Về Văn Yên đắm mình trong văn hóa người Dao
Đời sống - Ngày đăng : 16:30, 08/02/2019
Những làn điệu Páo dung say sưa tưởng quên ngày tháng của người Dao (huyện Văn Yên, Yên Bái) giống như những mạch suối nguồn vô tận, khiến ai một lần đắm mình trong đó đều quên cả lối về…
Độc đáo đám cưới người Dao
Có mặt tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vào những ngày cận Tết, chúng tôi cảm nhận dường như Xuân đã đến đây từ rất sớm.
Trong cái se lạnh, thoang thoảng mùi hương quế cay nồng, chúng tôi thật may mắn khi được hoà mình một đám cưới của đôi trai gái người Dao ở xã Viễn Sơn. Hôm nay, cô dâu dậy từ rất sớm, sửa soạn trang phục- trang phục mà bất kỳ cô gái nào cũng muốn diện nó một lần trong đời.
Mẹ cô dâu cho biết, để có được bộ trang phục truyền thống này, gia đình đã phải chuẩn bị từ 4 đến 5 tháng trước. Mũ áo của cô là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm. Trên trang phục của cô dâu phải có bạc và nhiều màu sắc. Mỗi màu sắc đều có một ý nghĩa riêng, như: Màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. Trên đường đi đến nhà trai, cô dâu phải dùng tấm che mặt, bởi người Dao đỏ quan niệm không để mặt trời rọi vào mặt cô dâu vì sợ mất vía, cô dâu sẽ không gặp may trong đời sống sau này.
Đặc biệt trong lễ cưới, chú rể sẽ không đến nhà gái để đón dâu, mà cô dâu cùng đoàn nhà gái, trong đó ông mờ (tức ông mối) làm trưởng đoàn sẽ tự đến nhà trai. Đoàn đưa dâu hôm nay không có trống, chiêng, khèn rầm rộ như đám cưới của các dân tộc khác nhưng lại rộn rã tiếng nói cười. Đến nhà trai, cả đoàn đưa dâu dừng chân ở đầu ngõ để đợi giờ tốt, sau đó bước qua đống lửa để trừ tà ma.
Lễ kết hôn được diễn ra trước bàn thờ tổ tiên, chủ hôn làm phép vào hai chén rượu rồi bắt chéo tay ban cho cô dâu, chú rể với ý nghĩa uống xong ly rượu này hai người sẽ say nhau suốt đời, sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long.
Uống xong ly rượu, cô dâu vái tạ tổ tiên, bố mẹ chồng và được đưa xuống bếp vái thần bếp. Tiếp đến, cô dâu múc nước vào chậu bưng lên nhà mời ông mờ, chủ hôn, bố mẹ, gia đình nhà chồng rửa mặt. Khi rửa mặt xong, chủ hôn và gia đình nhà chồng đặt tiền lên chậu nước để lấy may mắn cũng như mong muốn vợ chồng trăm năm hạnh phúc…Từ lúc này, cô gái đã chính thức là thành viên của gia đình.
Theo phong tục, ngay sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ sẽ lên nương trồng quế trên mảnh đất được bố mẹ chia cho làm của hồi môn. Điều này có ý nghĩa tạo lập cuộc sống mới và có trách nhiệm duy trì, phát triển truyền thống trồng cây quế của người Dao.
Đám cưới truyền thống của người Dao đỏ Văn Yên không chỉ chứa đựng nét văn hóa độc đáo, mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc là tấm lòng thành kính với tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc, sự gắn bó cộng đồng, tôn vinh cái đẹp của tình yêu trai gái. Đó cũng là cách người Dao thể hiện tình đoàn kết, tương thân tương ái vượt qua khó khăn, thách thức để chung tay xây dựng cuộc sống gia đình, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Linh thiêng lễ cấp sắc
Trong ánh chiều tà, bên những đồi quế bạt ngàn ở xã Đại Sơn, chúng tôi như bị hút hồn khi lắng nghe Nghệ nhân Đặng Nho Vượng kể về Lễ cấp sắc. Theo ông Vượng, nói đến người Dao là phải nói đến lễ cấp sắc (lễ lập tịch). Người đàn ông phải trải qua lễ cấp sắc mới được cộng đồng làng bản công nhận đã trưởng thành, được tham gia các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của dòng họ. Lễ cấp sắc có thể là do một, hay nhiều cá nhân của một gia đình, dòng họ hay cả một tập thể của nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều bản làng khác cùng nhau tổ chức.
Lễ cấp sắc có rất nhiều bậc. Lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của các gia đình, dòng họ. Riêng cấp sắc 12 đèn có quy mô lớn hơn nên phải 20, 30 năm mới có một lần với nhiều bước như: nhiều bước như: lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên về lý do của buổi lễ, lễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc, lễ xuất binh, lễ ăn chay, bước học làm thầy và điệu múa rùa. Các nghi thức trên được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, chiêng, kèn…
Cô dâu người Dao đỏ xã Viễn Sơn, Văn Yên trong lễ đưa dâu về nhà chồng
Điều đặc biệt trong suốt quá trình làm lễ, những người đàn ông được cấp sắc phải ăn ở tập trung một chỗ, không được đi xa. Trước mỗi bữa, những người được cấp sắc đều phải đến trước bàn thờ thần ở giữa gian nhà để vái lạy rồi mới được ăn cơm.
Nghi lễ linh thiêng nhất của lễ cấp sắc 12 đèn gọi là lễ đăng quang. Sau khi kết thúc lễ đăng quang, thầy cúng hướng dẫn các trò bái tổ tiên và làm lễ vái lạy thần thánh. Cuối cùng, các trò lên “tồ sên” (thiên đình) để nhận dấu ấn của Ngọc Hoàng và văn bằng âm dương. Đây là bằng cấp cao nhất trong cuộc đời của người đàn ông Dao đỏ.
Theo Nghệ nhân Đặng Nho Vượng: “Nghi lễ cấp sắc chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục, triết lý về nhân sinh quan rất có ý nghĩa. Trong không gian của nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao có các điều răn dạy hướng con người tới cái thiện, sống có đạo đức, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Đây cũng là nghi lễ thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no và hạnh phúc, thắm tình đoàn kết của đồng bào dân tộc Dao”.
Say sưa với điệu Páo dung
Lên Văn Yên chưa nghe hát Páo dung là bạn còn chưa đắm đuối với văn hoá nơi này. Páo dung (Pá dung) theo tiếng Dao có nghĩa là ca hát, hát Páo dung là hát dân ca của dân tộc Dao. Hát Páo dung ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Páo dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao ở Văn Yên.
Hát Páo dung có nhiều loại. Hát Páo dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than… Hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng - phong tục gồm các bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao, như hát trong lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng… Với người Dao, hát Páo dung luôn được giữ gìn như báu vật. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nam thanh nữ tú người Dao lại rủ nhau đi hát từ bản này sang bản khác. Cuộc hát say sưa khiến họ tưởng chừng như quên ngày, tháng nên dẫu có tàn cuộc, chia tay nhưng dường như những cuộc Páo dung vẫn chưa bao giờ kết thúc. Để rồi đến khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, khi vụ mùa đã xong, trai gái trong bản lại tiếp tục lời hẹn Páo dung ngày nào.
Theo Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn Bàn Phúc Hín, hát Páo dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Hát Páo dung đã thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Giá trị văn hóa lớn nhất ở đây chính là những định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương mình, gìn giữ và phát huy những từ ngữ trong các làn điệu dân ca hàm chứa sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa, trong lao động sản xuất…để truyền dạy cho thế hệ sau.
Ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào người Dao gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình, đồng thời tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về Páo dung đang lưu giữ trong nhân dân để dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền. Hàng năm, tổ chức hát Páo dung ở mỗi thôn, xã, liên xã nhằm đưa Páo dung phục vụ cuộc sống, gắn với các hoạt động trong các lễ hội văn hóa hàng năm để người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, nhất là thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn hát Páo dung của đồng bào Dao nơi đây”.