vị nào, nhưng với phẩm chất đáng quý của người lính Cụ Hồ, ông vẫn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đưa xã nhà ngày càng phát triển vững mạnh.
Đến nay, đã hơn 40 năm kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, nhưng những giây phút chiến đấu ác liệt, kiên cường ấy vẫn luôn thổn thức trong trái tim của người lính năm xưa, xen lẫn niềm tự hào và sự xúc động. Khoảnh khắc đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết, đến thời khắc lá cờ tung bay trên nóc nhà Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn Sài Gòn… vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức người lính năm xưa.