Xuân mới trên thành phố trẻ Hà Tiên

Đời sống - Ngày đăng : 10:00, 09/02/2019

Những ngày cận Tết 2019, chúng tôi cùng Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 và một số cựu chiến binh theo tuyến đường từ Củ Chi đến với thành phố trẻ Hà Tiên.

Chuyến đi đã đem lại nhiều cảm xúc về một mùa xuân mới vùng biên giới hòa bình và phát triển.

Điểm sáng biên thùy

Gọi là Hà Tiên là thành phố trẻ vì sau nhiều nỗ lực, cố gắng với bao kỳ vọng, ngày 11/9/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký Nghị quyết số 573/NQ-UBTVQH14, về việc thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên và TP. Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, vào tối 3/11/2018 tại quảng trường Chiêu Anh Các đã diễn ra lễ công bố về mô hình tổ chức hành chính mới cho mảnh đất nhiều tiềm năng phát triển này.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng có chất giọng đầm ấm của xứ dừa Bến Tre với trí nhớ tuyệt vời về các số liệu có liên quan đến mảnh đất Hà Tiên. Đây là thành phố nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, cách Vương quốc Campuchia khoảng 20km nên thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo mối quan hệ giao thương với Thái Lan qua mạng lưới đường xuyên Á, đường hành lang ven biển, quốc lộ 80, quốc lộ N1 nối vùng lãnh thổ rộng lớn Nam Bộ với các nước láng giềng. Cùng với đó là đường biển từ Hà Tiên đi Phú Quốc, Kiên Lương, Cà Mau, Rạch Giá, là điểm kết nối quan trọng trong vùng phát triển du lịch trọng điểm quốc gia Phú Quốc - Rạch Giá - Hà Tiên.

Xuân mới trên thành phố trẻ  Hà Tiên

 Tiềm năng của quần đảo Tiên Hải đang được quy hoạch khai thác bền vững, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư có tâm, có tầm 

Bên cạnh đó, đô thị Hà Tiên có hệ sinh thái biển đảo với quần đảo Tiên Hải, mà tên dân gian là quần đảo Hải Tặc, với bao chuyện dã sử, có hệ sinh thái núi đồi, hệ sinh thái mặt nước là đầm Đông Hồ, có hệ thống các sông gắn kết vùng ngập nước, cùng không gian sinh thái đô thị. Đây là đô thị đặc thù với các di sản văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, cuộc sống và phong cách sống của nhân dân hài hòa với thiên nhiên. 

Các cựu binh đi cùng lại nhớ về hàng loạt trận đánh qua nhiều thời kỳ của khu vực biên giới Tây Nam, cũng như bàn về ý tưởng nông nghiệp bền vững và bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu, gắn với mô hình du lịch sinh thái bền vững, có sự tham gia của nhân dân, để tuyến biên giới hòa bình, ổn định, phát triển. Hạt nhân chính của chiến lược bền vững này đã bắt đầu hình thành với mô hình TP. Hà Tiên, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị vùng biển, ven biển nước ta và hệ thống đô thị vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

Câu chuyện về Hà Tiên vẫn là chủ đề chính trong bữa cơm tối tại Khách sạn Pháo Đài, cạnh chân cầu Tô Châu, chen lẫn từng hồi còi lanh lảnh của tàu khách, phà biển.

Như đã hẹn trước, anh Nguyễn Thanh Nhàn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên, cùng nhiều cán bộ biên phòng, sỹ quan của Thành đội Hà Tiên… cũng có mặt để cùng chia vui với Thiếu tướng Nguyễn Hoàng và các thành viên của chuyến đi về sự phát triển mới của địa phương trong mùa xuân mới.

Nhìn phong thái chững chạc của người lãnh đạo trẻ của đô thị trẻ này, chúng tôi lại nhớ về lời phát biểu ngắn gọn của anh Nhàn về thế và lực của Hà Tiên tại buổi lễ tối 3/11. Đó là khi Hà Tiên trở thành thành phố sẽ mở ra một bước phát triển mới, trở thành đô thị cửa khẩu ở biên giới  phía Tây Nam của Tổ quốc. Hiện tại, Hà Tiên là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang. Với vị trí ven biển, giáp biên giới Campuchia, có nhiều dạng địa hình từ đồng bằng đến đồi núi, hang động và hải đảo, đặc biệt có bãi biển Mũi Nai, quần đảo Tiên Hải với 14 hòn đảo lớn nhỏ, Hà Tiên có lợi thế lớn để phát triển du lịch, cũng là thành phố thương mại - dịch vụ du lịch, với mục tiêu đến năm 2020, sẽ thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 38.000 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 2.700 tỷ đồng.

Đẹp như tranh thủy mặc 

Theo cổng thông tin của UBND TP. Hà Tiên thì Hà Tiên có 3 dân tộc chính là Kinh - Khmer - Hoa. Đây là vùng đất có bản sắc văn hóa rất đặc thù và đa dạng, được hình thành cách đây hơn 300 năm, gắn liền với tên tuổi dòng họ Mạc. Khi Mạc Cửu đến khai phá và quy phục Chúa Nguyễn ở Đàng trong vào năm Mậu Tý - 1708 và được Chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong làm Tổng binh Trấn Hà Tiên, tước Cửu Ngọc Hầu và người kế vị là Mạc Thiên Tích - con trai trưởng của Mạc Cửu, đã xây dựng Hà Tiên thành một vùng đất trù phú, phố thị sầm uất, giao thương với nhiều nước, đời sống người dân ấm no, an lạc.

Hơn thế nữa, Mạc Thiên Tích còn thành lập và làm Chủ soái Tao đàn Chiêu Anh Các quy tụ nhiều học sĩ, thi nhân đến làm thơ, xướng họa. Đây là Tao đàn được các nhà nghiên cứu lịch sử văn học đánh giá là Tao đàn lớn thứ hai, sau Tao đàn Nhị thập bát tú của Vua Lê Thánh Tông lúc bấy giờ. 

Đã từ lâu, Hà Tiên luôn là một địa chỉ thân thuộc đối với ai yêu lịch sử - văn hóa, đất nước và con người Nam Bộ. Hà Tiên - miền biên thùy tận cùng phía Tây Nam của tổ quốc, tuy địa dư không lớn lắm, nhưng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp và thơ mộng đã đi vào thơ ca, tiêu biểu là tác phẩm Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích:

“ Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,

Non non nước nước gẫm nên xinh.

Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,

Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.

Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi,

Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh.

Bình San, Thạch Động là rường cột,

Sừng sững muôn năm cũng để dành”.

Đoàn chúng tôi được Trạm kiểm soát biên phòng Pháo Đài đã dành hẳn một chiếc tàu chuyên dùng để đưa đoàn ra quần đảo Tiên Hải để tìm hiểu hoạt động du lịch kết hợp an ninh quốc phòng, vì khu vực này có 18 hòn đảo, với tổng diện tích tự nhiên hơn 283ha, nằm cách Hà Tiên khoảng 20km và đảo Phú Quốc 40km. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống và cơ sở hạ tầng của quần đảo này đã từng bước thay đổi, là điểm đến của nhiều người yêu biển khắp cả nước.

Xuân mới trên thành phố trẻ  Hà Tiên

Tối 3/11/2018, tại quảng trường Chiêu Anh Các đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết số 573/NQ-UBTVQH14, thành lập TP. Hà Tiên

Không gian đại dương trải rộng được các dãy núi đủ hình, đủ dạng tô điểm, những con thuyền với cờ đỏ sao vàng vẫn miệt mài khai thác hải sản đúng mốc giới, luồng sóng trắng từ đuôi tàu cao tốc, phà biển kéo theo hàng đàn chim hải âu đi tìm cá làm không khí buổi sáng trên vùng biển Hà Tiên thêm nhộn nhịp. Những cái tên như hòn Giang, hòn Ụ, hòn Đước, hòn Đốc được xướng lên qua giọng nói của người xứ biển càng làm cho không khí chuyến khảo sát thêm hào hứng.

Sau khi tăng bo bằng chiếc xuống nhỏ, chúng tôi lên hòn Giang, là nơi vừa được đầu tư làm đường và cầu cảng để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng phòng hộ. Không khí trong lành, cây rừng xanh mướt chào đón mọi người ngay tại con đường mới mở ven chân rừng, ánh mắt và nụ cười của người dân hòn Giang dàng cho chúng tôi như muốn nói rằng nơi đây vẫn chờ một tấm lòng vì biển đảo.

Gần trưa, chuyến tàu cập vào bến chính của trung tâm đảo Tiên Hải. Trời trong, mây trắng, nắng vàng nên nhiều tàu chở du khách cũng đã tấp nập ra vào cầu cảng. Hoạt động xây dựng kè biển, hoàn thiện hệ thống gian thông đang được một doanh nghiệp quân đội thi công phía trước tấm bảng chỉ dẫn địa lý quần đảo Tiên Hải với cái tên thường gọi là quần đảo Hải Tặc. Chỉ dẫn cho chúng tôi về các điểm đảo, cùng hệ thống điện lưới đang được thi công từ đất liền ra đảo, ông Đào Trường Giang, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hải cho biết nếu không có gì thay đổi thì quý I/2019, người dân xã đảo sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia cho đời sống và sản xuất, là điều kiện để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch sinh thái.

Đi một vòng quanh đảo, chúng tôi gặp chị Tư, quê An Giang, đang sắp xếp lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Chị Tư khẳng khái nói đây là mảnh đất lành, chịu khó lao động sẽ có cuộc sống dư giả, an ninh trật tự được bảo đảm, khí hậu trong lành. Điều mừng nhất là sắp có điện lưới đến từng hộ gia đình để người dân có thêm thời gian thưởng thức các chương trình văn nghệ, đặc biệt là cải lương.

Trên đường vào đất liền, giữa mênh mang biển trời, một cảm xúc chất ngất lại ập về với chúng tôi nghe từ buồng lái vang lên lời bài ca thống nhất được một người lính biên phòng cất cao giữa tiếng gầm của máy tàu đang đè sóng, lướt gió. Quả thật có đi, có đến thì mới thấy biển trời Hà Tiên bao la đẹp như gấm hoa, là điểm đầu tư của tương lai, là pháo đài đô thị miền biên thùy. 

Văn Vũ