Thu phí giao thông: Tận thu gây bức xúc

Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012

Việc thu phí giao thông nhằm giải quyết vấn đề ngân sách để phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc. Tuy nhiên, vấn đề dư luận đặt ra là thu như thế nào; đối tượng, phương tiện áp dụng ra sao để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là sự công bằng, hợp lý cho mọi người dân.

Phương tiện tham gia giao thông hiện đã gánh nhiều khoản phí


Không “dùng” cũng phải trả tiền


Trong đề án Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt được áp dụng với bất kỳ công dân nào của 5 thành phố lớn (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), không phân biệt giàu nghèo, thành thị hay nông thôn, tham gia giao thông ít hay nhiều là điều cần phải bàn.


Theo số liệu của cuộc tổng điều tra dân số ngày 1-4-2009, tổng số dân Hà Nội gần 6,452 triệu người, trong đó có 2.632.087 cư dân thành thị (chiếm 41,9%) và 3.816.750 cư dân nông thôn (chiếm 58,1%). Nếu dự án luật thu phí giao thông đi vào cuộc sống thì có đến hơn 1/2 dân số Thủ đô hiện đang sống tại nông thôn cũng phải còng lưng gánh vác cái khoản thu này, ngang bằng người thành thị. Mặc dù ai cũng biết, nguyên nhân lớn nhất gây ùn tắc và làm xuống cấp các công trình giao thông không phải đến từ nhóm đối tượng nông dân này.


Với sự cào bằng, đánh đồng đối tượng để thu như vậy, vô tình tạo nên sự phản kháng của đa số người dân nông thôn. Ông Lại Tiến Dương (ở Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội) thắc mắc: “Tôi già rồi, ít khi ra khỏi cái làng này, thỉnh thoảng có đi đâu xa toàn xe khách, xe ôm. Chiếc xe máy chỉ để chạy loanh quanh thăm hàng xóm, láng giềng hoặc đi chợ mua mớ rau, con cá. Nói là thu phí giao thông, vậy những người thành phố chạy xe cả ngày, dù ùn tắc cũng còn có đường nhựa phẳng lì mà đi, đèn điện sáng choang, còn nông dân chúng tôi, đường đất bụi mù, chưa mưa đã ngập ngụa phân trâu, phân bò… chẳng lẽ cũng phải nộp ngần ấy? Tôi thấy nó bất công quá”.


Sử dụng nguồn ngân sách như thế nào?


Việc thu phí giao thông về cơ bản nhằm bổ sung thêm ngân sách của Nhà nước cho việc xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông vận tải. Đồng thời để người dân có ý thức rõ hơn về trách nhiệm đóng góp của mình đối với sự phát triển chung của toàn xã hội. Nhưng, vấn đề đặt ra là tiền dân đóng góp cho Nhà nước là rất lớn, lên đến hàng chục ngàn tỷ mỗi năm, vậy việc sử dụng nguồn ngân sách khổng lồ đó như thế nào để tránh tình trạng gây lãng phí. Bởi từ lâu nay, làm một con đường tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức của dân, nhưng cuối cùng lại bị xẻ lên xẻ xuống, đào bên này lấp bên kia, đường xuống cấp nghiêm trọng, góp phần làm tắc đường, ô nhiễm môi trường, thiệt hại kinh tế.

Phương án thu phí lưu hành được Bộ Giao thông trình Chính phủ như sau: ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả xe ôtô vừa chở người, vừa chở hàng), có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống mức phí 20 triệu đồng/năm; dung tích trên 2.000 - 3.000 cm3 mức phí 30 triệu đồng/năm, dung tích trên 3.000 cm3 mức phí 50 triệu đồng/năm. Với loại xe máy có dung tích dưới 175 cm3 mức phí 500.000 đồng/năm, còn loại dung tích từ 175cm3 trở lên mức phí 1 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất mức thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm (miễn thu phí với các loại xe công và xe buýt), dự kiến 30.000 đồng/lượt với ôtô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt với các loại ôtô còn lại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên đem Việt Nam ra so sánh với Mỹ, Anh, Singapore hoặc một quốc gia nào đó trên thế giới để thu phí này nọ. Bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, quan trọng người cầm cân nảy mực, người “chủ gia đình” phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Và, nếu đưa ra quan điểm so sánh như vậy, cũng cần phải đặt ra câu hỏi: Nước ngoài họ làm đường sử dụng tiền của, ngân sách ít hơn mình rất nhiều nhưng chất lượng công trình giao thông của họ hàng mấy chục năm chưa hư hại, nước mình sử dụng chưa được 5 năm? Nếu mình cũng làm được con đường sử dụng tốt như họ, số tiền bỏ ra để tu sửa hàng quý, hàng tháng kéo dài từ nhiều năm nay có thể làm thêm bao nhiêu con đường mới nữa? Liệu đó có phải chính là sự yếu kém trong khâu quản lý, giám sát?


Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nêu ý kiến: Chỉ nên áp dụng phí lưu thông phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, còn việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân nhằm tránh ùn tắc không hợp lý. Bởi, người dân đã bỏ tiền ra nộp phí, người ta không thể dựng xe ở nhà mà không sử dụng. Đồng thời trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án thu phí của Bộ GTVT, nên lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội.


Thiết nghĩ, bất cứ một quyết sách nào trước khi được đưa vào thực tiễn cũng cần đảm bảo tính công bằng cho mọi người dân, để họ nhận thấy rằng, những quyết sách đó không phải là gánh nặng.

Nguyễn Trung Thành

congly.com.vn