Ngày xuân kể chuyện vui về "trư cát"
Đời sống - Ngày đăng : 15:30, 09/02/2019
Người nọ truyền tay người kia thi nhau hít hà và khẳng định đây là vị thuốc quý hiếm giá trị cả tỷ đồng. Hay tin, cả xóm ùn ùn kéo đến xem đông như hội...
Cả gia đình không ngủ ngồi ngắm "cát lợn"
Gia đình bà Trần Thị Mai ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội có thâm niên nuôi lợn nái hàng chục năm. Vào một buổi tối trung tuần tháng 4/2018, con lợn nái đã nuôi được 8 năm của gia đình bà đẻ được 10 con lợn con. Khi đẻ xong, bỗng dưng lợn mẹ lăn đùng ra chết.
Hôm sau, bà Mai nhờ anh em đến khiêng lợn ra giữa sân mổ thịt để bán. Khi chích trong dạ dày, mọi người bất ngờ phát hiện một vật lạ trong dạ dày con lợn nái. Vật lạ có hình bầu dục to như trứng ngỗng, được bao bọc một lớp lông màu vàng nhạt, đan ken với nhau. Khi đem rửa sạch, đưa lên mũi ngửi lại có mùi thơm như giống vị thuốc bắc.
Gia đình bà Mai lên mạng tìm thông tin thì thấy vật lạ này giống y như đúc với "cát lợn", hay còn gọi là “trư cát” của một người dân Trung Quốc tìm thấy trong dạ dày khi tiến hành mổ lợn. Càng ngạc nhiên hơn khi các thông tin về "cát lợn" có giá cao ngất ngưởng, nhiều người đang săn lùng và sẵn sàng trả giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng tùy vào trọng lượng của “cát lợn”.
Hay tin gia đình bà Mai mổ lợn phát hiện “cát lợn” có giá hàng tỷ đồng, người dân địa phương tò mò ùn ùn kéo đến xin “mục sở thị”. Những ngày tiếp sau đó, gia đình bà Mai ngày nào cũng tiếp hàng chục vị khách xa lạ tìm đến xem “cát lợn” và trả giá nhưng bà nhất quyết không bán.
Hay tin gia đình mình có “cát lợn” giá tiền tỷ, các con bà Mai đang làm ăn xa cũng hộc tốc xin nghỉ phép về nhà để bảo vệ "cát lợn" tránh bị người khác nhòm ngó. Tối đến, cả gia đình bà Mai thay nhau sờ nắn khối tài sản tiền tỷ trên tay mà chẳng ai chịu đi ngủ.
Những ngày sau đó, điện thoại của bà Mai liên tục đổ chuông. Người dân tứ xứ gọi đến trả giá “cát lợn” nhưng kỳ lạ gia đình bà cứ đợi mãi mà chẳng thấy người đến "rước".
Khách trả 2 tỷ đồng mua "cát lợn" không bán
Cuối tháng 3/2017, một gia đình nông dân ở Hải Dương khi mổ lợn phát hiện trong dạ dày 2 vật thể màu xanh được cho là “cát lợn”, sau đó được một đoàn khách "xịn" ở TP Hồ Chí Minh trả giá 2 tỷ đồng khiến cả vùng quê xôn xao.
Chủ nhân sở hữu “cát lợn” được trả giá 2 tỷ đồng là ông Nguyễn Quang Vị (SN 1957), trú tại thôn Vân Tảo, xã Thanh An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Theo lời kể của ông Vị, khoảng năm 1983, gia đình ông nuôi 10 con lợn nái. Trong số 10 con lợn này, xuất hiện một con lợn rất hung dữ, lông thưa, thường xuyên phá chuồng và hai tai hay đập. Có những lúc tiếng đập tai của con lợn to như tiếng vỗ tay. Thấy vậy, hai vợ chồng ông bàn bạc bán lợn đi để mua con khác. Thời điểm ấy giá thịt rẻ, thợ mổ chê không mua nên ông rủ 8 người thân cùng đụng lợn để lấy thực phẩm ăn dần.
Sáng hôm ấy, mọi người tập trung mổ lợn rồi phát hiện một cục to nặng 0,8kg nằm trong dạ dày, có chiều dài gần 18cm, đường kính khoảng 8cm và một cục nhỏ 0,1kg trong túi mật. Cả hai vật thể lạ này có hình bầu dục giống quả dứa, lông cứng màu bạch kim và được bọc trong một túi nhỏ màu trắng. Không ai biết đó là vật gì cho đến khi một người trong nhóm tìm trên mạng biết đó là "cát lợn", có giá trị lớn trong y học và chữa bệnh đang được nhiều đại gia "săn" tìm.
Sau khi đưa lên mạng rao bán, điện thoại của ông Vị rung chuông liên hồi. Trong số hàng trăm cuộc điện thoại gọi điện hỏi mua "cát lợn", ông nhớ có một vị khách nói giọng Sài Gòn trả giá 2 tỷ đồng khiến ông sửng sốt. Tuy nhiên, lúc này ông vẫn "làm giá" với lý do để nghiên cứu và bàn bạc với gia đình.
Biết có người trả 2 tỷ mua “cát lợn”, bà con túa đến chúc mừng như nhà có đám hỷ. Thế nhưng, một tuần sau, rồi một tháng sau không thấy vị khách nào đến. Vợ ông thấy vậy thì "lên đồng nổi đóa" vì nghĩ chồng do dự nên bị mất cơ hội "trời cho". Cho đến nay, hai cục "cát lợn", một cục to và một cục nhỏ vẫn còn... đợi khách vì chẳng ai mua khiến cả nhà ôm mộng tiếc nuối, còn bà con chòm xóm thì phì cười.
Tưởng đổi đời, ai ngờ “vỡ mộng”
Câu chuyện kinh doanh “cát lợn” của anh Ngô Văn Đ. (Chương Mỹ, Hà Nội) vừa bi, vừa hài. Anh Đ. làm nghề tự do và kiêm thêm nghề tay trái là MC đám cưới. Thông qua mối quan hệ xã hội, anh quen một nhóm bạn chuyên thu mua “cát lợn” để bán cho các đối tác bên Trung Quốc.
Nhiều vật thể lạ trong dạ dày lợn nghi là “cát lợn” được rao bán giá tiền tỷ nhưng chẳng ai mua
Bản thân anh Đ. cũng không biết "cát lợn" quý như thế nào và có tác dụng ra sao, nhưng nghe một số người bạn kinh doanh “cát lợn” tiết lộ nó có giá tiền tỷ, nhiều người chỉ mua đi bán lại đã thành triệu phú. Từ đó, nghe tin ở đâu có "cát lợn" là anh lại lần mò đến tận nơi xem và ra giá hỏi mua cho bằng được.
Thời gian đầu, việc buôn bán thuận lợi, chỉ cần mua về sang tay cho người khác là anh kiếm ngày được vài chục triệu/1 "cát lợn". Nhưng càng về sau giá "cát lợn" lao dốc, thậm chí cho cũng không ai lấy. Anh Đ. ôm hàng “chục quả trứng vàng” cuối cùng phải vứt đi, ngậm ngùi quay trở về nghề MC đám cưới, mất trắng cả trăm triệu đồng.
Khi hỏi về tác dụng thực của “cát lợn”, nhiều chuyên gia về đông y cho rằng, tự cổ chí kim, các tài liệu về dược liệu đông y chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu tác dụng của "cát lợn" trong việc chữa bệnh.
"Giải mã" về hiện tượng xuất hiện vật lạ trong dạ dày lợn, lương y Đỗ Sơn Hà, người có nhiều năm nghiên cứu các bài thuốc dân gian cổ truyền cho rằng, con vật hoặc người bình thường lúc mới sinh không có sỏi, trong quá trình phát triển do ăn uống mà trong dạ dày loài vật hoặc ở một số bộ phận người có sỏi, cụ thể: sỏi trong dạ dày con trâu gọi là “ngưu hoàng”, sỏi trong con khỉ là “hầu táo”, sỏi trong con ngựa là “mã bảo”, sỏi trong con chó là “cẩu bảo”, sỏi trong con lợn là “trư cát” hay còn gọi “cát lợn”.
Ông Hà phân tích, sự hình thành sỏi là do quá trình ăn uống có một số khoáng chất dư thừa được tích tụ lâu ngày trong cơ thể và do sự chuyển hóa phản ứng hóa lý trong quá trình tiêu thụ thức ăn nên các khoáng chất dư thừa đã gắn kết mà hình thành sỏi. Nếu mổ lợn trong dạ dày phát hiện vật lạ, tạm gọi là "cát lợn" có thể đó là một khối u do một số khoáng chất tích tụ lâu ngày trong cơ thể mà có. Quan sát bề ngoài, khối u này được bao bọc bằng các lớp mỡ, khi bóc bỏ lớp mỡ đó là một khối có màng bọc, cắt khối đó bên trong có chất sệt màu xanh mùi tanh, chất sệt màu xanh đó là xác của bạch cầu và xác vi khuẩn. Do đó, khối u này là mồ chôn xác bạch cầu, vi khuẩn.
Mặt khác, nếu khối u đó bên ngoài mọc lông, bóc bỏ lớp lông đó bên trong là một khối rắn có màu nâu sẫm thì đó chính là các khoáng chất gắn kết với nhau hình thành sỏi. Còn lớp lông đó có thể là do các vi khuẩn cùng loại bám vào sỏi để sống liên kết biến dạng mà thành.
Bởi vậy, “cát lợn” hay “trư cát” chỉ là thứ rác thải vô dụng chứ chẳng phải vật quý hiếm giá tiền tỷ như thiên hạ đồn thổi.