0 giờ ngày 1/4, bắt đầu Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc với 5 đột phá mới
Đời sống - Ngày đăng : 15:07, 31/03/2019
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 chính thức bắt đầu từ 0 giờ ngày 01/4/2019. Ảnh minh họa
Diễn ra trong 25 ngày trên quy mô toàn quốc
Việt Nam tiến hành cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở đầu tiên năm 1979. Tiếp đó, chúng ta tiếp tục tiến hành ba cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở vào các năm 1989, 1999 và 2009 nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dân số, nhân khẩu học và nhà ở trên phạm vi toàn quốc.
Các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở đều được thực hiện theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về phương pháp luận nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của quốc gia, phục vụ mục đích so sánh quốc tế và tổng hợp dữ liệu toàn cầu.
Qua mỗi chu kỳ, Tổng điều tra dân số và nhà ở đều có những bước đổi mới, cải tiến cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin trong nước và quốc tế. Trong cuộc Tổng điều tra đầu tiên năm 1989, Việt Nam áp dụng các khái niệm, định nghĩa, phương pháp thiết kế và quy trình xử lý số liệu hiện đại được quốc tế thừa nhận. Đến năm 1999, Tổng điều tra đã bổ sung một số nội dung nghiên cứu nhằm thu được nguồn số liệu toàn diện về kinh tế - xã hội và nhân khẩu học của Việt Nam. Năm 2009, Tổng điều tra dân số và nhà ở tiếp tục được thiết kế với hai chiến lược mới, đó là sử dụng cỡ mẫu 15% để mở rộng nội dung điều tra nhằm biên soạn một số chỉ tiêu cơ bản đại diện đến cấp huyện và áp dụng công nghệ nhận biết ký tự thông minh để nhập tin phiếu điều tra, qua đó nâng cao mức độ chính xác và rút ngắn thời gian xử lý số liệu.
Năm nay (2019), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tiến hành tổng điều tra dân số trên quy mô lớn. Theo Quyết định 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 từ 0 giờ ngày 01/4/2019.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (Tổng điều tra) nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số.
Nội dung điều tra, bao gồm: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động - việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Thời gian thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 01/4/2019. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7 năm 2019, kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý IV năm 2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý II năm 2020. Các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý IV năm 2020.
Công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra
Về công tác chuẩn bị, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, cuộc Tổng điều tra này được đặt trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn của Tổng điều tra và áp dụng các phương pháp luận điều tra mới của thế giới. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được chuẩn bị từ rất sớm. Trong đó, tập trung nhất trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
Thời gian qua, một số nhóm công việc đã được chuẩn bị tích cực. Trước hết, tổ chức và bộ máy chỉ đạo chuẩn bị và thực hiện Tổng điều tra từ Trung ương đến địa phương đã được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cơ quan thường trực thực hiện Tổng điều tra - đã nghiên cứu thiết kế phương pháp luận Tổng điều tra theo hướng phù hợp với yêu cầu thông tin và điều kiện áp dụng của Việt Nam. Đồng thời bảo đảm phương pháp luận quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin giúp nâng cao chất lượng thông tin, giảm thời gian sản xuất số liệu, giảm kinh phí Tổng điều tra.
Tiếp theo, hàng loạt công tác nghiệp vụ để chuẩn bị Tổng điều tra đã được triển khai. Cụ thể như: Thiết kế các loại phiếu hỏi, các loại phần mềm ứng dụng, xây dựng các tài liệu hướng dẫn và thực hiện tập huấn cho lực lượng tham gia Tổng điều tra; phân chia địa bàn điều tra thống kê và vẽ sơ đồ nền xã/phường; lập và cập nhật bảng kê hộ trong hai giai đoạn; xây dựng mạng lưới Tổng điều tra và phân quyền cho lực lượng tham gia Tổng điều tra trên hệ thống quản lý điện tử tập trung của Tổng điều tra, thử nghiệm và hoàn thiện toàn bộ hệ thống…
Ngoài ra, còn có việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền dữ liệu, bảo mật thông tin…; thực hiện các thủ tục hành chính phục vụ chuẩn bị và tổ chức Tổng điều tra; xây dựng kế hoạch truyền thông để tuyên truyền Tổng điều tra trong các giai đoạn cụ thể.
"Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị Tổng điều tra dân số và nhà ở đã hoàn thành và sẵn sàng cho ngày 1/4/2019" ông Tuấn Anh khẳng định.
5 đổi mới quan trọng mang tính đột phá
Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và nhà ở Trung ương cho biết, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 được thiết kế với 5 đổi mới quan trọng mang tính đột phá.
Thứ nhất, ứng dụng CNTT trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra dân số và nhà ở. So với năm 2009, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 đã cải tiến cả và phương pháp và hình thức thu thập thông tin.
Trước hết về phương pháp thu thập thông tin, nếu như Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 chỉ sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp (điều tra viên thống kê phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra và ghi chép thông tin), Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 áp dụng cả hai phương pháp là điều tra trực tiếp và điều tra gián tiếp (hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến).
Về hình thức thu thập thông tin, ngoài việc sử dụng hình thức phiếu giấy in sẵn như năm 2009, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 áp dụng thêm hai hình thức thu thập thông tin mới: Điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet (còn gọi là Webform).
Do thay đổi về phương pháp và hình thức thu thập thông tin, nhiều công đoạn khác của Tổng điều tra dân số và nhà ở cũng đã được thay đổi theo hướng ứng dụng CNTT bao gồm: Lưu trữ và sử dụng sơ đồ nền xã/phường, lập danh sách thôn/tổ dân phố và địa bàn điều tra, lập và cập nhật Bảng kê hộ, chọn mẫu hộ, nhắn tin và gửi thư điện tử (email) đến các hộ đăng ký thực hiện Webform, kiểm tra và duyệt số liệu trực tuyến.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, việc cải tiến này đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở, giảm kinh phí điều tra trong dài hạn và phù hợp với xu hướng tổ chức điều tra của thế giới.
Thứ hai, áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng hai giai đoạn nhằm bảo đảm tính đại diện cấp huyện và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh điều tra toàn bộ nhằm thu thập thông tin cơ bản về tình hình dân số và nhà ở của dân cư, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 sẽ thu thập thông tin chuyên sâu về dân số, nhân khẩu học và nhà ở thông qua điều tra mẫu nhằm bảo đảm tính đại diện của các chỉ tiêu đến cấp huyện, đồng thời giảm tải khối lượng công việc và tiết kiệm chi phí Tổng điều tra dân số và nhà ở.
Cụ thể, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 áp dụng phương pháp phân tầng hai giai đoạn. Trong đó, bước 1: Phân bổ và chọn mẫu phân tầng theo huyện; trong mỗi huyện, các địa bàn điều tra mẫu được chọn theo phương pháp xác suất tỷ lệ với quy mô; bước 2: Trong từng địa bàn điều tra mẫu, các hộ mẫu được chọn ngẫu nhiên hệ thống theo khoảng cách. Theo đó, số lượng địa bàn mẫu là khoảng 40% tổng số địa bàn và quy mô mẫu chiếm khoảng 9% tổng số hộ trên cả nước.
Thứ ba, lồng ghép thông tin đáp ứng các chỉ tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình, thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể tương ứng với các mục phát triển bền vững toàn cầu được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9/2015.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, ngoài thông tin cơ bản về tình hình dân số, nhân khẩu học và nhà ở, một số thông tin phục vụ đánh giá thực hiện các chỉ tiêu SDGs đã được thiết kế để thu thập trong Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019. Thực tế Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 sẽ cung cấp thông tin phục vụ tính toán và đánh giá khoảng 10% các chỉ tiêu SDGs của Việt Nam.
Thứ tư, cải tiến quy trình vẽ sơ đồ nền xã/phường và phân chia địa bàn điều tra để giảm kinh phí thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở. Địa bàn điều tra sử dụng trong công tác thống kê là khu vực địa lý nơi có dân cư sinh sống, có ranh giới rõ ràng hoặc tương đối rõ ràng. Về cơ bản, địa bàn điều tra là các thôn, buôn, xóm, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, tiểu khu.
Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 quy định mỗi địa bàn điều tra có quy mô trung bình khoảng 120 hộ dân cư. Mỗi xã/ phường gồm nhiều địa bàn điều tra và ranh giới các địa bàn điều tra ghép lại sẽ thành bản đồ của xã/ phường đó.
Theo phương pháp luận quốc tế, sơ đồ sử dụng trong Tổng điều tra dân số và nhà ở gồm sơ đồ nền xã/phường và sơ đồ chi tiết đến từng ngôi nhà/đơn vị nhà ở (sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra) nhằm bảo đảm không tính trùng hoặc bỏ sót dân số trong quá trình điều tra thực địa. Các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây đã thực hiện vẽ sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn kinh phí Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 hạn chế nhiều hơn so với các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trước, công tác vẽ sơ đồ đã được nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng chỉ thực hiện vẽ sơ đồ nền xã/phường nhưng vẫn thể hiện rõ ranh giới giữa các địa bàn điều tra, các vật định hướng nhằm phục vụ công tác thu thập thông tin. Việc không thực hiện vẽ sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra đã tiết kiệm NSNN ước tính khoảng 100 tỷ đồng.
Thứ 5, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 là căn cứ để đề xuất tiến tới không thực hiện Tổng điều tra 2019. Tổng điều tra dân số và nhà ở là nguồn thông tin chủ yếu và tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học và tình trạng nhà ở của dân cư nhằm đáp ứng các mục tiêu về tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được luật định, đồng thời cũng là nguồn thông tin phục vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong đánh giá tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách liên quan tới người dân và các chính sách phát triển đất nước.
Hiện nay thông tin về dân số từ Tổng điều tra dân số và nhà ở chỉ được cung cấp 10 năm một lần. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện có nhiều nguồn dữ liệu sẵn có liên quan đến dân số như dữ liệu từ hệ thống thống kê hộ tịch của Bộ Tư pháp, hệ thống thống kê hành chính của ngành công an, y tế; tuy nhiên, dữ liệu từ các nguồn này hầu như chưa đáp ứng yêu cầu về tổng hợp dữ liệu dân số do một số lý do như: Thông tin thu thập không đủ chi tiết; mỗi hệ thống thông tin sử dụng các quy ước và khái niệm về dân số khác nhau; cơ chế chia sẻ thông tin giữa hầu hết các cơ quan, bộ ngành có liên qua với Tổng cục Thống kê chưa được thiết lập một cách hiệu quả.
Do đó, nhằm cải thiện tính kịp thời của thông tin về dân số cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu sẵn có, giảm gánh nặng tài chính cho NSNN và tận dụng tối đa các lợi thế của CNTT, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 được kỳ vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số, từ đó đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới không thực hiện Tổng điều tra 2019.
Dữ liệu, thông tin thống kê được bảo mật
Một trong những băn khoăn trước thếm diễn ra Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 là những thông tin cá nhân được người dân cung cấp cho điều tra viên thống kê có được giữ kín, được bảo mật an toàn trên hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Thống kê không? Liệu thông tin đó có được sử dụng cho các mục đích khác?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương khẳng định rằng, “Bảo mật dữ liệu, thông tin thống kê” là một trong những nguyên tắc cơ bản của sử dụng dữ liệu và thông tin thống kê. Theo quy định tại khoản 2b, Điều 34, Luật Thống kê, điều tra viên thống kê có nghĩa vụ “Giữ bí mật thông tin thu thập từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê”. Ngoài ra, Điều 57 Luật Thống kê cũng quy định rất cụ thể về vấn đề bảo mật thông tin thống kê Nhà nước.
Do đó, những thông tin cá nhân mà người dân cung cấp cho điều tra viên thống kê sẽ được bảo đảm giữ bí mật, chỉ được sử dụng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, quản lý và điều hành chính sách chung; không sử dụng thông tin chi tiết của từng cá nhân cho các mục đích khác.
Tất cả các cuộc Tổng điều tra và điều tra thống kê đều thực hiện công tác số hóa dữ liệu. Tuy nhiên, đối với Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, công tác số hóa được thực hiện đồng thời (song song) với quá trình thu thập thông tin.
Cùng với đó, một số yêu cầu cụ thể về việc bảo mật dữ liệu Tổng điều tra cũng đã được quy định cụ thể đối với từng điều tra viên thống kê, giám sát viên và các cấp quản lý. Dữ liệu Tổng điều tra được quản lý tập trung và sử dụng phân tán theo phân quyền cho từng cấp; dữ liệu đã được thu thập và gửi về máy chủ của Tổng điều tra và sử dụng cho công tác kiểm tra, không chuyển ngược dữ liệu từ máy chủ về các thiết bị cá nhân. Do vậy, dữ liệu tổng thể của Tổng điều tra sẽ bảo đảm được bảo mật.
Thành lập BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp Theo Quyết định, thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp. Cụ thể, ở trung ương, thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương gồm: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban; 2 Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Phó Trưởng ban thường trực); Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm; Ủy viên là lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương. Ở địa phương, thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện gồm: 1 Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng ban; Thủ trưởng Cơ quan Thống kê cùng cấp làm Phó Trưởng ban thường trực; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Ngoại vụ, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Dân tộc, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp làm Ủy viên; 1 Phó Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm Ủy viên thường trực. Thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã gồm: 1 Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng ban; Trưởng Công an, Mặt trận Tổ quốc, công chức về địa chính tại xã, phường làm Ủy viên; 1 công chức văn phòng - thống kê làm Ủy viên thường trực. Đối với các tỉnh vùng cao, vùng biên giới và hải đảo, bổ sung Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan trực thuộc tại cấp huyện và cấp xã là thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cùng cấp. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở từ cấp huyện đến cấp trung ương được thành lập Văn phòng giúp việc do cơ quan Thống kê cùng cấp chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương; Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện và Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã tự giải thể sau 5 ngày kể từ ngày Ban Chỉ đạo Tổng điều tra trung ương công bố kết quả điều tra toàn bộ Tổng điều tra. |