Nước mắt hạnh ngộ trong buổi lễ tri ân đặc biệt

Đời sống - Ngày đăng : 21:58, 28/04/2019

Ngày 28-4-2019, tại ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Mặt trận 479 – Quân khu 7 phối hợp cùng gia đình những nạn nhân bị oan sai, tổ chức buổi lễ đặc biệt, bước đầu thể hiện cái kết có hậu.

Ngày 28-4-2019, tại ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh (CCB) Mặt trận 479 – Quân khu 7 phối hợp cùng gia đình những nạn nhân bị oan sai, tổ chức buổi lễ đặc biệt, bước đầu thể hiện cái kết có hậu trên hành trình tìm công lý.

Tại đây, trước sự chứng kiến của các cựu chiến binh (CCB), luật sư, các nhà báo và đông đảo người dân địa phương, vợ chồng ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, người chịu án oan 40 năm trước đã đến tri ân người nuôi dưỡng đứa con ruột của mình và nhận lại con từ tay người mẹ nuôi nhân đức, tình nghĩa…

Nước mắt hạnh ngộ trong buổi lễ tri ân đặc biệt

Đông đảo bà con địa phương đến chia vui cùng gia đình các nạn nhân trong ngày hạnh ngộ

Nước mắt hạnh ngộ

Vợ chồng ông Chánh, bà Lan là hai trong số 8 nạn nhân bị oan sai trong vụ án xảy ra từ 40 năm trước, đã được Báo Quân đội nhân dân nhiều lần phản ánh trong gần 2 năm qua, bắt đầu từ loạt bài điều tra 2 kỳ “Vụ án oan của một gia đình cựu chiến binh ở Tây Ninh: Tiếng gọi công lý sau gần bốn thập kỷ”, đăng ngày 8 và 9-9-2017. Hồ sơ vụ án ghi rõ, khi bị Công an huyện Trảng Bàng bắt giam ngày 26-7-1979 vì nghi ngờ tham gia băng cướp có vũ khí, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, vợ ông Hồ Long Chánh đang mang thai tháng thứ 5. Đến ngày ở cữ, bà Lan được cán bộ trại giam Trảng Bàng đưa vào Nhà hộ sinh Trảng Bàng sinh con, sau đó tiếp tục đưa trở lại trại giam. Do bị giam giữ, cuộc sống thiếu thốn, hoảng loạn tinh thần nên sau khi sinh con, bà Lan bị trầm cảm, mất trí nhớ, bỏ đi lang thang. Sau 1 tuần thì bị bắt trở lại, bà tưởng con mình đã chết. Trong khoảng thời gian đó, ông Trần Quốc Lục, cán bộ Công an huyện Trảng Bàng khi đi công tác cơ sở, phát hiện cháu bé bị bỏ rơi trong nhà giam, đã xin đem về nuôi. Bà Ngô Thị Phanh (nay đã 82 tuổi), vợ ông Lục, kể lại:

Nước mắt hạnh ngộ trong buổi lễ tri ân đặc biệt

Gia đình ông Chánh, bà Lan phối hợp với các CCB Mặt trận 479 tặng bức khánh tri ân gia đình ông Lục, bà Phanh..

 

-Tui nghe ổng (ông Lục) nói có một đứa bé bị người mẹ tâm thần bỏ rơi trong nhà giam, liền đi cùng ổng vô coi. Vợ chồng tui gặp ông Út Hiệp, Phó Công an huyện Trảng Bàng. Ông Út nói: “Chị vô ẵm đứa bé giùm tui đi. Nó khóc dữ quá. Để lâu, sợ nó chịu hổng nổi thì nguy lắm”. Tui cởi ngay chiếc khăn len lót nó vô, ẵm và cho uống sữa thì nó nín. Nghĩ là cái duyên trời định nên tui xin ông Út được đưa nó về nhà chăm sóc. Năm 1985, nhà tui qua đời. Tui nuôi nấng nó từ đó đến nay.

Đón đứa bé về, vợ chồng ông Lục, bà Phanh đặt tên con là Trần Ngọc Tuyết. Do bé bị sinh non, sức khỏe yếu, khó nuôi nên về sau ông bà đổi tên con là Hòa.

Về phần ông Chánh, bà Lan, sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Tây Ninh trả tự do vào tháng 5-1983 sau gần 4 năm bị giam oan, trở về quê không có đất, ruộng làm ăn nên phải chạy vạy khắp nơi bươn chải mưu sinh. Ông Chánh kể lại trong nước mắt:

-Sau khi được trả tự do, tụi tui phải tạo lập cuộc sống từ hai bàn tay trắng. Suốt 40 năm qua, vợ chồng tui chưa lúc nào nguôi ngoai nỗi đau mất con. Cứ nghĩ nó đã bị chết trong tù, ai ngờ lại có ngày hôm nay. Khi gặp con, tui nhận ra nó ngay vì gương mặt nó giống tui như đúc.

Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn), nạn nhân đầu tiên được minh oan và nhận bồi thường thiệt hại từ Viện KSND tỉnh Tây Ninh, cho hay:

-Sự việc được phát hiện sau khi Báo Quân đội nhân dân lên tiếng đòi công lý cho các nạn nhân. Nhờ truyền thông, tụi tui phát hiện thông tin về cháu Tuyết (Hòa). Hôm nay là một ngày rất đặc biệt của đại gia đình. Niềm vui, niềm hạnh phúc này giúp tụi tui thấy ấm lòng và thêm niềm tin vào công lý, vào tình người

Nước mắt hạnh ngộ trong buổi lễ tri ân đặc biệt

Các phóng viên và luật sư chia vui cùng gia đình chị Hòa

Dấu son của tình người

Anh Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1959, con trai của ông Lục, bà Phanh, tâm sự:

-Biết Tuyết (Hòa) là em nuôi nhưng tui luôn yêu quý, chăm sóc em như em ruột. Ba má và tui chưa bao giờ hé lộ cho em biết về thân nhân của mình, sợ làm em buồn.

Chị Hòa rơm rớm nước mắt:

-Sau khi tui lấy chồng, má tui mới cho tui biết sự thật và khuyên tui nên đi tìm ba mẹ ruột của mình. Má nói, má đã già yếu, không sống được bao lâu nữa. Con cần phải biết gốc gác của mình. Tui có dò la nhưng vì không có thông tin gì, cuộc sống lại khó khăn nên đành chịu. Có được niềm hạnh phúc ngày hôm nay, tui vô cùng biết ơn Báo Quân đội nhân dân, các chú các bác CCB Mặt trận 479, các luật sư… đã hết lòng hết sức, tận tâm, tận lực đi đòi công lý và tìm lại niềm hạnh phúc cho gia đình tui. Hiện tại, tui có chồng và các con, cuộc sống gia đình ổn định.

Chị Hòa cũng cho biết, tìm được ba mẹ ruột nhưng chị vẫn ở nhà mẹ nuôi, phụng dưỡng, tri ân công lao dưỡng dục của ba mẹ nuôi và anh Hai trong suốt 40 năm qua và sẽ qua lại thường xuyên thăm ba mẹ ruột.

Buổi lễ tri ân ngập tràn không khí hạnh phúc, nụ cười hòa cùng nước mắt. Đại tá Nguyễn Văn Bạch, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, Phó trưởng Ban liên lạc truyền thống CCB Mặt trận 479 xúc động nói:

-Sau hơn 2 năm đấu tranh, với sự vào cuộc kịp thời, đầy trách nhiệm của Báo Quân đội nhân dân và một số cơ quan báo chí khác, chúng ta vui mừng vì các nạn nhân đều đã tìm được ánh sáng công lý. Vụ án oan sai đang đi đến một cái kết có hậu. 8 nạn nhân không những sẽ được trả lại công bằng, được xin lỗi công khai, mà đại gia đình họ còn có thêm niềm hạnh phúc đặc biệt khi nhận lại đứa con bị thất lạc từ 40 năm trước.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt các nhà báo, Thượng tá Phan Tùng Sơn, Phó trưởng Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP.Hồ Chí Minh chúc mừng cuộc hạnh ngộ đầy cảm động của gia đình ông Chánh, bà Lan, bày tỏ ngưỡng mộ tình yêu thương sâu nặng của ông Lục, bà Phanh dành cho chị Hòa. Thượng tá Phan Tùng Sơn khẳng định: Ngay từ khi tiếp nhận thông tin vụ án, Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân, trực tiếp là đồng chí Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đã xác định đây là vụ việc phức tạp, có ý nghĩa quan trọng đến sinh mệnh chính trị, cuộc sống của cả một dòng họ nên đã chỉ đạo nhóm phóng viên tổ chức xác minh thông tin cẩn trọng, thực hiện các vệt, loạt bài điều tra kịp thời. Vừa tuyên truyền trên báo, Báo Quân đội nhân dânvừa tác động, lấy ý kiến của Quốc hội, VKSND tối cao, cung cấp chứng cứ, thúc đẩy việc xử lý của cơ quan chức năng các cấp. Việc ông Chánh, bà Lan tìm lại được con ruột của mình sau 40 năm thất lạc là một dấu son mang tính nhân văn sâu sắc.

Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay, ông đã nhận được thông báo của VKSND tỉnh Tây Ninh về việc, cơ quan này sẽ tổ chức buổi xin lỗi công khai trong thời gian gần nhất.

 

Theo Báo Quân đội nhân dân