Kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3: Hành trình vượt lên định kiến
Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 07/03/2019
Thời khép mình theo “tam tòng, tứ đức”
Đối với gia đình, từ xưa đến nay không ai có thể phủ nhận được vai trò của người phụ nữ. Nếu gia đình được coi là “tế bào của xã hội” thì người phụ nữ được coi là “hạt nhân” của tế bào này. Ảnh hưởng của người phụ nữ không chỉ tác động mà còn quyết định đến hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống gia đình. Với vai trò thiên bẩm làm mẹ, người phụ nữ đã sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái từ bé cho tới lớn.
Trong thời đại phong kiến, người phụ nữ chỉ làm nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc chồng con, phụng dưỡng bố mẹ chồng, không hề tham gia các hoạt động xã hội, sống khép mình theo khuôn khổ “tam tòng, tứ đức” kiểu nho giáo. Không chỉ là người sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình, nâng giấc, chăm lo bữa ăn… cho các thành viên, họ còn phải xây dựng hậu phương vững chắc, động viên, giúp đỡ chồng con vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống, là bến đỗ bình an, là chỗ dựa tinh thần cho các thành viên sau những giờ học tập, làm việc vất vả. Không phải tự nhiên mà mọi người cho rằng: “Đằng sau mỗi một người đàn ông thành đạt là người phụ nữ biết hy sinh”. Và sự hy sinh của người phụ nữ cho gia đình trong xã hội nào cũng không gì có thể so sánh nổi. Để có một gia đình hạnh phúc với những đứa con chăm ngoan, học giỏi, người chồng thành đạt… là hình ảnh của người vợ tảo tần, đảm đang.
Vai trò của người Phụ nữ Việt Nam ngày xưa đối với gia đình, xã hội vô cùng mờ nhạt
Thực tế đã chứng minh rằng, trong bất cứ một gia đình nào, nếu thiếu vai trò của người phụ nữ sẽ dẫn đến nhiều hậu quả, như người già thiếu sự quan tâm chăm sóc của con cháu, con cái không được dạy dỗ, người đàn ông thiếu chỗ dựa tinh thần, đời sống tình cảm mất cân đối, gia đình thiếu hạnh phúc, trật tự xã hội không ổn định vì thiếu sự quản lý từ phía gia đình… Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, người phụ nữ ra ngoài làm việc nếu không sắp xếp được thời gian chăm sóc gia đình, quản giáo con cái sẽ dẫn đến đánh mất hạnh phúc gia đình, con cái hư hỏng, vợ chồng đổ vỡ, người già không có nơi nương tựa. Bởi thế kinh nghiệm người xưa cho rằng: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, có nhà chưa hẳn đã có hạnh phúc, mà chỉ có hạnh phúc khi ngôi nhà trở thành tổ ấm của mình.
Không chỉ có vậy, người phụ nữ còn giữ vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ trong gia đình. Gia đình có được ấm êm, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười cũng là nhờ sự khéo léo của người phụ nữ. Người phụ nữ không chỉ chăm lo cho gia đình về vật chất mà còn là người thắp lên ngọn lửa tình yêu, niềm tin, ước mơ hi vọng cho mỗi thành viên trong gia đình. Cho dù theo thời gian, chuẩn mực về người phụ nữ có thay đổi nhưng vai trò “thắp lửa” và “giữ lửa” cho gia đình của người phụ nữ thì không bao giờ thay đổi.
Nỗ lực bình đẳng giới
Nhưng giờ đây, theo sự thay đổi chung của thời đại, người phụ nữ ngày nay ngoài trách nhiệm truyền thống làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ… đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật… và phụ nữ đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp… ngày càng chiếm tỷ lệ cao.
Vị trí của phụ nữ ngày càng được khẳng định
Theo thời gian, mô hình người phụ nữ xưa chỉ là con người “bổn phận và trách nhiệm”, nhằm thỏa mãn những yêu cầu của gia đình và xã hội đã dần không còn phù hợp. Gia đình trong xã hội hiện đại đang cần những người vợ, người mẹ đảm đang, thông minh, tinh tế, nhân hậu, năng động và sáng tạo. Người phụ nữ đã được giải phóng nếu muốn thực sự làm chủ được bản thân, gia đình và xã hội phải vươn lên để thành đạt trong sự nghiệp, có thu nhập cao, có cuộc sống tinh thần phong phú và một phong cách sống độc lập của riêng mình.
Thực tế đã chứng minh vị thế xã hội cũng giúp cho người phụ nữ có uy tín và điều kiện nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị, vẫn có tính thời sự. Cuộc cách mạng “nam nữ bình quyền” mà Người khởi xướng vẫn đang thôi thúc “từng người, từng gia đình, đến toàn dân” thực hiện. Mọi người đều thấm nhuần niềm tin sắt đá của Bác Hồ là cuộc cách mạng này “dù to và khó nhưng nhất định thành công”.
Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng nam nữ đã được xác định rất rõ ràng, và đã có nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển. Trong những năm gần đây, chúng ta hay dùng cụm từ “bình đẳng giới”. Vậy, “bình đẳng giới” là gì? Nội dung của nó như thế nào? Đây là vấn đề cần tìm hiểu để đi đến thống nhất trong nhận thức và hành động.
Trong xã hội hiện đại, được tiếp xúc với tri thức, khoa học, kỹ thuật..., người phụ nữ phương Đông nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng không còn bị trói buộc trong công việc nội trợ, mà đã biết nâng giá trị, dần khẳng định mình trong tất cả các lĩnh vực, trở thành những nhà khoa học, những nhà lãnh đạo tài năng, những cán bộ có năng lực không thua kém gì đàn ông.
Những tấm gương về phụ nữ điển hình “Giỏi việc nước đảm việc nhà” hàng năm không ngừng được tăng lên, đồng nghĩa với việc thăng tiến, địa vị của người phụ nữ đã được khẳng định trong xã hội. Nếu xưa kia, người phụ nữ bao giờ cũng được xếp sau người đàn ông thì ngày nay tất cả đã “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”. Những gì yêu thương, tốt đẹp đều dành cho phụ nữ.
“Trong cơ chế thị trường hiện nay, nếu không gìn giữ và phát huy những vốn quý đó thì những giá trị đạo đức rất dễ bị đảo lộn. Sự dịu dàng, ân cần, khéo léo, sự ngoan ngoãn, tôn trọng người trên và tình yêu, tình thương của một người con, người vợ, người mẹ sẽ trở thành chìa khóa bảo vệ hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình trở thành tổ ấm thực sự, góp phần xây dựng một xã hội phát triển lành mạnh”, chị Nguyễn Minh Hạnh, giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội chia sẻ.
Từng bước khẳng định mình
Để hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm gần đây, nhiều dự án đã triển khai thiết lập các mô hình góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới như: Phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng rất thành công ở Huế, Hải Phòng, Ninh Bình…
Trong lĩnh vực lao động và sản xuất, lao động nữ chiếm tới gần 50%
Về chính trị, nữ giới Việt Nam có tổ chức chính trị riêng, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Và, tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung và tỷ lệ này ngày càng tăng. Điển hình, quán triệt tinh thần Đại hội XII của Đảng: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng” thì tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng lên. Cụ thể, nếu như số nữ đại biểu Quốc hội khóa I chỉ chiếm 3% thì đến khóa VIII (2011 - 2016) đã tăng lên đến 24,4%. Đến Khóa XIV (2016 - 2021), số nữ đại biểu Quốc hội chiếm tới 133 người, chiếm 26,72%. Hay trong bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở nhiều địa phương tỷ lệ phụ nữ trúng cử vượt dự kiến như: Đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt 43%; đại biểu Hội đồng nhân dân quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt gần 45%...
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực lao động, sản xuất, tỷ lệ và kết quả của lao động nữ cũng đạt được nhiều thành tựu khả quan. Cụ thể, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động chiếm 48,4% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Và với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến 73% trong tổng số phụ nữ trong độ tuổi lao động, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam hiện đang đi làm nhiều hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Tỷ lệ này cũng cao hơn mức trung bình thế giới (49%), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (59%) và nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (39%).
Trong Báo cáo phát triển con người, với tiêu đề “phát triển con người cho tất cả mọi người”, được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc công bố, Việt Nam với chỉ số bất bình đẳng giới là 0.337, xếp thứ 71/195 quốc gia, vùng lãnh thổ, tiếp tục nằm trong ba nước có thứ hạng tốt nhất tương ứng với chỉ số bất bình đẳng thấp nhất trong các nước ASEAN. Với thành tựu này, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, một trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao và được xếp vào nhóm nước có thành tựu bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Giờ đây, cái lạc hậu của mô hình “gia đình phong kiến” cổ hủ, kìm hãm sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã dần được xóa bỏ, chị em dần vượt lên cái định kiến “xuất giá tòng phu” để khẳng định chính mình. Tuy nhiên, không thể xóa bỏ triệt để mà chúng ta cần phải trân trọng những cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của gia đình truyền thống.